Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:09 GMT+7

Mẹ của 6 người con Biên phòng

Biên phòng - “Lâu rồi sao không xuống thăm mợ, thôi ở lại gia đình mợ vài ngày rồi mợ nấu cơm ăn” - bà Trần Thị Trình (sinh năm 1940) kéo vai Thiếu tá Ngô Quý Hoa, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đắk Song, BĐBP Đắk Nông và nói. Thiếu tá Hoa cười vui vẻ, rồi trả lời: “Con đã lên chỉ huy đồn rồi chứ không còn là lính như 20 năm trước, con ghé thăm mợ rồi phải trở về đơn vị”. Suốt 34 năm kết nghĩa và coi người lính Biên phòng như con, đến nay, gia đình của bà Trần Thị Trình có 6 người con rể mang quân hàm xanh.

Thiếu tá Ngô Quý Hoa đến thăm mẹ nuôi Trần Thị Trình. Ảnh: Văn Chương

Chia sẻ tình thân

Năm 1986, vùng biên giới vắng vẻ của huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Lắk (nay là Đắk Nông) bắt đầu xuất hiện những khu nhà gỗ mới và người dân lên đây mang theo ước mơ một ngày nào đó cuộc sống sẽ đổi thay. Người dân đi kinh tế mới từ các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình... có mặt tại vùng biên viễn xa xôi và bắt đầu một chặng đường dài đầy gian khổ giữa cánh rừng khộp, đất đỏ bazan. Những người lính Biên phòng đứng chân tại địa bàn luôn được chỉ huy giao nhiệm vụ xuống bám dân, thực hiện phương châm “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân).

Nhiều bà con bắt đầu nhận những người lính Biên phòng làm con nuôi. Thời đó, lính Biên phòng không phải chỉ là người địa phương, mà đến từ rất nhiều tỉnh, thành phố khác như Cao Bằng, Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định... Mọi người tranh thủ kết nối tình đồng hương để chia ngọt sẻ bùi. Ngôi nhà của bà Trần Thị Trình là nơi đông lính Biên phòng nhất. Chồng bà Trình mất sớm, một mình bà đưa 6 người con vào vùng kinh tế mới. Nỗi chông chênh trong cuộc sống khiến bà càng quý mến những người lính và đều gọi họ bằng con, xưng mợ theo cách gọi của người quê Nam Định.

“Con ơi, đi đâu đấy, vào nhà mợ đi, các em nó nấu cơm ăn rồi hẵng về đơn vị”. Đây là câu nói quen thuộc của bà Trình. Anh em mới về đơn vị nhận công tác đều ghé thăm bà Trình và thường nói: “Con ở Cao Bằng xa xôi lắm, mợ ơi...”; “Con ở tận Nam Định, nhận mợ làm đồng hương...”. Chị Đoàn Thị Thắm, người con gái lớn của bà Trình tròn xoe mắt nhìn các anh rồi nghe lời mẹ lấy nồi nấu cơm. “Nhà chỉ có mỗi cái nồi 5 bò gạo, mợ nấu đầy và các con cố ăn cho hết với các em” - bà Trình thường ân cần dặn dò.

Vùng kinh tế mới cháy khét nắng và người mới di cư vào luôn trầm ngâm trên khuôn mặt nỗi nhớ quê nhà. Nhưng có lính Biên phòng tới lui, ngày nào cũng gọi, nói chuyện nghĩa tình nên nỗi nhớ cố hương của nhiều người cũng dần phôi pha. Từ tình đồng hương, anh, chị, cha, mẹ, anh em Biên phòng bắt đầu xích lại gần hơn. Những ngôi nhà có các cô con gái thì cứ thấy chú BĐBP đi qua nhà lại bảo: “Mời anh vào nhà ăn cơm, bố mẹ em trông lắm ạ”.

Cấy lúa, bắt cá

Thiếu tá Ngô Quý Hoa đến thăm bà Trình, tôi ngồi cạnh bên nghe câu chuyện đầy tình cảm giữa họ, rồi hỏi: “Điều gì khiến anh nhớ nhất khi gặp lại mẹ?”. Anh chớp mắt, vẻ bồi hồi hiện ra trên khuôn mặt, rồi anh trả lời nhanh: “Đó là xuống ở với gia đình mợ, có các em quây quần, rồi tới mùa lúa thì đi gặt, đầu mùa thì cùng cả nhà đi nhổ cỏ, tới mùa cà phê thì lên rẫy thu hái, làm xong thì xuống suối Thuận Hạnh bắt cá về nấu. Có rất nhiều anh em sống với gia đình mợ như vậy”.

