Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:46 GMT+7

Mối lo ngại về khủng hoảng lương thực trên thế giới

Biên phòng - Khủng hoảng lương thực đang ngày càng trở thành mối lo ngại lớn nhất của thế giới hiện nay với minh chứng rõ nét cho sự trầm trọng là vụ việc thương tâm ở Nigeria xảy ra gần đây.

Người dân Congo nhận lương thực cứu trợ sau khi sơ tán khỏi các cuộc giao tranh mới gần biên giới Congo với Rwanda. Ảnh: Reuters

Cuối tuần trước tại miền Nam Nigeria, người dân đã giẫm đạp lên nhau để giành giật đồ ăn miễn phí. Cảnh sát Nigeria thống kê, ít nhất 31 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương khi cố gắng nhận thức ăn miễn phí trong chương trình từ thiện do một nhà thờ tổ chức. Các hãng tin lớn quốc tế cho biết, hầu hết nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và số người thiệt mạng có thể sẽ tăng lên. Vụ việc là minh chứng cụ thể nhất cho tình trạng khủng hoảng lương thực đã ở mức nghiêm trọng. Chương trình lương thực thế giới (WFP) đầu tháng 5 năm nay công bố một bản báo cáo cho biết, khủng hoảng lương thực đã lên đến đỉnh điểm với 800 triệu người thiếu lương thực, gồm 193 triệu người không được cung cấp đủ lương thực ở mức tối thiểu.

Nổi cộm nhất là tại khu vực Tây Phi với khoảng 27 triệu người thiếu đói trầm trọng; Đông Phi dự báo chứng kiến thêm 20 triệu người chịu nạn đói trong năm nay. Báo cáo của WFP cho biết, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Tchad, Mali, Kenya và Somalia là những quốc gia chứng kiến tình trạng khủng hoảng lương thực rất trầm trọng. Làm rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của nạn đói, Tổ chức phi chính phủ Oxfam ước tính, cứ 40 giây lại có 1 người chết vì đói.

Giới chuyên gia cho rằng, bên cạnh tác động thời tiết do biến đổi khí hậu, nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng khan hiếm lương thực là do bất ổn an ninh, leo thang xung đột ở nhiều “điểm nóng” trên thế giới, đặc biệt là những nơi đóng vai trò quan trọng về nguồn cung cấp lương thực. Cùng với đó, xung đột cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhiên liệu khiến giá thành tăng cao, kéo theo giá lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu cũng tăng mạnh. Không chỉ tại châu Phi, mà ngay cả châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với suy giảm nguồn cung lương thực từ ngoài khu vực.

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hiện nay, nhiều nước chậm phát triển phải chi tới 50% tiêu dùng quốc gia để nhập khẩu lương thực. Điển hình như tháng 3-2022, chỉ số giá lương thực thế giới của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) tăng kỷ lục 17%. Viện Nghiên cứu và Sáng tạo Pháp công bố kết quả nghiên cứu, khảo sát mới nhất cho hay, giá dầu ăn, bột mì và mì sợi tại quốc gia này đã tăng khoảng từ 10 đến 15% trong năm qua, đây là mức kỷ lục kể từ năm 2008.

Theo giới chuyên gia quốc tế, cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 tác động mạnh nhất ở khu vực Trung Đông và châu Phi, kéo theo hàng loạt diễn biến chính trị bất ổn nhiều năm sau đó. Đỉnh điểm là phong trào “Mùa xuân Arab” năm 2011 làm xáo trộn hòa bình, thịnh vượng của cả khu vực. Cuộc khủng hoảng lương thực hiện hữu nhiều khả năng có thể gia tăng trong những tháng tới và có thể tạo nên một “cơn địa chấn” tác động nghiêm trọng tới trật tự quốc tế. Thực trạng đáng báo động này đã được Liên hợp quốc và các thể chế quốc tế lên tiếng kêu gọi các quốc gia cần chung tay hành động có trách nhiệm để tránh lặp lại những bất ổn đã từng xảy ra trong thập kỷ trước.

Một trong những “điểm sáng” trong bức tranh u ám về khủng hoảng lương thực, mới đây, Ngân hàng Thế giới công bố chương trình hành động trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với nạn đói và củng cố an ninh lương thực, trong đó bao gồm các hành động hỗ trợ nông nghiệp tại châu Phi, Trung Đông, Đông Âu, Trung và Nam Á. Cùng với đó, an ninh lương thực cũng trở thành chủ đề “nóng” nhất trên bàn nghị sự của các tổ chức quốc tế những ngày qua với trọng tâm là tìm lối thoát cho thị trường xuất nhập khẩu lương thực thiết yếu.

Giới chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, để giải quyết hữu hiệu cuộc khủng hoảng lương thực, các hành động hỗ trợ nhân đạo là điều rất cấp thiết. Song hành với đó, vấn đề căn bản nhất cần phải sớm giải quyết ngay là giảm nhiệt căng thẳng xung đột để củng cố lại trật tự an ninh lương thực, khôi phục các chuỗi cung ứng vốn đã bị gián đoạn trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO