Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:15 GMT+7

Mệnh lệnh cứu dân từ trái tim chiến sĩ quân hàm xanh

Biên phòng - BĐBP luôn được xác định là lực lượng nòng cốt, xung kích trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến biên giới, biển, đảo. Những ngày qua, vai trò đó càng được phát huy trong trận mưa lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

16ru_6a
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xẻo Nhàu giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Tiến Vinh

Đầu tháng 8 hằng năm, người dân Nam bộ xem như mới vào mùa mưa dầm, nhưng năm nay, thời tiết diễn biến khá bất thường. Trên vùng biển, ven biển tỉnh Kiên Giang thường xuyên có mưa to, mưa rất to kéo dài, kèm theo tố lốc, gió giật mạnh, triều cường cao. Điển hình, vào ngày 1-8 vừa qua, tại địa bàn ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, do mưa lớn, nước dâng cao, kèm theo gió lốc đã làm sập hoàn toàn và hư hại hơn 30 căn nhà của bà con địa phương. Trạm kiểm soát Biên phòng Kim Quy, Đồn Biên phòng Xẻo Nhàu, BĐBP Kiên Giang cũng bị hư hỏng nặng. 

Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Xẻo Nhàu cử 30 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường phối hợp cùng lực lượng tại chỗ khẩn trương giúp bà con di dời nhà cửa, thu gom tài sản đang bị vùi trong đống đổ nát và bùn đất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo bộ phận quản lý cống ngăn mặn Kim Quy, bố trí thời gian mở cống để lực lượng Biên phòng hướng dẫn tàu cá vào bên trong neo đậu. Trong sáng ngày hôm sau, Bộ Chỉ huy cử đoàn công tác do Đại tá Nguyễn Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang chỉ huy cơ động đến địa bàn. Đoàn công tác đã khẩn trương kiểm tra thiệt hại, chia sẻ những mất mát của bà con, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân, báo cáo cấp trên tìm phương án giải quyết. 

Sau khi triều cường rút, nhưng mưa lớn tại địa phương này và vùng phụ cận vẫn kéo dài nên các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Kiên Giang vẫn tiếp tục ứng trực tại địa bàn. Các anh chia thành nhiều tổ, cơ động đến từng gia đình bị nạn, cùng các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Mới đây, huyện đảo Phú Quốc hứng chịu trận lụt lịch sử mà hàng chục năm nay chưa xảy ra trên huyện đảo này. Trong 10 ngày (2-8 đến 12-8) mưa lớn, nước biển dâng khiến thị trấn Dương Đông và một số địa bàn chìm trong nước, có nơi lên đến 2-3m. Đây là diễn biến nằm ngoài dự đoán của chính quyền, quân và dân huyện đảo. Trực tiếp ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc chủ trì cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các ngành và địa phương để bàn phương án giúp dân. 

Các lực lượng tại chỗ gồm: Công an, Quân sự, BĐBP với gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng chống ngập lụt. Các lực lượng đã huy động tối đa trang thiết bị sẵn có để cơ động đến những nơi ngập sâu, nước xoáy tổ chức đưa dân đến nơi an toàn. Khắp các nẻo đường, con hẻm trên huyện đảo Phú Quốc, đâu đâu cũng thấy những chiến sĩ Biên phòng, Công an, Quân sự mặc áo phao màu cam đưa người già, trẻ nhỏ, mang vác đồ đạc của nhân dân ra vùng ngập lụt. Các lực lượng đã cứu nạn, di dời được 1.988 người dân đến nơi tránh trú an toàn.

Trung tá Lưu Quang Mười, Chính trị viên Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông, BĐBP Kiên Giang cho biết: “Trong ngày 9-8, cán bộ, chiến sĩ đơn vị ứng cứu an toàn các hộ dân ở tổ 12 (khu phố 5, thị trấn Dương Đông) bị mắc kẹt do nước ngập ngang ngực, tiếp cận và ứng cứu, di dời an toàn hàng chục hộ dân, hơn 100 người già, trẻ nhỏ và phụ nữ. Thời điểm nước cao, có nhiều ngư dân, chủ tàu cá tình nguyện hỗ trợ thuyền thúng, cùng nhiều vật dụng đi biển để đưa cán bộ, chiến sĩ đến những khu vực bị ngập sâu, bị chia cắt để cứu hộ người dân...”.

Trong trận lũ lịch sử này, các đơn vị BĐBP trên huyện đảo Phú Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ao cá của Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông hàng chục tấn đang trong giai đoạn thu hoạch để cải thiện đời sống bộ đội bị thiệt hại hơn 70%. Đơn vị ngập, nhà riêng nhiều cán bộ trên đảo cũng bị ngập. Nhưng với tinh thần “cứu giúp nhân dân là mệnh lệnh từ trái tim người lính”, những người lính quân hàm xanh đã không quản gian khó, nguy hiểm ngày đêm bám địa bàn để bảo vệ tài sản, tính mạng cho nhân dân. 

Ngay khi nước rút, cán bộ, chiến sĩ vật lộn với dòng nước, đất bùn, tích cực giúp dân dựng lại nhà cửa, sửa chữa đường ngõ, vệ sinh môi trường để người dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh.

Tiến Vinh

Bình luận

ZALO