Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 12:49 GMT+7

Mẹ của những người lính bên dòng Đà Nông

Biên phòng - Mẹ Nguyễn Thị Sửu (sinh năm 1940) bước chậm như đếm từng bước chân. Mẹ đứng bên cạnh dòng sông và nhìn về phía núi Đá Bia sừng sững. Bao lần mẹ ra sông nhìn về phía núi, núi giúp mẹ khơi lại những ký ức về những đứa con, người em từng dừng lại bên dòng sông này. Từ năm 1975 đến nay, cán bộ, chiến sĩ BĐBP nơi đây luôn coi mẹ như người ruột thịt; mỗi lần anh em ghé thăm đều được mẹ kể chuyện về những năm kháng chiến.

Thiếu tá Lê Văn Chạy thường xuyên đến thăm, chăm sóc sức khỏe cho mẹ Sửu. Ảnh: Văn Chương

Những năm tháng hào hùng

Tôi đưa mẹ ra bờ sông Đà Nông vào buổi trưa Hè và dòng sông lóng lánh dưới ánh nắng, mẹ bắt đầu nhắc tên anh em Biên phòng từ năm 1975 đã từng tới địa bàn, ở lại nhà mẹ, sau đó có người gắn bó với mảnh đất bên sông Đà Nông, có người trở về quê, thỉnh thoảng nhắn lời hỏi thăm mẹ. “Thằng Anh, thằng Ảnh về quê hết, mẹ nhớ tụi nó. Nó nhớ thì gửi thư cho mẹ…” - Từ “nhớ” được mẹ Sửu lặp đi lặp lại vài lần trong một câu nói khi nhắc về những đứa con là BĐBP.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau vụ việc tàu không số mang bí danh 143 bị địch phát hiện tại khu vực Vũng Rô (vào đầu năm 1965), thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nhất là đoạn cuối con sông Đà Nông nằm gần núi Đá Bia bị địch tăng cường bố ráp, siết chặt về an ninh. Âm thanh lịch kịch của xích xe tăng, tiếng máy tàu tuần tra trên sông Đà Nông đã khiến những người dân nơi đây càng phải giữ bí mật mọi hoạt động tiếp tế cho cách mạng.

Thời đó, dọc bờ biển có những cánh rừng cây cối ken dày. Nhà của mẹ Sửu nằm gần bến đò để đi sang ngôi làng nằm dưới chân núi Đá Bia. Rừng cây che chở nên bộ đội hằng đêm vẫn xuôi đò dọc sông và có lúc dừng chân ở trước ngôi làng. Năm 1967, tuổi của mẹ cũng đã lớn hơn nhiều anh em bộ đội nên xưng hô chị em với họ. Mẹ nhắc lại một cách rời rạc, lúc nhớ, lúc quên về tên của những người lính đến từ nhiều tỉnh khác nhau. Mỗi khi bộ đội xuất hiện thì mẹ lại cùng dân làng nấu cơm, kho cá để lo bữa ăn cho anh em. Bữa cơm với những món cá chuồn, cá ngừ, cá nục được bà con quăng chài ở mé biển.

Mỗi lần gặp anh em Biên phòng, mẹ lại kể quãng đời thời trẻ bên dòng sông, mẹ kể nhiều nhất là những đêm mẹ cùng đoàn người lặng lẽ đi men theo sườn núi để tránh ánh mắt cú vọ từ đài quan sát của địch để sang Vũng Rô. Người chỉ huy mà mẹ không còn nhớ tên luôn nhắc mọi người “bí mật, đi không dấu, nấu không khói, sang Vũng Rô có một nhiệm vụ đặc biệt của cách mạng”.

Từ nhà mẹ chèo đò vượt sông Đà Nông và đi sang bên kia hẻm núi là con đường dẫn tới mũi Điện, mũi Đại Lãnh rồi tới Vũng Rô. Năm 1964, chuyến tàu không số đầu tiên bí mật cập vào Vũng Rô. Năm đó, mẹ Sửu là cô gái 24 tuổi. Mẹ được huy động vào tổ dân công, bí mật đi ven biển tới điểm giao vũ khí. Nhiệm vụ đặc biệt này phải giữ bí mật, trong khi lại huy động nhiều dân công tham gia, vì vậy, có nhiều người từ miền núi được đưa xuống để làm dân công.Trong đêm, trái tim của mẹ đập liên hồi vì lo lắng cho anh em. Bởi ở ngoài biển có Duyên đoàn 23 của địch thường xuyên tuần tra, sục sạo, bắn phá vào các gành đá ven bờ. Nhưng địa hình hiểm trở ở dọc bờ biển Phú Yên cũng là lợi thế để che khuất tầm nhìn của các đài quan sát địch đặt bố phòng.

