Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 06:09 GMT+7

“Mẹ đỡ đầu” - vòng tay yêu thương cho trẻ mồ côi nơi miền biên ải

Biên phòng - Cuộc sống của cô bé mồ côi cha nơi bản làng biên giới xa xôi đã bước sang trang mới khi được Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum nhận chăm sóc, nuôi dưỡng theo Chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Tình người ấm áp cùng với sự giúp đỡ đúng lúc của các mẹ đỡ đầu đã tạo động lực giúp cô gái nhỏ người Xơ Đăng vượt qua khó khăn để bước tiếp trong cuộc sống, viết tiếp ước mơ của chính mình.

Đại úy Blong Buông và Trung tá Nguyễn Thành Lâm thường xuyên thăm hỏi hai mẹ con Y Cam. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Câu chuyện của Y Cam

Mới 12 tuổi, nhưng đôi mắt của cô học trò nhỏ Y Cam (lớp 7, Trường Trung học cơ sở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) luôn phảng phất một nỗi buồn. Nhà Y Cam ở thôn Khúc Long, xã Rờ Kơi - nơi rất gần đường biên giới tiếp giáp với nước Campuchia. Đất sản xuất ít ỏi, không đủ sống nên bố mẹ gửi Y Cam cho ông bà ngoại rồi vào miền Nam để làm công nhân. Dù gia đình phải xa nhau, nhưng cuộc sống cũng đỡ vất vả phần nào. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh miền Nam, không những mất việc, bố mẹ Y Cam còn bị nhiễm Covid-19. Và bất hạnh không chỉ dừng ở đó, bố không thể qua khỏi. Dù mẹ đã trở về, nhưng ngôi nhà nhỏ của Y Cam từ ấy vắng luôn tiếng cười.

Ngay khi nhận được hướng dẫn của Cục Chính trị BĐBP, Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum đã nhanh chóng triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19. Qua rà soát tại địa bàn khu vực biên giới, biết được trường hợp của Y Cam, các chị đã lên kế hoạch nhận cháu làm con nuôi.

Từ thành phố Kon Tum vào xã Rờ Kơi cũng gần 200 cây số, một quãng đường không phải là gần, nhất là khi phương tiện giao thông không thuận lợi. Ban đầu, các hội viên đắn đo, muốn lựa chọn cháu nào ở gần để ngoài chu cấp hằng tháng, còn có thể đến thăm hỏi, động viên thường xuyên. Tuy nhiên, Thượng úy Nguyễn Như Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum nghĩ khác: “Cả chục đồn Biên phòng trên biên giới rà soát, chỉ có cháu Y Cam có cha qua đời vì nhiễm Covid-19. Đây ắt là một cái duyên. Thêm nữa, tuy cháu sống ở xã Rờ Kơi, gọi là xa nhưng cũng sẽ trở nên gần khi có sự chung tay, phối hợp của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rờ Kơi”.

Ngày 8-3-2022 là một ngày đặc biệt đối với cô bé mồ côi Y Cam khi được cán bộ Đồn Biên phòng Rờ Kơi đưa về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Lần đầu tiên Y Cam được rời bản làng nên sự nhộn nhịp của phố phường khiến cô gái nhỏ vốn nhút nhát lại càng trở nên thu mình. Điều ấy càng khiến các chị em trong Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum thêm thương cảm. Các chị tranh thủ trò chuyện, mua quà cho cô gái nhỏ. Sợi dây tình cảm đã bắt đầu từ những việc làm chân thành ấy. Khi buổi lễ nhận con nuôi kết thúc, cô bé Y Cam lần đầu gọi các nữ quân nhân Biên phòng hai chữ “mẹ ơi”, đó cũng là lúc mọi người biết rằng, trách nhiệm của mình không chỉ là gửi tiền nuôi dưỡng mỗi tháng, mà còn phải hơn thế nữa.

Trong vòng tay yêu thương

Từ ngày trở thành con nuôi của các mẹ Biên phòng, cô gái nhỏ Y Cam vui hơn rất nhiều. Đôi mắt lúc nào cũng lấp lánh, không còn man mác buồn như trước. Các chú ở Đồn Biên phòng Rờ Kơi thường xuyên ghé nhà để xem hai mẹ con Y Cam có việc gì cần thì giúp đỡ. Mới hôm qua, Đại úy Blong Buông, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng và Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Đội phó Đội Vận động quần chúng đến thăm hai mẹ con Y Cam. Thấy mẹ của Y Cam là chị Y Khum đang làm đất trồng cây, mọi người xắn tay vào phụ giúp. Trước khi ra về, Đại úy Blong Buông còn nói với Y Cam rằng: “Chú cũng như cháu, lớn lên giữa đại ngàn. Cuộc sống vất vả cũng từng trải qua, nhưng chú đã cố gắng học để trở thành cán bộ như ngày hôm nay, có thể giúp người khác như mẹ con cháu. Chú mong rằng, cháu sẽ cố gắng vươn lên trong học tập để có thể vượt qua được nghịch cảnh”.

Các hội viên Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum gom báo cũ để bán gây quỹ nuôi cô bé Y Cam. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đối với chị Y Khum, chồng chết không chỉ là mất đi điểm tựa tinh thần mà gánh nặng cuộc sống đè nặng lên vai khi một mình chị phải lo liệu, cáng đáng mọi việc vừa trang trải cuộc sống, vừa nuôi con gái Y Cam. Căn nhà nhỏ nhưng thiếu vắng người đàn ông càng trở nên trống trải. Con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn, biết bao điều phải lo, trong khi nhà chỉ có 3 sào đất trồng sắn nên hằng ngày, chị Y Khum phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống chỉ đỡ vất vả hơn kể từ ngày con gái Y Cam được các mẹ nuôi Biên phòng giúp đỡ.

Chị Y Khum chia sẻ: “Hằng tháng, các mẹ nuôi gửi tiền cho Y Cam để mua dụng cụ học tập, quần áo cho con đi học nên tôi cũng đỡ lo một phần. Thật may Y Cam tuy nhỏ tuổi nhưng đã sớm hiểu chuyện. Biết mẹ buồn vì bố mất, phải vất vả nuôi mình nên ngoài lúc lên lớp, Y Cam ở nhà chăm chỉ học bài, làm việc nhà để mẹ về có thời gian nghỉ ngơi”.

Cứ đến chiều thứ 6 hằng tuần, các hội viên Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum lại thu gom báo cũ, giấy vụn ở các phòng, ban trong cơ quan để bán gây quỹ cho Chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Bước đầu thực hiện, qua rà soát mới nắm được trường hợp của cháu Y Cam, bởi vậy, trong thời gian tới, nếu đồn Biên phòng phát hiện thêm trường hợp tương tự, các chị sẽ có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ. Biết được việc làm ý nghĩa của đồng đội, cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum chủ động thu gom, buộc gọn gàng báo, giấy không dùng đến để khi các chị đến chỉ việc mang đi. Những chiến sĩ trẻ, sau giờ thể thao, uống nước cũng không ai bảo ai, tự gom vỏ nước ngọt lại một chỗ để Hội Phụ nữ bán gây quỹ. Dường như, việc chăm nuôi Y Cam không chỉ còn là việc riêng của các nữ quân nhân Biên phòng.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO