Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 02:46 GMT+7

Medina, qua đời nhưng chưa phải đã hết

Biên phòng - Hàng loạt tờ báo trong và ngoài nước vừa đưa đậm tin: “Ernest Medina, nhân vật chủ chốt trong cuộc thảm sát Mỹ Lai (xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi) vừa qua đời vào ngày 8-5”. Người trực tiếp thi hành mệnh lệnh của viên Đại úy này là Trung úy William Calley. Ernest Medina chết, nhưng câu chuyện về Mỹ Lai vẫn tiếp tục trở thành tiếng chuông cảnh báo nhân loại về những lỗi lầm chiến tranh không bao giờ được lặp lại.

5b082c75471e3c1019000073
Đại úy Ernest Medina. Ảnh: Tư liệu

Điều đó không nên xảy ra!

Đại úy Ernest Medina, sinh năm 1936, nhập ngũ năm 1956, ở bang Wisconsin (Mỹ). Medina có mặt trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1967 và phụ trách Tiểu đoàn bộ binh số 20, Lữ đoàn 11 đóng quân tại Quảng Ngãi.

Vụ thảm sát Mỹ Lai do lính Mỹ gây ra vào ngày 16-3-1968. Medina và nhiều sĩ quan đã bị điều trần trước Quốc hội Mỹ và bị đưa ra Tòa án quân sự. Binh lính dưới quyền đã tố cáo vai trò của Medina. Viên Đại úy lúc đó đã tìm cách bác bỏ những lời cáo buộc về việc ra lệnh trực tiếp giết dân thường. Sau vụ việc này, Medina rời quân đội và chuyển sang làm công nhân cho hãng Enstrom Helicopter ở bang Michigan, sau đó kinh doanh lĩnh vực bất động sản.

Hơn 25 năm qua, một quân nhân cùng quê với Medina là cựu chiến binh Mike Boehm đã lập quỹ Madison và quay trở lại Quảng Ngãi để giúp đỡ hàng ngàn phụ nữ nghèo, hỗ trợ gia đình các nạn nhân trong vụ thảm sát Mỹ Lai, góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh.

Báo chí Việt Nam đã nhiều lần phỏng vấn Mike Boehm về quỹ Madison. Ông chưa bao giờ nhắc đến người đồng hương Medina có vai trò hỗ trợ cho quỹ Madison để giúp các nạn nhân Mỹ Lai hay không. Mike thường kéo đàn vĩ cầm bên tượng đài Mỹ Lai bài “Ashokan Farewell” (Vĩnh biệt Ashokan) với dáng điệu đau khổ. Nỗi dằn vặt đó cũng chính là hình ảnh của viên Đại úy Ernest Medina. Vì vào những năm cuối đời, Medina đã thổ lộ nỗi đau rằng, cuộc thảm sát Mỹ Lai là một điều khủng khiếp và không nên xảy ra. Ông nói: “Tôi hối hận vì điều đó, cuộc chiến tranh này đáng lẽ không nên xảy ra”.

Người dân làng Mỹ Lai vừa tổ chức tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát vào ngày 16-3, thì ở bên kia đại dương, Medina chết. Cái tên Medina mãi mãi được nhắc đến như một tội đồ vì được lưu trong bài hát "Last train to Nuremberg" (Chuyến tàu cuối cùng đến Nuremberg). Bài hát còn nêu tên Trung úy William Calley là cấp dưới của Medina và Tổng thống Mỹ Nixon. Tác giả bài hát này là Peter Seeger, một nhạc sĩ đấu tranh không mệt mỏi vì sự tiến bộ của nhân dân lao động, vì các quyền dân sự, chống chiến tranh, vì hòa bình và môi trường.

Medina và Calley

Ngược dòng thời gian, sáng 16-3-1968, Đại đội Charlie thuộc Tiểu đoàn số 1 đã tấn công vào thôn Tư Cung, xã Mỹ Lai (nay là xã Tịnh Khê), Đại úy Medina, 33 tuổi, người gốc Mexico là người chỉ huy chung và dưới quyền là Trung úy William Calley, 24 tuổi. Sau đợt đột kích này, các binh lính đã trở về thị xã Quảng Ngãi và báo cáo với sĩ quan cấp trên: “Diệt 128 binh lính đối phương mà không hề bị bất cứ thương vong nào”. Nhưng phía sau lưng của những binh lính này là 504 xác chết, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Có người lính đã phản đối hành động dã man của cấp trên bằng cách tự bắn vào chân mình.

Điều xảy ra ở Mỹ Lai không thể nào bưng bít được. Khi lính Mỹ tiến vào làng và thực hiện theo lệnh “bắn tất cả mọi thứ di động” thì có rất nhiều đứa trẻ trong làng đã hạ thấp người, men theo bờ mương, sau đó trốn thoát. Riêng những người rời làng từ sáng sớm cũng gặp may mắn. Cậu bé Đỗ Ba thì được Chuẩn úy Hugh Thompson và 2 đồng đội đưa lên trực thăng để bay ra khỏi vùng chết chóc...

Thông tin về vụ thảm sát rơi vào mớ bòng bong vì binh lính Mỹ viết thư tố cáo cấp trên, Đài phát thanh của quân giải phóng thì liên tục lên án vụ thảm sát. Vụ Mỹ Lai chỉ còn thiếu nhân chứng quan trọng nhất là những bức ảnh. Đại tá Henderson, sĩ quan chỉ huy của Lữ đoàn bộ binh nhẹ số 11 được giao thẩm tra vụ việc đã có kết luận “22 dân thường bị giết hại không cố ý”.

Vụ Mỹ Lai vẫn nằm trong bí ẩn. Cho đến ngày 12-11-1969, thì vụ việc vỡ lở khi những tấm ảnh vụ thảm sát đăng ở trang nhất của hàng loạt tờ báo phương Tây như: Time, Newsweek, Life, đài truyền hình CBS... Tin Mỹ Lai khiến nước Mỹ bùng lên phong trào xuống đường phản đối chiến tranh Việt Nam.

Kể từ ngày đó, những người dân Sơn Mỹ biết được họ tên của những kẻ chỉ huy gây ra thảm sát là Ernest Medina và William Calley. Medina khai trước tòa án binh rằng, khi đến hiện trường vụ thảm sát thì mọi việc đã xảy ra. Trung úy Calley đã thú nhận là kẻ đã chỉ huy và trực tiếp cầm súng gây ra cái chết cho nhiều người. Ông Nguyễn Văn Chương, một cậu bé còn sống sót, sau 50 năm nói: “Tôi vẫn còn nhớ, một tên lính có dáng người lùn, đi rất nhanh băng qua bờ ruộng, tiến tới chỗ đám đàn bà, trẻ con rồi nã súng bắn. Tôi nhớ mặt. Chắc chắn là Trung úy Calley”.

Mãi đến 41 năm sau, vào ngày 19-8-2009, tại một cuộc họp của Câu lạc bộ Kiwanis, bang Georgia, viên Trung úy Calley khi đó 66 tuổi mới chính thức nói lời sám hối Mỹ Lai: "Không một ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận về những gì đã xảy ra hôm đó tại Mỹ Lai. Tôi rất xin lỗi!".

ikle_5b
Đoàn cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ đến viếng các nạn nhân Mỹ Lai ngày 16-3-2018. Ảnh: Lê Văn Chương

Chưa phải là đã hết

Mặc dù Đại úy Medina đã qua đời, nhưng câu chuyện đau thương về thảm sát Mỹ Lai vẫn tiếp tục được nhắc lại. Hàng loạt tờ báo nước ngoài đưa đậm tin: “Ernest Medina, nhân vật chủ chốt trong cuộc thảm sát Mỹ Lai vừa qua đời”. Các báo nhắc lại vai trò của Medina trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Cách đây 50 năm, khi bồi thẩm đoàn của Mỹ phỏng vấn và kết luận: “Medina nói dối việc không đưa ra lệnh giết dân thường và Medina biết hoàn toàn những gì đang xảy ra trong làng, nhưng anh ta và quân đội đang cố gắng biến Trung úy Calley thành một vật tế thần”.

Trước khi Medina chết, nhiều quân nhân Mỹ có mặt trong vụ thảm sát Mỹ Lai qua đời lại được báo chí Việt Nam tỏ ý tiếc thương. Đó là Lawrence Colburn, xạ thủ trên máy bay trực thăng thuộc Đại đội Charlie. Năm đó, người lính này mới 18 tuổi. Ông và đồng đội của mình là Hugh Thompson và Glenn Andreotta đã hạ máy bay xuống để cứu dân Mỹ Lai, đồng thời tuyên bố sẽ nã súng vào lính Mỹ nếu tiếp tục bắn vào dân thường. Người lính này qua đời vào ngày 13-12-2016, tại bang Georgia, Mỹ, hưởng thọ 67 tuổi. 

Viên phi công điều khiển trực thăng để ngăn cản lính Mỹ thảm sát là Hugh Thompson thì qua đời vào năm 2006, hưởng thọ 62 tuổi. Hai quân nhân này rất nhiều lần quay trở lại thăm Mỹ Lai và nhắc đến Glenn Andreotta, người đã cùng cứu dân Mỹ Lai, nhưng sau đó 3 tuần thì tử nạn vì rơi trực thăng.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO