Biên phòng - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc 30 năm cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, trong đó có 21 năm chống Mỹ, cứu nước. Tổ quốc hòa bình thống nhất, Nam Bắc một nhà. Đó là thắng lợi của đức hy sinh, lòng dũng cảm và trí tuệ Việt Nam kết tinh bởi mưu lược sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng và ý chí anh hùng, bất khuất của nhân dân ta. Với niềm tin “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” và hành động muôn người như một, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng”, chúng ta đã làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975.
Đúng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976) đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc...”.
Có nhiều nguyên nhân tạo nên chiến thắng, nhưng nguyên nhân chủ yếu mang tính quyết định là Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Đó cũng là thắng lợi của bạn bè, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Sự thật lịch sử của chiến thắng ngày 30-4-1975 là điều không thể phủ nhận. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta và dân tộc ta.
Thế nhưng, cứ vào dịp 30-4, bên cạnh những hoạt động tri ân, biết ơn với lớp lớp thế hệ người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh cuộc đời và tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc thì những phần tử lưu vong phản quốc, cơ hội chính trị, bất mãn trong và ngoài nước lại ra rả những “bài ca” xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam với những luận điệu cũ rích; đồng thời, có những hoạt động chống phá điên cuồng, quyết liệt.
Chúng cố lừa phỉnh dư luận qua việc ngợi ca chế độ dân chủ, tự do và kinh tế phát triển dưới thời chính quyền Sài Gòn; xuyên tạc, phủ nhận thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta bằng những luận điệu hết sức phi lý. Chúng cho rằng, đó là sự nhân nhượng của Chính phủ Mỹ chứ không phải là thắng lợi của Việt Nam; hay chiến tranh Việt Nam là cuộc “nội chiến” huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt giữa hai miền Nam - Bắc; là “cuộc chiến tranh mang tính chất ủy nhiệm, chiến tranh mang tính ý thức hệ...”. Từ đó, chúng kết luận một cách hồ đồ: Cuộc chiến tranh của Việt Nam là “không cần thiết” và hoàn toàn “có thể tránh khỏi”. Một số trang web, mạng xã hội như Việt Tân, Chân trời mới... thường xuyên đăng tải những thông tin xuyên tạc lịch sử.
Mục đích của những phần tử này rất rõ: Phủ nhận lịch sử để xóa bỏ vai trò lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước... Đối tượng chúng hướng tới đa phần là học sinh, sinh viên trong nước và thế hệ trẻ người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.
Thay vì sách, báo, tạp chí như trước đây, thì nay chúng tận dụng triệt để sự phát triển của công nghệ thông tin để tìm cách xuyên tạc, cắt ghép, truyền bá những luận điệu sai trái trên internet, dưới nhiều hình thức, như bài viết, clip hòng đánh lừa những người ít thông tin, thiếu hiểu biết, đặc biệt là nhắm vào thế hệ trẻ. Những hành động phủ nhận, bịa đặt lịch sử như đã nêu, tuy không mới về thủ đoạn, nhưng hết sức thâm độc, qua đó, gieo rắc sự nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tác động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đối với dân tộc Việt Nam, để có ngày chiến thắng 30-4-1975, hơn 3 triệu đồng bào, chiến sĩ của ta đã ngã xuống; hàng ngàn làng mạc, thành phố đã bị san phẳng; gần nửa thế kỷ trôi qua, nhiều di chứng của cuộc chiến tranh vẫn tồn tại dai dẳng chưa thể khắc phục.
Trong suốt 21 năm chiến tranh, Mỹ đã huy động hơn nửa triệu quân, cùng hàng vạn quân đồng minh trực tiếp tham chiến, làm trụ cột cho hơn 1 triệu quân ngụy; đã sử dụng tất cả những vũ khí, kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất, kể cả vũ khí sinh học, hóa học lúc đó; thậm chí, Mỹ đã phiêu lưu, mạo hiểm và vô nhân tính đưa “siêu pháo đài bay” B.52 ném bom hủy diệt Thủ đô Hà Nội, nhằm “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời đồ đá”.
Mỹ đã dội xuống Việt Nam hơn 7,8 triệu tấn bom đạn, gấp hơn 3 lần sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai và gấp 12 lần so với chiến tranh Triều Tiên; rải khoảng 85 triệu lít chất độc hóa học (chủ yếu dioxin); tiêu tốn 676 tỷ USD, đưa chiến tranh Việt Nam trở thành một trong những cuộc chiến “đắt tiền” nhất trong lịch sử nước Mỹ; là một cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, vô cùng tàn bạo do đế quốc Mỹ gây ra đối với nhân dân Việt Nam,
Sau năm 1975, với truyền thống, đạo lý khoan dung, đồng thuận, đại đoàn kết dân tộc, Đảng, Nhà nước ta đã chủ động đề ra và thực hiện phương châm “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.
Mọi luận điệu xuyên tạc sự thật lịch sử với những thiên kiến lệch lạc, những ác ý thâm độc của các thế lực thù địch và cả những ngộ nhận, mơ hồ trong sự nhìn nhận, đánh giá lịch sử chiến tranh cách mạng thiếu khách quan, cụ thể, đi ngược lại tiến trình lịch sử đã không cản được bước tiến của dân tộc. Với việc gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) ngày 24-9-1982, Việt Nam ngày càng đạt được nhiều tiến bộ trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiện toàn hệ thống pháp luật về quyền con người, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí và hội nhập quốc tế...
Trong những năm qua, Việt Nam luôn duy trì tăng trưởng kinh tế từ 6-7%/năm, tạo thêm hàng triệu việc làm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh từ 9,9% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020. Đời sống vật chất và tinh thần của hơn 96 triệu người dân Việt Nam, trong đó có người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã thay đổi nhanh chóng, ấm no và hạnh phúc hơn.
2 năm qua, khi cả thế giới lao đao vì dịch bệnh Covid-19 thì Việt Nam được coi là hình mẫu phòng, chống dịch Covid-19 cho các nước noi theo. Không những thế, Việt Nam còn tạo ra “thắng lợi kép” làm các nước phải ngỡ ngàng - Đó là vừa phòng, chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm tốt đời sống của người dân.
Mỗi người dân của “con Lạc, cháu Hồng” dù ở trong nước hay đang định cư, học tập, công tác ở nước ngoài, không bao giờ được lãng quên lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; càng không thể tin theo hoặc hùa vào những mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, các phần tử lưu vong, cơ hội, bất mãn hòng bóp méo, bôi nhọ, xuyên tạc, đòi đánh giá lại lịch sử, phủ nhận tầm vóc vĩ đại của đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Hoàng Quý Lê