Biên phòng - Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của 40% doanh nghiệp (DN) cả nước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 95 văn bản chính sách hỗ trợ cộng đồng DN trong nhiều lĩnh vực, nhằm giúp DN vượt qua khó khăn do đại dịch.
Cần phải khẳng định, nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với DN, như chính sách giảm 15% tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; chính sách về miễn, giảm nhiều khoản phí, lệ phí trong các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa dịch vụ, hàng không, du lịch, xây dựng, y tế... trị giá khoảng 500 tỷ đồng.
Song qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc thực thi còn rất nhiều hạn chế, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đem lại chưa được như kỳ vọng của cả Đảng, Chính phủ, cũng như cộng đồng DN khi có tới 80% DN được khảo sát nói không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần 1.
Tính đến đầu tháng 10-2020, gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 60.000 tỷ đồng mới giải ngân được 11.000 tỷ đồng. Đối với gói vay 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% cho DN vay trả lương người lao động, tính đến ngày 27-11, mới có 75 DN vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để trả lương cho 3.851 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với số tiền hơn 13,4 tỷ đồng.
Lý giải về “nghịch lý” trên, nhiều chuyên gia chỉ ra, nhiều DN khó có thể “chạm tay” tới các gói hỗ trợ bởi điều kiện tiếp cận rất ngặt nghèo, với nhiều yêu cầu, thủ tục, trong đó, nhiều điều kiện, yêu cầu máy móc, bất hợp lý...
Xin đơn cử, một trong những điều kiện DN được vay ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động là phải chứng minh đã cho ít nhất 50% nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, hầu hết DN chỉ cho người lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương, chứ không cắt hợp đồng và bảo hiểm để giữ nguồn lực cũng như quyền lợi cho người lao động. Với gói hỗ trợ tín dụng, có ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại do Covid-19 gây ra, chứng minh khả năng trả nợ. Để thực hiện được những việc này là vô cùng phức tạp và mất nhiều thời gian...
Chính vì việc thiết kế chính sách còn bất cập với nhiều quy định ngặt nghèo, bất hợp lý, cùng với thực thi chính sách còn nhiều hạn chế nhất định, nên nhiều DN không trông chờ nhiều vào sự “giải cứu” từ phía Chính phủ, mà tự tìm giải pháp “cứu” mình.
Thế nên nhiều chuyên gia cho rằng, việc chỉ hỗ trợ đối với những DN không còn khả năng sản xuất và tạo ra doanh thu là không hợp lý. Trong khi đối tượng cần khuyến khích, trợ giúp chính là những DN đang nỗ lực duy trì hoạt động trong giai đoạn chống chọi với dịch Covid-19.
Trước những bất cập trong việc thực thi chính sách hỗ trợ thời gian qua, VCCI đề xuất, trước hết cần rà soát, nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm bớt các thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.
Trước thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đối tượng rất dễ tổn thương bởi thiên tai, dịch bệnh đang rất khó tiếp cận chính sách hỗ trợ, các chuyên gia đề nghị kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để DN có đủ thời gian hoàn các khoản được hoãn, giãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đối với các gói hỗ trợ tiếp theo của Chính phủ cần rõ ràng, minh bạch, xác định đúng đối tượng, phá bỏ được các rào cản đang khiến chính sách khó đi vào cuộc sống.
Thanh Thảo