Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 01/12/2023 08:49 GMT+7

Minh bạch kê khai tài sản

Biên phòng - Kê khai tài sản cũng như công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân không phải là việc mới. Tuy nhiên, Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 của Thanh tra Chính phủ sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 30 cán bộ, công chức tại 7 bộ, ngành để xác minh tính trung thực, rõ ràng, đầy đủ của bản kê khai và bản giải trình về nguồn gốc của tài sản thu nhập tăng thêm đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Thực tế, việc kê khai tài sản và công khai thu nhập được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng nhằm ngăn ngừa tham nhũng, ngăn chặn sự độc quyền, lạm quyền, rửa tiền và thao túng chính trị.

Từ khi triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ “Về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”, công tác kiểm soát tài sản, thu nhập được thực hiện đồng bộ, hiệu quả đã góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 cho thấy, đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Đến nay, 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn một số tồn tại, bất cập, nhất là việc phát hiện và xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn hạn chế.

Hiệu quả đấu tranh với hành vi tham nhũng, tiêu cực thông qua việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn hạn chế. Bởi, độ tin cậy của thông tin kê khai chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ý thức tự giác và tính trung thực của những người thuộc diện phải kê khai. Thậm chí, việc kê khai vẫn còn mang tính hình thức khi tính xác thực của những bản kê khai rất khó kiểm soát do thiếu công cụ, biện pháp xác minh liên thông, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan đến đăng ký biến động tài sản, thuế, ngân hàng…

Do đó, dư luận đồng tình cao với biện pháp xác minh tài sản, thu nhập của người phải kê khai thông qua lựa chọn ngẫu nhiên (bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính) sẽ tạo sự công bằng với mọi cán bộ, công chức. Tuy nhiên, để việc này được thực hiện nghiêm túc thì cần phải thực hiện nghiêm những quy định của Đảng, Nhà nước đối với những trường hợp không trung thực trong kê khai.

Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định của Chính phủ quy định rất rõ: Nếu người kê khai bị kết luận là không trung thực thì tùy mức độ, tính chất có thể bị xử lý từ khiển trách, cảnh cáo đến miễn nhiệm... Điều đó buộc người kê khai “không dám”, “không muốn”, “không thể” không kê khai trung thực.

Một số ý kiến đề nghị, không chỉ dừng lại với các hình thức công khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng mà cần phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập trên Cổng/Trang thông tin điện tử hoặc niêm yết thường xuyên tại trụ sở cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú. Đồng thời, phải có cơ chế tiếp nhận và xử lý đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tố giác về tài sản bất minh hoặc không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Rõ ràng, việc đa dạng các hình thức công khai, minh bạch việc kê khai tài sản, thu nhập sẽ được giám sát một cách chặt chẽ, rộng rãi. Qua đó, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ tiếp nhận thông tin về hành vi không kê khai đầy đủ tài sản, thu nhập hoặc kê khai không chính xác về giá trị tài sản của người có nghĩa vụ kê khai để có biện pháp kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định.

Đây cũng chính là biện pháp hữu hiệu để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO