Biên phòng - Ngày 25-5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bước vào tuần làm việc thứ hai. Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN).

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính sách thuế SDĐNN được thực hiện theo quy định của Luật Thuế SDĐNN năm 1993, Pháp lệnh số 31-L/CTN ngày 29-3-1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thuế bổ sung đối với hộ gia đình SDĐNN vượt quá hạn mức diện tích đất.
Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN được thực hiện từ năm 2001 đến nay. Theo quy định hiện hành thì chính sách thuế SDĐNN đang được miễn đến hết ngày 31-12-2020 theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24-11-2010 của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN và Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11-11-2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 (trừ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp 100% thuế SDĐNN).
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, qua 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm. Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ.
Chính sách không chỉ hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mà còn thúc đẩy tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo thêm việc làm cho khu vực nông thôn; khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Thảo luận theo hình thức trực tuyến, các đại biểu cho rằng, việc thực hiện miễn thuế SDĐNN, ngoài việc nâng cao đời sống cho nông dân và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, còn có tác động rất lớn thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động tại các vùng kinh tế có điều kiện khó khăn, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Những thành quả bước đầu đã khẳng định các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp nước ta trong đó có chính sách miễn giảm thuế SDĐNN là đúng đắn.
Cũng theo các đại biểu, việc thực hiện miễn thuế SDĐNN trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, còn có tình trạng để hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các dự án đầu tư. Do đó, đề nghị Chính phủ cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế SDĐNN thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Viết Hà