Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 15/09/2024 10:30 GMT+7

Mối liên kết chặt chẽ giữa NATO và Đông Á

Biên phòng - Trong chuyến thăm hai nước Đông Á gồm Nhật Bản và Hàn Quốc mới đây, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã cho thấy mong muốn của liên minh quân sự lớn nhất thế giới này trong việc tăng cường quan hệ với khu vực.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong cuộc gặp vào đầu tuần này tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc của ông Jens Stoltenberg trong những ngày cuối tháng 1/2023 thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế. Các phương tiện truyền thông quốc tế đồng loạt đăng tải nhiều thông điệp quan trọng của chuyến thăm này.

Ngưới đứng đầu NATO đã cho rằng, cán cân quyền lực đang thay đổi nhanh chóng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, thế giới đang ở một bước ngoặt lịch sử trong môi trường an ninh phức tạp và nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Lập luận trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), ông Stoltenberg khẳng định, an ninh của châu Âu - Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có mối liên kết chặt chẽ. Thực tế phức tạp của thế giới hiện nay cho thấy nhu cầu cấp thiết phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác.

Riêng với Nhật Bản, ông Stoltenberg đánh giá, NATO và “xứ sở Phù Tang” có quan điểm rằng, việc đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc là không thể chấp nhận được ở bất kỳ đâu trên thế giới. Trong vấn đề an ninh trên biển tại khu vực, NATO phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép, đồng thời cảnh báo về các mối đe dọa mở rộng khả năng quân sự hiện hữu. Theo ông Stoltenberg, một trong những việc cần làm lúc này tại khu vực là cải thiện tính minh bạch và hợp tác mang tính xây dựng với các nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí.

Trước đó, tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), ông Stoltenberg đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này. Trong các cuộc hội đàm, người đứng đầu NATO nêu bật sự lo ngại về các vụ thử tên lửa và chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng, các diễn biến bất ổn an ninh quốc tế, bao gồm ở châu Âu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tại châu Á. Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và NATO đều công nhận những giá trị chung giữa hai bên và khẳng định, trước hàng loạt thách thức toàn cầu chưa từng có hiện nay, đoàn kết chia sẻ các giá trị tự do, dân chủ và pháp quyền là quan trọng hơn bao giờ hết.

Mặt khác, theo lời khẳng định của ông Stoltenberg, NATO và Hàn Quốc có cùng chí hướng thúc đẩy hòa bình và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Tổng Thư ký NATO cho biết mong muốn tăng cường hợp tác giữa NATO và Hàn Quốc trong các lĩnh vực bao gồm phòng thủ mạng, công nghệ và kiểm soát vũ khí, cũng như không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Bình luận của giới chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng, chuyến công du của ông Stoltenberg cho thấy rõ nét mục đích tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á thân cận nhất của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh châu Âu trải qua những ngày tháng bất ổn về an ninh, cũng như cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.

Dẫu vậy, giới chuyên gia cùng công nhận, NATO hiện nay vẫn sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực của mình vào khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, song, thực tế cho thấy các thành viên của liên minh quân sự này đang tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trên khắp thế giới. Vì vậy, việc tăng cường sự gắn kết chặt chẽ với các đối tác trong khu vực Đông Á là điều vô cùng quan trọng với NATO ở thời điểm hiện tại.

Giới phân tích cũng cho hay, việc Nhật Bản và Hàn Quốc thời gian gần đâycó những động thái gắn kết với NATO đã kéo theo nhiều phản ứng chỉ trích của một số quốc gia ở khu vực. Điển hình trong đó, việc các nhà lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự một hội nghị thượng đỉnh của NATO với tư cách quan sát viên vào năm ngoái đã gây ra nhiều sự tức giận với cáo buộc NATO đang bất chấp để cố gắng tạo ra “cánh tay nối dài” tại khu vực.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO