Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:53 GMT+7

Mỗi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng là một chủ thể văn hóa

Biên phòng - Vai trò của BĐBP trong bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống ở khu vực biên giới, hải đảo thường được đề cập như một nhân tố quan trọng, một thành phần tham gia vào tổng hòa các hoạt động văn hóa của đất nước. Trên thực tế, suốt cả tiến trình phát triển đất nước lấy văn hóa làm nền tảng, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng là một chủ thể văn hóa. Đặc biệt là sau khi Nghị quyết 33–NQ/TW, Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

uepv_25a
Cán bộ Đồn Biên phòng An Hải, BĐBP Phú Yên trao đổi về các hiện vật văn hóa được tìm thấy trong đời sống, được chính nhân dân gìn giữ, bảo tồn. Ảnh: TTH 

Với mục tiêu tiến gần đến giá trị cốt lõi nhất của văn hóa là hình thành nhân cách con người và cốt cách của một dân tộc, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng để đất nước phát triển bền vững, những năm qua, lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ đồng hành với vùng biên giới, biển đảo, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Với mục tiêu lấy việc nhân lên những điều tốt đẹp, đẩy lùi những cái xấu làm kim chỉ nam cho hành động, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã theo đuổi những giá trị duy mỹ, ổn định kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, thực hiện tốt công tác khuyến học, an sinh xã hội... trên mọi lĩnh vực, nhiệm vụ công tác.  

Ngoài ra, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP ngoài thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó, còn tham gia trực tiếp như một chủ thể văn hóa tích cực trong hoạt động thông tin tuyên truyền văn hóa – hoạt động nòng cốt trong giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống. Họ thực sự trở thành chủ thể trong công tác tư tưởng văn hóa, sử dụng vũ khí sắc bén dưới nhiều hình thức văn hóa - văn nghệ để chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với quân và dân  nơi biên giới, biển đảo. Thông qua công tác này, các giá trị truyền thống được giữ lại trong đời sống, thậm chí chính họ, các chiến sĩ bảo vệ biên cương lãnh thổ quốc gia, đồng thời cũng là những người bảo vệ, giữ gìn, vun đắp đời sống tinh thần và đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hóa. 

Hoạt động của các Đội Tuyên truyền Văn hóa của BĐBP các tỉnh, thành phố thời gian qua chính là minh chứng tiêu biểu cho khả năng chuyển tải, sân khấu hóa, trình diễn và bảo tồn văn hóa truyền thống. Ngoài việc thường xuyên biểu diễn phục vụ đồng bào và nhân dân biên giới, biển đảo, các nghệ sĩ - chiến sĩ thường kỳ lại có dịp đua tài chuyên môn theo các hội diễn khu vực. 
Với sự chỉ đạo chuyên môn của Vụ Dân tộc, Vụ Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hầu như các kỳ hội diễn đều đạt chất lượng nghệ thuật cao, hội tụ những anh tài trong công tác tuyên truyền văn hóa. Điều thú vị nhất là các cán bộ BĐBP và các cán bộ văn hóa cơ sở qua đó có dịp hợp tác, chia sẻ, cùng vì mục tiêu chung là giữ gìn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Thượng úy Sih,S, cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr, BĐBP Gia Lai hiện đang là thành viên của nhóm nhạc trẻ Bazan – một nhóm nhạc có phong cách sáng tác và biểu diễn khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nhóm nhạc đạt được nhiều thành công khi mang âm hưởng Tây Nguyên đi cùng thời đại, lấy vốn văn hóa truyền thống để thuyết phục giới trẻ hiện nay. Sih,S ngoài vai trò là một chiến sĩ Biên phòng, anh còn là một ca sĩ, một nhạc sĩ và là một nhạc công chơi thành thạo nhiều nhạc khí riêng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên như đàn dây, đàn ống tre, ding goong, sáo, trống... 

Điều thú vị là Sih,S coi nhiệm vụ phục vụ trong lực lượng BĐBP, với vai trò là một chiến sĩ tư tưởng văn hóa cũng là cơ hội để cống hiến, để hát cho bà con mình nghe, nối dài văn hóa truyền thống, để rèn giũa thêm tính cách âm nhạc cũng như kỹ năng biểu diễn nghệ thuật. Tham gia Hội diễn Đội Tuyên truyền Văn hóa tuyến biên giới, biển đảo lần thứ X, năm 2019 khu vực miền Trung – Tây Nguyên vừa qua, Sih,S biểu diễn bài hát do em mình sáng tác và trình diễn nhạc cụ truyền thống với nhiều tiết mục lấy chất liệu từ văn hóa dân tộc Jrai. 

ki3x_25b
Tiết mục múa truyền thống của dân tộc Jrai do BĐBP Gia Lai dàn dựng và biểu diễn trong Hội diễn Đội Tuyên truyền Văn hóa khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2019. Ảnh: TTH 

Có thể thấy, nòng cốt của các Đội Tuyên truyền Văn hóa BĐBP các tỉnh, thành phố và Đoàn Văn công BĐBP chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ trưởng thành từ cơ sở, là con em của nhân dân biên giới, hải đảo, là người dân tộc thiểu số, đồng thời, cũng là tinh hoa, chủ thể văn hóa của công cuộc chấn hưng văn hóa phục vụ sự phát triển của đất nước. Họ chính là những chủ thể làm sống động những gì đặc sắc, ưu tú nhất của văn hóa dân tộc, tạo ra xung lực mạnh mẽ để phát triển chính dân tộc mình, đóng góp xứng đáng vào đời sống văn hóa nhân loại, tham gia quá trình hội nhập quốc tế, với sự tự biểu hiện, tự khẳng định giá trị, bản sắc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. 

Không lâu trước đây, Đội Tuyên truyền Văn hóa BĐBP Đắk Lắk – một trong những đội Tuyên truyền Văn hóa có thời lượng phục vụ quần chúng nhân dân nhiều nhất trở thành một đội mạnh chuyên môn, năng nổ trong hoạt động. Một lần, các cán bộ, chiến sĩ đi biểu diễn giao lưu ở khu vực biển đảo, phát hiện ra những tảng đá ở bờ biển có thể chế tác được thành đàn đá, họ đã gùi những thanh đá về Tây Nguyên làm thành cây đàn đá, đặt tên là cây đàn biên cương – hải đảo để biểu diễn trong những chương trình tự biên, tự diễn. Câu chuyện về lòng yêu nghề, yêu màu áo xanh người lính và yêu văn hóa truyền thống của dân tộc này là minh chứng cho hy vọng tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam sẽ còn được các chiến sĩ Biên phòng gìn giữ, bảo tồn ngày một sáng tạo, vững chắc hơn. 

Đã có thời các chiến sĩ Biên phòng trèo đèo, lội suối đến với bà con các miền biên cương xa xôi của Tổ quốc, ban ngày hành quân dã ngoại, buổi tối tổ chức văn nghệ quần chúng, tuyên truyền văn hóa và hát cho bà con nghe. Từ khi văn công còn là “đặc sản” của bộ đội, cho đến nay, những chiến sĩ tư tưởng văn hóa thực sự là những chủ thể trong tiến trình giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống. 

Thụy Văn 

Bình luận

ZALO