Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 03:04 GMT+7

Những mô hình hay cần trao đổi, nhân rộng:

Mô hình tự chủ thực phẩm của Đồn Biên phòng Săm Pun

Biên phòng - Ai đến thăm Đồn Biên phòng Săm Pun, BĐBP Hà Giang đều ngỡ ngàng trước mô hình VAC (vườn-ao-chuồng) của đơn vị. Dù địa hình đất cằn sỏi đá, thời tiết khắc nghiệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ ở đây đã biến khó khăn thành thuận lợi, tận dụng mọi khu đất để tăng gia sản xuất (TGSX) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

vt18_4a
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Săm Pun tăng gia sản xuất tại đơn vị. Ảnh: CTV

Dẫn chúng tôi đi dạo vòng quanh khu vườn rộng, Thiếu tá Hà Minh Tuấn, Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Săm Pun, vừa thoăn thoắt nhặt những chiếc lá sâu trong vườn rau được phân lô, phân luống gọn gàng, vừa kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng khó khăn để phát triển khu tăng gia.

Theo Thiếu tá Tuấn, đóng quân trên địa bàn xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, địa bàn quản lý của đồn gồm 32 thôn, bản trải dài trên địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống thưa thớt, rải rác. Những năm qua, bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biên giới, Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị luôn chú trọng lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất trên cơ sở các mô hình tăng gia sản xuất của đơn vị đã mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Do đặc điểm khí hậu ở đây khá khắc nghiệt nên việc “trồng cây gì và nuôi con gì” là câu hỏi khiến cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Săm Pun trăn trở.

Ở vùng đất Mèo Vạc này, vào mùa Đông, nhiệt độ xuống thấp, cây trồng chậm phát triển, gia súc, gia cầm cũng thường mắc các bệnh do ảnh hưởng của thời tiết đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi. Khắc phục tình trạng trên, chỉ huy đơn vị đã tập trung huy động cán bộ, chiến sĩ đề xuất giải pháp và tháo gỡ khó khăn bằng cách vệ sinh chuồng trại cho gia súc, gia cầm sạch sẽ, thoáng mát, mùa nào thì trồng loại cây ấy... Cho đến nay, Đồn Biên phòng Săm Pun đã có 3 khu tăng gia tập trung với tổng diện tích hơn 1.500m2.

Khi tận dụng được quỹ đất đưa vào sử dụng rồi thì câu chuyện về nguồn nước tưới tiêu lại khiến cán bộ, chiến sĩ “đau đầu”. Đặc biệt, vào mùa khô, rau trồng thiếu nước trầm trọng. Sau thời gian dài nghiên cứu, cán bộ, chiến sĩ đã tìm ra nguồn nước bằng cách làm ống dẫn từ khe đá, rồi theo đường ống chạy thẳng về khu trồng rau, thả cá của đơn vị. Nên dù có vào mùa khô hạn, nhưng vườn rau của đồn vẫn luôn được tưới tiêu đầy đủ và xanh mát.

Đến nay, đơn vị chủ động được lượng thực phẩm tươi sạch phục vụ cho bữa ăn, góp phần nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Bữa ăn nào cũng đầy đủ thịt, cá, trứng, rau,  đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, khu TGSX của đơn vị có 750m2 đất trồng rau xanh quanh năm với nhiều loại như rau cải, su hào, rau thơm...; 1 ao thả cá diện tích 250m2 với các loại cá như rô phi, chép, trắm đen... Ngoài mũi nhọn là rau sạch thì đồn cũng tập trung phát triển khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hệ thống chuồng trại được xây dựng khá kiên cố, khoa học, cách đồn khoảng 1 cây số. Đơn vị luôn duy trì nuôi 5 con bò, hàng chục con lợn, hơn 100 con gia cầm các loại..., tự túc đủ nguồn thực phẩm tươi, sạch phục vụ bộ đội, góp phần đảm bảo 100% quân số khỏe tham gia công tác, học tập và huấn luyện, xây dựng đơn vị.

Để có hệ thống TGSX được quy hoạch bài bản như hiện nay, ngoài giờ công tác huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Săm Pun còn đóng góp công sức cải tạo hệ thống VAC và hệ thống giàn trồng hợp lý. “TGSX, tự chủ thực phẩm luôn được chúng tôi đặt ra chỉ tiêu cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ. Mô hình TGSX của đơn vị cũng được nhân ra cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn học tập và làm theo, giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống” - Thiếu tá Hà Minh Tuấn cho biết thêm.

Nguyên Bảo

Bình luận

ZALO