Trong đêm tối, khi nhận được ám hiệu nhận hàng, mẹ và nhiều người ào ra ngoài biển để đón nhận từng bọc vũ khí được quấn trong túi nilon để chống nước mặn. Từng bó súng đặt lên vai nặng oằn cả người. Nhưng hoàn cảnh lúc đó thì mẹ và mọi người đều quên đi cảm giác mệt mỏi. Sau này nhớ lại, chính mẹ cũng không hình dung nổi sức mạnh thần kỳ như thế nào mà mẹ có thể khiêng được như vậy và luôn thoăn thoắt cho tới khi toàn bộ 63 tấn vũ khí được đưa lên bờ.

Kể sau lần vận chuyển vũ khí đó, mẹ và bà con biết được nhiệm vụ của mình làm đã giúp cách mạng tăng thêm nguồn lực để giải phóng miền Nam. Nhưng câu chuyện những bó súng quấn nilon và cả đêm quần quật trên bãi biển luôn được mẹ và mọi người kể lại bằng câu chuyện thì thào, bằng ánh mắt nhìn nhau đầy ẩn ý. Bởi sau đó có thêm 2 chuyến tàu không số nữa cập vào Vũng Rô và lần nào mẹ cũng tham gia vận chuyển vũ khí vào bờ.

Bao hy sinh thầm lặng của mẹ và dân làng đều hướng tới ước ao quê hương sớm được giải phóng, đất nước thống nhất để hằng ngày có thể chèo đò xuôi ngược dọc con sông Đà Nông ra ngoài bến để mua cá về bán. Làng quê nằm ở ven biển, đàn ông chỉ cần chạy thuyền ra cách bờ vài hải lý là có thể đánh đầy khoang các loại cá, còn phụ nữ thì chèo chống trên sông, ra biển là có thể kiếm đủ kế sinh nhai.

Nhận con thời bình

Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1975, lính ngụy bỏ chạy khỏi đài radar trên núi Chóp Chài, tiếp đến là cảnh tụi lính Liên đoàn 21 ngụy bỏ súng, giày, quần áo ngổn ngang ngoài bờ biển trong lúc tuyệt vọng chờ tàu tiếp viện tới chở đi di tản. Con đường từ nhà ra sông Đà Nông đã không còn cảnh thấp thỏm. Làng quê trở lại yên bình nhưng cũng là lúc nơi này không còn bóng quân giải phóng, các đoàn văn công rộn ràng cả đêm.

Mẹ Nguyễn Thị Sửu bên dòng sông Đà Nông soi bóng núi Đá Bia. Ảnh: Văn Chương

Mẹ Sửu hạnh phúc khi những người lính Biên phòng vào tiếp quản tuyến biển, củng cố lại tình hình an ninh nông thôn. Phần lớn anh em Biên phòng sau năm 1975 đến từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương… Khi bắt gặp những người lính ở bến sông, mẹ đã làm người đưa đò chở anh em sang sông Đà Nông, rồi vui miệng kể lại chuyện những năm tháng chống chèo đưa bộ đội vượt sông trong những đêm tối.

Từ ngày đó, ngôi nhà mẹ giống như một chốt Biên phòng ở bên sông Đà Nông. Hai cô con gái của mẹ là Nguyễn Thị Điểm (sinh năm 1969) và Nguyễn Thị Trang (sinh năm 1973) hằng ngày lo việc nấu cơm cho anh em trong đội công tác địa bàn, ngôi nhà luôn có bóng dáng của màu xanh áo lính. Bà con lối xóm cảm kích cho biết: “Giải phóng rồi mà bà Sửu vẫn nhận bộ đội làm con, mà con bộ đội gì nhiều quá trời”.

Mẹ kể: “Có lần, cả đội công tác xuống địa bàn dài ngày nên thiếu gạo, vậy là mẹ ụp luôn gạo của mình nấu cho anh em ăn”. Chúng tôi xúc động, lặng nghe từng câu nói chan chứa tình cảm của mẹ. Cả đời mẹ phụng sự cho sự nghiệp cách mạng, che chở bao cán bộ, chiến sĩ, đến cuối đời vẫn lo lắng, chăm sóc cho những người lính bên sông Đà Nông soi bóng núi Đá Bia.

Thiếu tá Lê Văn Chạy, cán bộ phụ trách địa bàn thuộc Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, BĐBP Phú Yên cho biết, không thể tính hết bao nhiêu cán bộ đã được mẹ nhận làm con trong gia đình. Mỗi dịp lễ, Tết, căn nhà đơn sơ của mẹ như vỡ òa trong niềm vui hội tụ của những người con bộ đội đến từ các miền quê.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO