Biên phòng - Hưởng ứng Cuộc vận động “Hướng về biên giới, biển đảo”, trong thời gian qua, các thế hệ văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh Đắk Nông luôn hòa chung nhịp thở của toàn dân hướng về biên giới. Mỗi người tùy theo sở trường, năng lực của mình đã sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí có chất lượng cao như một cách thể hiện tấm lòng đối với nhân dân biên giới và những người lính Biên phòng đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Hằng năm, cứ mỗi dịp hè về, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông lại tổ chức Trại sáng tác văn học - mỹ thuật và đi thực tế sáng tác về chủ đề biên giới và người lính Biên phòng. Đặc biệt, năm 2019 có Trại sáng tác văn học - mỹ thuật thiếu nhi hè với sự tham gia của những học sinh giỏi văn, thơ, có năng khiếu mỹ thuật, đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, thị xã và những em có năng khiếu sáng tác, có tác phẩm đăng báo, tạp chí. Mỗi dịp tham gia trại sáng tác là mỗi dịp các em được đi thăm, giao lưu với các chiến sĩ ở các đồn Biên phòng, thăm cột mốc biên giới. Điều cảm nhận đầu tiên đối với các em là sự đổi thay của con đường lên biên giới hôm nay. Đường rải nhựa như một dải lụa vươn mãi ra điểm tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc.
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An, nơi có cửa khẩu thông thương với tỉnh Mondulkiri của nước bạn Campuchia. Đối với các em, lần đầu tiên thâm nhập thực tế tại các đồn Biên phòng thì có chút gì đó bỡ ngỡ, nhưng tình cảm dành cho người lính Biên phòng đã được ghi lại trong những khoảnh khắc hiếm hoi mang đến cảm giác chân thật, sinh động như thể đang hòa chung công việc của người lính.
Em Nguyễn Thị Khánh Ngân - học sinh lớp 12A2, Trường Trung học phổ thông Krông Nô, tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Được đi thăm biên giới là niềm tự hào của cháu, được gặp gỡ và học hỏi rất nhiều điều từ các chú Biên phòng. Điều đặc biệt nhất của chuyến đi này là cháu được đến thăm cột mốc biên giới Việt Nam và Campuchia, đây cũng là dịp cháu bổ sung nguồn tư liệu phục vụ cho việc sáng tác của cháu”.
Có dịp tiếp xúc với các chiến sĩ Biên phòng, các em mới hiểu hết sự khó khăn, vất vả của các anh, cảm nhận được sự mến khách, tình cảm chào đón nồng nhiệt và chia sẻ những trải nghiệm của người lính. Được cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các chiến sĩ, sẻ chia những khó khăn, vất vả, lắng nghe những tâm tư tình cảm của họ là dịp để các em phản ánh một cách chính xác, trung thực mọi mặt trong đời sống huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và sinh hoạt đời thường của người lính hôm nay. Từ đó, giúp bạn đọc hình dung ra được phần nào nhiệm vụ và những khó khăn, vất vả, hiểm nguy của những người lính Biên phòng.
Ngoài nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, những người lính mang quân hàm xanh còn đảm đương công tác chống buôn lậu, phòng chống buôn bán ma túy ở biên giới; tham gia giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, bảo tồn văn hóa; tăng cường cán bộ giúp chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở...
Dẫu còn bộn bề khó khăn, nhưng cuộc sống người dân nơi biên ải và người lính Biên phòng cũng khá hơn trước. Nhà cửa phần lớn không còn tạm bợ như một thời đã qua. Trường học cho các em học sinh vùng biên được xây dựng khang trang hơn. Các thành viên trong đoàn bằng tài năng và nhiệt huyết, ai cũng tự hình thành cho mình những ý tưởng, dự định sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh về vùng biên giới, mảnh đất phên giậu của Tổ quốc.
Từ những chuyến đi thực tế đầy lý thú, sinh động này cùng với những trải nghiệm trước đó, các em đã ấp ủ sáng tác nhiều truyện, ký, tản văn, thơ và nhiều bức tranh khác nhau. Những vấn đề mà các em nêu lên trong các tác phẩm của mình không quá to tát, lớn lao mà chủ yếu là những cảm nhận đầu tiên khi đến với những người lính Biên phòng, nhưng đó là tất cả những tâm tư, tình cảm mà bấy lâu các em ấp ủ được thể hiện qua lối diễn đạt nhẹ nhàng, trong sáng.
Ông Đặng Văn Dung, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông cho biết: Trong chương trình sáng tác thì chủ đề các em quan tâm nhất đó là chủ đề biên giới, hải đảo và chuyến đi thực tế này giúp các em nhận thức được nhiệm vụ bảo vệ biên giới, tận mắt thấy được cuộc sống của những người lính Biên phòng ngày đêm bám trụ trên vùng biên cương. Từ đó, các em có những cảm nhận để có những tác phẩm để chúng tôi chọn lọc đăng trên Tạp chí Nâm Nung.
Đối với những thế hệ văn nghệ sĩ nói chung, các em học sinh đam mê sáng tác văn học nghệ thuật nói riêng thì hành trình đến với biên giới và những người lính Biên phòng là vô cùng thiết thực và ý nghĩa. Những chuyến đi đã giúp các em hiểu biết hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, về những giá trị hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, về mảnh đất, con người Đắk Nông xưa và nay. Đồng thời, mang lại nhiều cảm hứng sáng tác về vùng đất biên giới để nối gần hơn trái tim người lính Biên phòng với hậu phương, góp phần hướng công chúng quan tâm hơn đến biên giới, ý thức hơn về chủ quyền thiêng liêng, truyền ngọn lửa của niềm tự hào và tình yêu một phần máu thịt Tổ quốc đến cho mọi người.
Văn Hoàn