Biên phòng - Việt Nam cùng các nước ASEAN và 5 đối tác vừa ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - Hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới. Như vậy, Việt Nam đã tham gia 16 FTA. Với phạm vi cam kết rộng và toàn diện, các FTA mở ra nhiều cơ hội giúp Việt Nam có thể vươn lên chiếm lĩnh thị trường thế giới và khẳng định “thương hiệu” của mình.
Trong số 16 FTA Việt Nam tham gia có 13 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA sắp có hiệu lực và 2 FTA đang đàm phán. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: “15 năm trước, Việt Nam chỉ là nước đang chập chững bước vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với kim ngạch xuất khẩu (XK) cả năm chỉ ở mức 26 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam đã vươn lên thành nhóm đi đầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với việc chủ động đàm phán và ký kết một loạt các FTA”.
Xuất siêu 1,6 tỉ USD sang các nước CPTPP
Việc thực hiện các FTA đã tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14-1-2019, hàng hóa của Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường hơn 499 triệu người, quy mô GDP lên tới 10,6 nghìn tỷ USD, tương đương 13,3% GDP thế giới.
Theo Bộ Công thương, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch XK. Về cơ bản, các mặt hàng XK có thế mạnh của ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Với mức độ cam kết như vậy, theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, XK của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.
Năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Trong đó, kim ngạch XK của Việt Nam sang 10 nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu từ 10 nước CPTPP đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2018. Như vậy, năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP 1,6 tỷ USD.
Hiệp định CPTPP còn tạo áp lực cần thiết để Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý trong nhiều lĩnh vực. Đó là thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của nước ta. Việc thực hiện Hiệp định CPTPP cũng giúp Việt Nam hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến. Qua đó, thúc đẩy đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Về lĩnh vực lao động, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ luật Lao động 2019 đảm bảo tính tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Quốc hội cũng đã phê chuẩn Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước số 105 về “xóa bỏ lao động cưỡng bức”. Việt Nam cũng có những bước tiến trong việc thực hiện các cam kết về sở hữu trí tuệ...
Tín hiệu tích cực từ EVFTA
Dù mới thực thi nhưng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 đã mang lại những tín hiệu tích cực với một loạt các lô hàng nông sản đầu tiên được XK đi thị trường Liên minh châu Âu (EU) bất chấp tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
EVFTA là FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện, cơ chế thực thi chặt chẽ và thậm chí bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư... Thực thi Hiệp định EVFTA là cơ hội để Việt Nam gắn kết sâu rộng vào thị trường của 27 quốc gia, 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000USD. Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, gần như toàn bộ 100% biểu thuế đối với hàng hóa XK của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết.
Trong khi đó, quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam có tính bổ trợ lẫn nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp. EU nổi tiếng với các sản phẩm công nghệ cao về cơ khí, máy móc, được phẩm, nông sản ôn đới và chế biến mà Việt Nam có nhu cầu. Ngược lại, Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nông sản nhiệt đới mà thị trường EU cần. Thông qua quan hệ thương mại và đầu tư với EU, Việt Nam có cơ hội tiếp thu công nghệ, năng lực quản trị hiện đại, từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất của Việt Nam để gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiệp định EVFTA mới đi vào thực thi trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đã mang lại những kết quả hết sức tích cực và khả quan. Tính đến giữa tháng 10-2020, sau hai tháng rưỡi thực thi Hiệp định EVFTA, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi các nước EU.
Bước vào “sân chơi” lớn nhất thế giới
Quyết tâm hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam tiếp tục được khẳng định với việc tham gia Hiệp định RCEP, ký kết ngày 15-11-2020 giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand). Hiệp định RCEP được coi là giải pháp cấp bách để ứng phó với đại dịch Covid-19 của khu vực và trong việc xây dựng khả năng tự cường thông qua quá trình phục hồi kinh tế bền vững hậu đại dịch.
Hiệp định RCEP mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam khi quy mô thị trường lên tới 2,2 tỉ dân, chiếm hơn 32% tổng GDP toàn cầu - khu vực FTA lớn nhất trên thế giới. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia, việc thiết lập hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực. Bên cạnh đó, hiệp định sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp.., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
Với Việt Nam, RCEP giúp các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, quy mô GDP gấp đôi CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh XK hiện nay.n
Bích Nguyên