Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:27 GMT+7

Minh bạch về hạn ngạch

Biên phòng - Hạn ngạch xuất khẩu gạo đang trở thành câu chuyện được dư luận đặc biệt quan tâm trong tuần qua. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua.

gao-12042847
Hạn mức xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 là 400.000 tấn gạo. Ảnh: VTC News

Mục đích thanh tra làm rõ: Có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời làm rõ thông tin báo chí và doanh nghiệp phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo.

Uẩn khúc lớn nhất là việc Tổng cục Hải quan mở cổng tiếp nhận tờ khai hải quan xuất khẩu gạo lúc 0 giờ, ngày 12-4 mà không thông báo trước, khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay để đăng ký tờ khai lên hệ thống hải quan, trong khi hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 chỉ 400.000 tấn, quá ít so với nhu cầu của doanh nghiệp. 

Điều đáng nói là những doanh nghiệp “tuột” thời cơ đăng ký lại đang có sẵn hàng chục nghìn tấn gạo ở cảng mà chưa xuất khẩu được theo hợp đồng do bị tạm dừng xuất gạo từ ngày 24-3.

Thế nhưng có một số doanh nghiệp lại “may mắn” đến bất ngờ, vì chỉ trong vòng hơn 6 giờ đồng hồ từ 0 giờ - 6 giờ 15 phút, ngày 12-4, 38 doanh nghiệp đã kịp hoàn thành đăng ký 519 tờ khai đăng ký xuất khẩu 399.989 tấn gạo. Trong số này, một mình Công ty CP Tập đoàn Intimex đăng ký xuất khẩu tới 102 tờ khai với hơn 96.234 tấn gạo, chiếm 25% hạn ngạch gạo xuất khẩu của cả nước trong tháng 4.

Dư luận và nhiều thương nhân xuất khẩu gạo càng thêm cơ sở nghi vấn về sự minh bạch khi biết một số doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng bán gạo dự trữ cho Nhà nước do giá thấp hơn giá thị trường. Thậm chí có doanh nghiệp đã trúng thầu gạo dự trữ quốc gia nhưng lại bỏ thầu, đăng ký tờ khai tham gia xuất khẩu gạo.

Thực tế, đến cuối ngày 21-4, mới có gần 63 nghìn tấn gạo được xuất khẩu, đạt khoảng 13% hạn ngạch. Tổng số lượng gạo đăng ký xuất khẩu qua Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh khoảng 300 nghìn tấn, thuộc 500 tờ khai. Tuy nhiên,  kiểm tra hàng hóa đã tập kết tại các cảng ở thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ đạt khoảng 150 nghìn tấn, thực xuất mới được 17 nghìn tấn.

Hiện, Bộ Tài chính đang rà soát lại quy trình, thủ tục trong việc mở tờ khai hải quan, đồng thời xác minh những doanh nghiệp khai khống hoặc được cấp hạn ngạch nhưng chưa có gạo, để xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.

Theo Luật Hải quan, tờ khai xuất khẩu chỉ có hiệu lực trong vòng 15 ngày. Như vậy, đến ngày 27-4, nếu các doanh nghiệp đã đăng ký tờ khai không gom đủ số gạo, tập kết tại cảng thì tờ khai sẽ bị hủy. Nhưng dư luận băn khoăn, ai sẽ chịu trách nhiệm trước những tổn thất của các doanh nghiệp có đủ năng lực xuất khẩu gạo, hoặc đang tồn đọng gạo tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai. 

Các chuyên gia cho rằng, việc xuất khẩu gạo cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường. Trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.

Tuy nhiên, quá trình điều hành xuất khẩu gạo vừa qua thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thậm chí bất đồng quan điểm giữa Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Chính những bất cập xung quanh công tác dự báo, tham mưu, đề xuất giữa các bộ có “độ vênh” về phương thức, số lượng, chủng loại hàng hóa..., khiến xuất khẩu gạo gặp nhiều trở ngại.

Thiết nghĩ, muốn đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và thực hiện các cam kết quốc tế, việc điều hành hạn ngạch xuất khẩu gạo trong thời gian tới phải thực sự công khai, minh bạch. 

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO