Biên phòng - “Hạ nhiệt” chưa được mấy ngày, Bán đảo Triều Tiên lại tiếp tục “nóng lên” sau một loạt vụ thử tên lửa mới đây của Triều Tiên. Điều này làm dấy lên mối đe dọa hạt nhân thường trực ở khu vực này.

Gia tăng căng thẳng
Sáng 29-8, Triều Tiên đã phóng tên lửa Hwasong-12 ở sân bay Sunan gần thủ đô Bình Nhưỡng, bay qua lãnh thổ miền Bắc của Nhật Bản và rơi xuống vùng biển gần đó. Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, tên lửa bay được hơn 2.700 km với độ cao tối đa 550 km.
Đây là tên lửa đạn đạo thứ 13 Triều Tiên bắn trong năm nay và là quả thứ 7 kể từ khi tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức hồi tháng 5. Trong một báo cáo trình Quốc hội, ngày 31-8 Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Hwasong-12 đã được bắn ở góc độ "bình thường" nhưng với tầm bắn chỉ bằng một nửa so với tầm bắn bình thường là từ 4.500-5.000 km.
Trước đó ba ngày, Triều Tiên đã phóng ba quả tên lửa đạn đạo từ một địa điểm gần Kittaeryong, tỉnh Gangwon của Triều Tiên. Quân đội Mỹ khẳng định, các vụ phóng này không gây ra mối đe dọa tới Bắc Mỹ hay Guam, vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ trên Thái Bình Dương. Tokyo cũng khẳng định, các tên lửa này không rơi vào vùng lãnh thổ của Nhật Bản hay các khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, đồng thời không đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia.
Việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế được cho là bước đi chiến lược của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chọn thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump bận rộn với siêu bão Harvey, trong khi một liên minh chặt chẽ giữa Nga, Trung Quốc và các nhân tố quốc tế khác chưa được tập hợp, để tiến hành các vụ thử tên lửa nhằm đáp trả cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc mang tên “Người bảo vệ Tự do Ulchi - UFG”. Cuộc tập trận này có sự tham gia của 17.500 binh sĩ hai nước, bắt đầu từ ngày 21-8 và kéo dài đến hết tháng 8.
Theo Reuters, tuy không rầm rộ như hai cuộc tập trận “Giải pháp Then chốt” và “Đại bàng non” tổ chức vào mùa xuân, nhưng UFG cũng bao gồm hoạt động huấn luyện quân sự trên đất liền, trên biển, trên không và các tình huống chiến tranh giả lập trên máy tính. Giới chức Mỹ khẳng định, mục tiêu tập trận là nhằm tăng cường khả năng phòng vệ và đảm bảo trạng thái sẵn sàng trước nguy cơ tấn công từ bên ngoài, nhưng Bình Nhưỡng thì cho rằng mục đích diễn tập là hành động chuẩn bị xâm lược chống lại họ.
Mối đe dọa thường trực
Sau vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Thế giới đã nhận được thông điệp rõ ràng từ Triều Tiên, đó là sự xem thường không chỉ đối với các nước láng giềng mà còn tất cả thành viên LHQ cũng như tiêu chuẩn tối thiểu có thể chấp nhận được đối với các hành vi quốc tế”. Ông Trump cho rằng, “những hành động đe dọa và gây bất ổn” chỉ càng khiến Bình Nhưỡng bị cô lập hơn trong khu vực.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhất trí gia tăng sức ép tối đa để buộc Bình Nhưỡng phải đối thoại. Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Moon Jae-in đang thúc đẩy kế hoạch “tốc chiến tốc thắng” do quân đội nước này dẫn đầu trong trường hợp xảy ra xung đột với Triều Tiên.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, mục tiêu là kết thúc chiến tranh càng nhanh càng tốt. Kế hoạch mới của Hàn Quốc xác định hơn 1.000 địa điểm trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa và các khu vực triển khai lực lượng lính dù, lính thủy đánh bộ để xâm nhập Bình Nhưỡng, nhanh chóng hạ bệ chính quyền.
Bất chấp những lời cảnh báo của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, Triều Tiên vẫn khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa trong thời gian tới. Hiện nay, có đồn đoán cho rằng chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân vào đúng ngày Quốc khánh Triều Tiên (ngày 9-9 tới).
Ông Nicholas Eberstadt, học giả tại Viện Kinh doanh Mỹ (AEI) đồng thời là một chuyên gia về Triều Tiên nhận xét: “Chính quyền Triều Tiên trong quá khứ đã có ý định tiến hành thử tên lửa và hạt nhân vào các ngày có ý nghĩa lịch sử với nước này, hoặc để chế nhạo Mỹ như cách họ làm trong ngày Quốc khánh Mỹ (4-7) hoặc trong ngày nghỉ lễ của Hàn Quốc”.
Còn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định, Triều Tiên vẫn sẵn sàng kích hoạt bom hạt nhân vào bất kỳ thời điểm nào tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, tuy nhiên hiện chưa có "dấu hiệu bất thường" về việc Bình Nhưỡng có thể tiến hành động thái khiêu khích như tấn công du kích gần biên giới liên Triều.
Mối đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân từng là nỗi ám ảnh suốt giai đoạn giữa thế kỷ 20 và kéo dài đến tận khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên minh Xô Viết sụp đổ. Tình hình hiện nay tại Triều Tiên cho thấy, một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên có thể gây ra sự đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, phá hủy Hàn Quốc và có thể kéo cả Nhật Bản vào cuộc. Do vậy, kiềm chế và tìm kiếm giải pháp ngoại giao vẫn được Hàn Quốc, Nhật Bản và ngay cả Mỹ hướng tới nhằm tránh xảy ra một cuộc chiến tranh rủi ro và chi phí tốn kém quá mức.
Ngọc Oanh