Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 03:51 GMT+7

Mỗi học sinh được hưởng... 1,2m2 khu bán trú

Biên phòng - Tính trung bình, mỗi học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Nang (xã Ba Nang, huyện Đắkrông, tỉnh Quảng Trị) chỉ sống trong 1,2m2 khu bán trú. Điều đáng trăn trở là ngôi nhà chung của các em đã xuống cấp nghiêm trọng sau 4 năm sử dụng.

600_13a.jpg
Hầu hết chăn, chiếu của học sinh bán trú rất mỏng manh, không đủ để chống rét.

Chúng tôi đến trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Nang với mong muốn tìm hiểu cuộc sống khó khăn của giáo viên và học sinh nơi đây. Thầy Hiệu trưởng Hoàng Văn Luận chỉ tay lên ngôi nhà bán trú nằm sau lưng trường, trầm ngâm bảo: "Ở khu nội trú của giáo viên, mỗi phòng có đến 4, 5 người. Mọi sinh hoạt đều rất bất tiện. Thế nhưng, nỗi vất vả của chúng tôi không nhằm nhò gì so với học sinh. Hiện tại, 102 học sinh của trường đang sống ở khu bán trú có diện tích 118,8m2, đang xuống cấp trầm trọng". Thầy Luận cho biết thêm, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Nang có tổng cộng 272 học sinh, từ lớp 6 đến lớp 9. Trong đó, nhà của 102 học sinh đều ở các bản xa như: Bù, Trầm, Ngược, Tà Mên... Để bám trụ con chữ, các em phải về sống tại khu bán trú.

Cách đây 4 năm, khu bán trú dân nuôi của trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Nang được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị. Trong khuôn viên khu bán trú, nơi ở được thiết kế rộng 118,8m2, có 2 phòng. Nhà bếp rộng 16,8m2. Hệ thống cấp nước và khu vệ sinh đảm bảo đầy đủ yêu cầu sinh hoạt cho học sinh. Ngoài ra, khu bán trú còn được trang bị giường ngủ, vật tư và các đồ dùng thiết yếu. Tổng vốn đầu tư công trình gần 330 triệu đồng. Được biết, theo thiết kế, khu bán trú dân nuôi có sức chứa khoảng 50 học sinh. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, rất nhiều học sinh đã được bố trí sống tại khu bán trú. Đó là lý do ngôi nhà chung này trở nên "quá tải" với 102 học sinh.

Hiện nay, do tình trạng quá tải, khu nhà bán trú dân nuôi của trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Nang đã xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn hệ thống cửa, giường ngủ của học sinh bị hư hỏng. Phần nền nhà bị vỡ, lổm nhổm "ổ gà". Hệ thống nước của nhà tắm và nhà vệ sinh không còn sử dụng được. Trước thực trạng đó, cuộc sống của các học sinh bán trú gặp rất nhiều khó khăn. Em Hồ Văn Đờn, học sinh lớp 6A, chia sẻ: "Chúng em ở đây phải ngủ chung giường vì các bạn quá đông".

Gia đình hầu hết học sinh sống tại khu bán trú trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Nang đều nghèo. Việc trợ cấp cho con em đi học xa nhà không phải là chuyện đơn giản. Thế nên, phần lớn học sinh tại khu bán trú đều phải tự lo liệu cuộc sống. Em Hồ Văn Ỏi, học sinh lớp 8, chia sẻ: "Chúng em đem gạo từ nhà đến khu bán trú để nấu ăn. Từng nhóm bạn thân sẽ góp gạo thổi cơm chung. Thường thường, bữa ăn của chúng em chỉ có cơm và muối ớt. Dư dả hơn một chút thì có thêm rau, quả, con cá khô... được thầy cô cho". Tại khu bán trú, hệ thống nước đã bị hư hỏng hoàn toàn. Ngày ngày, học sinh phải múc nước suối hoặc xin nước tự chảy về dùng, nguy cơ nhiễm các bệnh da liễu, tiêu hóa là khá cao. Một thực tế khác là mùa lạnh đã về, nhưng hầu hết chăn màn, chiếu của các học sinh ở khu bán trú đều không đủ để chống chọi thời tiết khắc nghiệt của vùng cao. Nhiều em vẫn sử dụng những chiếc chăn, chiếu cũ rích, mỏng manh. Thầy Phan Thanh Tùng, Hiệu phó trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Nang tâm sự: "Thầy cô rất thương và hiểu nỗi khó khăn của học sinh. Song, do điều kiện không cho phép nên chúng tôi chỉ giúp đỡ trong phạm vi có thể. Rất mong các cấp chính quyền, nhà hảo tâm hỗ trợ các em cải thiện điều kiện sinh hoạt và học tập".
600_13b.jpg
Em Hồ Văn Ỏi tự túc nấu ăn hàng ngày.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng này, bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắkrông cho biết: "Chúng tôi đã đến tận nơi để tìm hiểu cuộc sống học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Nang. Thực tế, số lượng học sinh bán trú của trường rất đông. Trong khi đó, khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng và không có giếng nước sạch. Vì vậy, trước mắt cần mở rộng, sửa chữa khu bán trú; đồng thời tiến hành đào giếng nước phục vụ nhu cầu học sinh và giáo viên. Chúng tôi đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh và đang làm các thủ tục cần thiết để yêu cầu sự hỗ trợ từ cấp trên".

Bà Cúc cho biết thêm, hiện nay, địa bàn huyện vẫn còn nhiều khu bán trú dân nuôi khác ở các xã: Tà Rụt, Tà Long, Húc Nghì... Để đảm bảo cuộc sống của học sinh, thiết nghĩ, cần xây dựng khu bán trú đi liền với giếng, công trình nước sạch, nhà vệ sinh, bếp. Bên cạnh đó, nên có cơ chế cử một cán bộ chuyên trách quản lí khu bán trú và học sinh ở đây. Đặc biệt, lãnh đạo huyện rất mong các nhà hảo tâm chia sẻ nỗi vất vả, khó khăn với học sinh bán trú vùng cao.
Tây Long

Bình luận

ZALO