Biên phòng - Trước tình hình tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, manh động, nguy hiểm và số người nghiện ma túy đang có xu hướng gia tăng, Bộ Công an đã xây dựng Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy (gọi tắt là dự luật) và được Quốc hội chấp thuận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 tới đây.
Với nhiều quy định được điều chỉnh, dự luật trên được dư luận kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả kiểm soát và phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Đáng chú ý là những quy định về kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại tiền chất ma túy; quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của các lực lượng chức năng.
So với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi năm 2008), quan điểm về người nghiện ma túy đã có sự thay đổi căn bản tại dự luật lần này. Những người sử dụng trái phép chất ma túy hoặc người nghiện ma túy được xem là người bệnh và cần có giải pháp giúp đỡ, thay vì coi là đối tượng tệ nạn xã hội, cần cách ly khỏi cộng đồng như trước kia.
Theo các chuyên gia, sửa đổi này giúp nhận thức đầy đủ về công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện và cai nghiện ma túy, hướng tới mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại, góp phần huy động sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống ma túy...
Trước tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm cả nước phát hiện khoảng 20.000 vụ với trên 30.000 đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy, khối lượng chất ma túy thu giữ tính bằng tấn. Việc nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của các lực lượng Công an, BĐBP, Cảnh sát Biển, Hải quan ngày càng trở nên bức thiết.
Thế nên, việc sửa đổi, mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP, Cảnh sát Biển, Hải quan trong dự luật được nhiều chuyên gia và nhà quản lý đánh giá cao. Theo đó, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc BĐBP, Cảnh sát Biển, Hải quan trong phạm vi địa bàn, khu vực quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, chứ không chỉ hạn chế ở xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần như quy định của luật hiện hành.
Việc bổ sung nội dung này không chỉ đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, mà còn đảm bảo cho lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm của BĐBP có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng khác thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy tại khu vực biên giới, cửa khẩu và địa bàn BĐBP quản lý, kiểm soát.
Mặt khác, dự luật quy định những điều khoản trong hoạt động quốc tế, giúp cho các lực lượng chức năng của Công an, BĐBP phối hợp hiệu quả hơn với cơ quan chức năng chống tội phạm ma túy của các nước và các tổ chức chống tội phạm ma túy quốc tế để trao đổi thông tin tiến hành điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, nhiều chuyên gia đề nghị dự thảo cần tiếp tục điều chỉnh một số vấn đề như trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy cần xác định lực lượng chủ trì (căn cứ vào địa bàn, khu vực quản lý) để huy động các lực lượng phối hợp, tham gia. Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều bất cập, cần phải được cải thiện bằng những chính sách pháp luật thích hợp.
Cuộc đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy và tình trạng sử dụng ma túy trái phép ở nước ta vẫn còn rất khốc liệt, cam go. Do vậy, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi đang hướng đến tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn để giải quyết hiệu quả vấn đề này.
Hoàng Lâm