Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” mở thêm cơ hội cho học sinh nghèo vượt khó

Biên phòng - Thời gian qua, thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, các đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới đã nhận đỡ đầu hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều cháu học sinh đã có cơ hội để thay đổi số phận khi được ăn no, mặc ấm, được cắp sách đến trường và đặc biệt là được sống trong tình yêu thương của những người lính Biên phòng. Việc làm ý nghĩa của người lính quân hàm xanh đã tạo sự lan tỏa rộng khắp, từ đó, huy động nhiều tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân cùng chung tay chăm sóc các mầm non tương lai của đất nước. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu một số ý kiến của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các đơn vị BĐBP, người trực tiếp nuôi dưỡng các cháu và bản thân các cháu về ý nghĩa của mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình:

Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động đã và đang tạo cơ hội cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình có thêm cơ hội vươn lên trong học tập. Đây là mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là Đề án của Chính phủ về “Xây dựng xã hội học tập”. Mô hình cũng góp phần thể hiện vai trò, trách nhiệm của BĐBP trong việc chung tay, góp sức cùng với chính quyền địa phương, ngành giáo dục về phát triển, nâng cao nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số. BĐBP là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, những người lính Biên phòng đã luôn ở tuyến đầu chống dịch với bao khó khăn, vất vả, nhưng các anh vẫn dành thời gian để nuôi dưỡng và dạy bảo các “con nuôi” trưởng thành. Thời gian qua, lãnh đạo chính quyền địa phương cũng như đồng bào các dân tộc trên biên giới đều ghi nhận, đánh giá cao việc các đồn Biên phòng đã nhận nuôi các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm này càng tăng cường tình đoàn kết quân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc.

Trung tá Trần Thanh Nhã, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thạnh An, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh:

Thạnh An là xã đảo duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh, đời sống của nhân dân tuy được nâng lên so với trước, song, vẫn còn nhiều khó khăn. Ngay khi phát động Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, chúng tôi đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường khảo sát, lựa chọn các em có hoàn cảnh thật sự khó khăn nhưng có ý chí vươn lên trong học tập. Từ khi tổ chức triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, đến nay, đơn vị đã trực tiếp đỡ đầu 2 em học sinh. Vào đầu năm học mới, hay sơ, tổng kết năm học, đơn vị còn vận động thêm kinh phí để hỗ trợ sách, vở, quần áo, dụng cụ học tập, xe đạp... cho các em, với tổng trị giá 169 triệu đồng.

Điều mà chúng tôi cảm thấy vui nhất chính là từ sự quan tâm, đỡ đầu của cán bộ, chiến sĩ, kết quả học tập, tu dưỡng rèn luyện của các em học sinh được nhận đỡ đầu ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, trong năm 2021, có 1 em học sinh do đơn vị đỡ đầu đã thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Đó chính là những “quả ngọt” xuất phát từ một chương trình mang đậm tính nhân văn này.

Nhập chú thích

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Quảng Nam:

Thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động từ tháng 7-2019, BĐBP Quảng Nam đã rà soát các trường hợp trong diện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ. Đến nay, các đơn vị đã nhận nuôi 16 em. Trước đó, từ năm 2014, BĐBP Quảng Nam đã triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường” và đến nay đã nhận đỡ đầu gần 100 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó, có 6 học sinh nước bạn Lào, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng đến hết năm học lớp 12. Ngoài ra, trong các dịp lễ, Tết, hay đầu năm học mới, các đơn vị đều tổ chức đến thăm, động viên, tặng quà, sách vở, dụng cụ học tập... cho các em. Nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có những em là người đồng bào dân tộc thiểu số đã có cơ hội để học hết lớp 12, đi học tiếp tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Từ các chương trình ý nghĩa này, giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là nhân dân trên 2 tuyến biên giới đất liền và biển, đảo của tỉnh Quảng Nam ngày càng gắn bó hơn. Cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, địa phương, nhân dân càng thêm tin tưởng, giúp đỡ BĐBP nhiều hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cháu Thò Thị Dính, “con nuôi” Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang:

Nhà cháu ở xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Năm 2015, bố cháu qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Thời gian sau, mẹ sang Trung Quốc lấy chồng, 3 chị em cháu sống cùng với ông bà nội và vợ chồng người chú ruột. Chú cũng mất sau đó 1 năm, thím bỏ lại 2 con rồi đi đâu không về. Ông bà nội cháu đã già yếu, lại phải nuôi 5 chị em nên gia cảnh nhà cháu vô cùng khó khăn. Cháu phải nghỉ học đi cắt cỏ, lấy rau lợn, kiếm củi... phụ giúp ông bà. Biết được hoàn cảnh đó, chỉ huy Đồn Biên phòng Lũng Cú đã nhận 3 chị em cháu làm con nuôi và đưa về đồn chăm sóc.

Hàng ngày, chúng cháu không phải ăn ngô mà được ăn cơm trắng, được mặc ấm và dần làm quen với giờ giấc, nền nếp sinh hoạt của đồn, được các chú dạy học, đưa đón chị em cháu tới trường. Mọi người chăm sóc chúng cháu như người thân. Từ khi được làm “con nuôi” đồn Biên phòng, chúng cháu học tập tốt và tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người. Chúng cháu biết ơn các chú ở Đồn Biên phòng Lũng Cú nhiều lắm. Cháu mong rằng, sẽ có nhiều bạn học sinh là người dân tộc thiểu số như chúng cháu được Chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” giúp đỡ để thay đổi số phận, thay đổi cuộc đời.

Nhóm Phóng viên (Thực hiện)

Bình luận

ZALO