Biên phòng - Ngày 30-6, tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sau 7 năm đàm phán. EVFTA và EVIPA là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích. Việc ký 2 hiệp định này mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ ký kết.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, EVFTA giúp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trong quá trình hội nhập thị trường thế giới. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, 15 năm trước, Việt Nam chỉ là nước đang chập chững bước vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ ở mức 26 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam đã vươn lên thành nhóm đi đầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Với kim ngạch xuất khẩu gấp gần 10 lần so với 15 năm trước, Việt Nam cùng EU chính thức bắt tay chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong hợp tác kinh tế: Giai đoạn của quan hệ lâu dài, toàn diện, bình đẳng và cùng có lợi xây dựng trên cơ sở các quy tắc minh bạch và thông thoáng của một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, EVFTA và những hiệp định thương mại tự do khác không chỉ mang lại cho nước ta có điều kiện thuế quan ưu đãi, mà còn tạo điều kiện để nước ta thực thi các chính sách phát triển, đảm bảo môi trường công khai minh bạch, thu hút nguồn lực quan trọng thông qua đầu tư nước ngoài.
EVFTA có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 85,6% số dòng thuế, trong lộ trình 3-7 sẽ xóa bỏ 99,2% số dòng thuế. Việc ký hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam xét trên các khía cạnh. Về xuất khẩu, mặc dù hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiên tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam (đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá) còn hạn chế.
Vì vậy, nếu được xóa bỏ tới trên 99% thuế quan theo EVFTA, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa khi nhập khẩu vào khu vực thị trường quan trọng này. Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều nhất là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà hiện EU vẫn đang duy trì thuế quan cao như dệt may, giày dép và hàng nông sản.
Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ, kỹ thuật cao từ các nước EU. Đồng thời, hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.
Với việc ký kết EVFTA, môi trường đầu tư sẽ mở và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU vào Việt Nam nhiều hơn. Cùng với đó, việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật Việt Nam sẽ có những thay đổi, cải thiện theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Nhìn nhận một cách toàn diện về EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không phải tất cả đều thuận lợi, mà còn nhiều thách thức. Rất dễ nhận thấy, EVFTA mở ra cơ hội rất lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít thách thức, bởi các yêu cầu về quy tắc xuất xứ có thể khó đáp ứng. Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.
Sau lễ ký chính thức, dù EVFTA vẫn cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, còn EVIPA cần thêm từng nước thành viên EU thông qua, nhưng việc Việt Nam và EU đạt được những thỏa thuận chung để ký EVFTA và EVIPA đang mở ra thời cơ lớn cho cả Việt Nam và EU trong thúc đẩy hợp tác kinh tế, mang lại lợi ích cho người dân cũng như doanh nghiệp hai bên.
Hơn nữa, EU là một thị trường khó tính, khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... của EU rất khắc khe và không dễ đáp ứng. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này.
Một thách thức nữa là sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU. Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa.
Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt, đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, do đó, EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Bích Nguyên