Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

“Mở đường” xuất khẩu nông sản

Biên phòng - Không chỉ dồn mọi nguồn lực cùng Bắc Giang, Bắc Ninh khống chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, việc tập trung hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản, ổn định sản xuất, kinh doanh và đời sống người nông dân cũng được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên.

Ngành nông nghiệp đang bước vào mùa thu hoạch của một số loại nông sản chính ở miền Bắc và Nam Trung bộ đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trong nước khiến cho hoạt động giao thương chưa thể trở lại bình thường.

Điển hình như Bắc Giang năm nay bội thu mùa vải thiều với sản lượng ước tính 180.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2020). Song Bắc Giang là một trong những địa phương đang chịu tác động mạnh nhất của đợt dịch lần thứ tư, khiến khâu lưu thông, vận chuyển và xuất khẩu vải thiều gặp rất nhiều khó khăn.

Các chuyên gia chỉ ra vướng mắc lớn nhất trong tiêu thụ nông sản hiện nay là cơ chế vận hành, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ đang thiếu chặt chẽ, nhất là việc điều tiết, phân luồng nông sản ở các cửa khẩu.

Ngoài ra, hệ thống logictics và kho lạnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên các doanh nghiệp đang phải chịu thêm nhiều chi phí trong tổ chức xuất khẩu, khi logictics chiếm đến 15-20% tổng chi phí kinh doanh.

Mặc dù, nông sản Việt Nam có tiềm năng nhưng xuất khẩu còn nhiều vướng mắc do chưa kiểm soát được hàng rào kỹ thuật, đáp ứng được các tiêu chuẩn cho các thị trường quốc tế. Ngay như thị trường Trung Quốc (chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước) đang tăng cường giám sát kiểm dịch đối với rau quả nhập khẩu, đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về xuất xứ, bao bì, nhãn mác của hoa quả nhập khẩu. Trong khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế về kỹ thuật ngoại thương, đàm phán, dẫn đến nhiều mặt hàng bị tồn đọng, dồn ứ.

Bộ Công thương khẳng định, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản là ưu tiên số một. Để tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản qua biên giới khi đến thời điểm thu hoạch chính vụ, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xây dựng các phương án, kế hoạch phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Theo đó, UBND các tỉnh biên giới đã kịp thời xử lý những vướng mắc trong lưu thông, thông quan hàng hóa, nhất là thị trường Trung Quốc. Các phòng quản lý xuất, nhập khẩu khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho nông sản xuất khẩu; đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng có thời gian thu hoạch ngắn như vải, dưa hấu, rau củ...

Ngoài các thị trường truyền thống, các Vụ Thị trường nước ngoài đã hỗ trợ địa phương trong nước quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử, các phiên giao thương trực tuyến với các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Rõ ràng, những giải pháp cấp bách và hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 5-2021 ước đạt 5,01 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng 4-2021, trong đó, giá trị xuất nhóm nông sản chính đạt 1,75 tỷ USD.

Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhóm nông sản chính xuất khẩu đạt 7,78 tỷ USD với nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng trên 2 con số như: Cao su, chè, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn...

Dư luận đánh giá cao khi tới thời điểm này, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 17.000 tấn vải thiều (50% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc) với giá bán ổn định, bảo đảm thu nhập cho người trồng vải.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nỗi lo “giải cứu nông sản” vẫn còn đó nếu các địa phương không chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh, lập vùng an toàn để tiêu thụ nông sản và bảo đảm nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong các khâu thu hoạch, thu mua, vận chuyển.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO