Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 04:24 GMT+7

Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” được triển khai rộng rãi trong toàn lực lượng

Biên phòng - Hưởng ứng Chương trình thiện nguyện vì cộng đồng và thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, ngày 18-6-2019, Cục Chính trị BĐBP đã có hướng dẫn thực hiện Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với đồng bào các dân tộc trên biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.

3s1c-5a-w550
Trung úy Nguyễn Phan Sỹ Phú, Đồn Biên phòng Lý Hòa (BĐBP Quảng Bình) chuẩn bị đồng phục cho con nuôi trước khi đưa cháu Nguyễn Văn Vũ (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đến trường. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Theo đó, các đơn vị sẽ nhận nuôi các cháu độ tuổi từ 6 tuổi đến 15 tuổi là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó ưu tiên con em đồng bào dân tộc đặc biệt ít người, như: Chứt, Rục, Đan Lai, La Hủ; các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc mồ côi cha (mẹ) hiện cư trú trên khu vực biên giới thuộc địa bàn đồn Biên phòng phụ trách; các cháu là con thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Địa điểm nhận nuôi tại các đồn Biên phòng hoặc các tổ, đội công tác Biên phòng gần các điểm trường.

Về số lượng, phấn đấu mỗi đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền nhận nuôi từ 1 đến 2 cháu. Các đồn Biên phòng tuyến biển, đảo tùy tình hình thực tế ở địa phương để tiến hành nhận nuôi. Thời gian nhận nuôi bắt đầu từ tháng 9-2019 đến khi các cháu học xong lớp 9. Sau đó thì thực hiện theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Kinh phí thực hiện là do các đơn vị tự cân đối, kinh phí do cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị tự nguyện đóng góp và nguồn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.

Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ về mục đích, ý nghĩa của mô hình, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả và chỉ đạo các đồn Biên phòng khảo sát nắm chắc số lượng, hoàn cảnh cụ thể các cháu cần được nhận nuôi. Bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt của các cháu phù hợp, chu đáo. Phân công cán bộ đỡ đầu, quản lý, hướng dẫn, giáo dục và chăm sóc các cháu.

Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức quyên góp ủng hộ kinh phí, mỗi cháu 200.000 đồng/tháng, đồng thời đăng ký số lượng nhận đỡ đầu về Cục Chính trị và gửi kinh phí về Phòng Tài chính Bộ Tư lệnh theo đầu mối cơ quan, đơn vị.

Thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường" trong BĐBP, đến nay, các đơn vị BĐBP đã và đang đỡ đầu gần 3.000 cháu học sinh nghèo ở khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi cha, mẹ, con các gia đình chính sách; các cháu là người dân tộc thiểu số; trong đó có cả các cháu nước bạn Lào, Campuchia ở địa bàn giáp biên giới với Việt Nam. Đặc biệt, trong số đó đã có 30 cháu được các đơn vị tổ chức nhận và đưa về nuôi tại đồn Biên phòng.

Hà Phương

Bình luận

ZALO