Có một người lính với nét mặt rất hiền lành, khi xuống nhà bà Trình thì tỏ vẻ hơi bẽn lẽn, giữ kẽ, đó là anh Lục Văn Trùng, quê ở tỉnh Cao Bằng, về công tác tại địa bàn Tây Nguyên từ tháng 6-1994 (hiện nay là Thượng tá, Phó phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Đắk Nông). Anh Trùng tâm sự, khi về Đồn Biên phòng Đắk Song được 10 tháng thì anh xin ra địa bàn xã Thuận Hạnh làm cán bộ trinh sát, bám dân thực hiện “3 cùng”.

Thượng tá Lục Văn Trùng xúc động mỗi khi nhắc đến mẹ nuôi Trần Thị Trình. Ảnh: Văn Chương

Anh Trùng kể, lúc đó, đất đai vẫn phì nhiêu, vì vậy, anh em Biên phòng xắn tay cùng gia đình mẹ Trình trồng 2 loại lúa; lúa nương dài ngày trồng sau Tết, còn khu vực có nước thì trồng lúa nước 2 vụ. Chưa bao giờ tới ngày gặt hái lại thiếu bóng dáng của anh em Biên phòng. Nhiều gia đình khác tới mùa gặt cũng có BĐBP đến hỗ trợ. Đến năm 1994, chương trình thành lập các lớp xóa mù chữ được BĐBP phối hợp với ngành giáo dục triển khai, lúc đó, anh Trùng cũng tham gia đứng lớp dạy xóa mù chữ, mỗi lớp 30 học sinh.

Thiếu tá Tống Xuân Cường, quê ở tỉnh Thanh Hóa, hiện là cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hà là người gắn bó nhiều nhất với gia đình mẹ Trình. Anh chăm chút cho các em trong gia đình như một người anh ruột. Sau nhiều năm làm con của mẹ và khi con gái mẹ là Đoàn Thị Tốt đã đủ tuổi cập kê, mẹ thương tình và nói: “Mợ bao giờ cũng ủng hộ, làm con rể mợ đi”.

“Làm rể mợ đi!”

“Làm rể mợ đi!”. Anh em BĐBP thường nhắc câu này của mẹ và cười vui. Vì những năm tháng gian khổ, anh em tới ở nhà, cùng ngồi trong mâm cơm, nên thỉnh thoảng nếu đi công tác lâu thì mẹ nhớ. Nỗi nhớ đó càng khiến mẹ có một điều mong mỏi, đó là có vài người lính trở thành con rể của mẹ để sau này có đi đâu cũng sẽ trở về quây quần dưới mái nhà thân thương này.

Thượng tá Lục Văn Trùng kể, sau khi đi học tiếng Campuchia về thì gặp người cháu gái của bà Trình là cô Hạnh từ ngoài quê vào Tây Nguyên ăn Tết. Các con gái mẹ Trình lúc này đã có đôi, có chồng là lính Biên phòng. Thấy anh Trùng vẫn còn đơn thân, mẹ Trình đánh tiếng, “hay là con lấy Hạnh làm vợ đi”. Sau một thời gian tìm hiểu, đám cưới của anh Trùng và chị Hạnh được tổ chức vào cuối tháng 12-1998.

Mỗi khi có người đến nhà chơi, mẹ Trình lại tự hào nhắc tên những người con rể là BĐBP: Hoàng Văn Ba - chồng của con gái Đoàn Thị Thắm; Nguyễn Năm - chồng của con gái Đoàn Thị Tươi; con gái Đoàn Thị Út có chồng là Trần Anh Tuấn, cán bộ vận động quần chúng; con gái Đoàn Thị Thúy có chồng là Lưu Văn Thịnh, cán bộ quản lý Đại đội 1 cơ động, BĐBP Đắk Nông. Người con rể có điều kiện thường xuyên về thăm mẹ nhiều nhất là Thiếu tá Tống Xuân Cường. Vợ anh - chị Đoàn Thị Tốt hiện đang là Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh.

Tôi nhận thấy, mỗi lần về thăm mẹ Trình, Thiếu tá Ngô Quý Hoa như được sống lại tuổi thơ trong tình thân gia đình. Tôi hỏi: “Anh ở nhà mẹ từ lúc trai trẻ, nhưng sao không bén duyên làm rể?”. Thiếu tá Hoa cười đỏ mặt, nhìn sang người em gái kết nghĩa và nói: “Lúc đó, anh em đều coi mình là anh chị em ruột trong gia đình; nghĩ cảnh bộ đội có thể điều chuyển công tác nay đây mai đó nên dự định làm con rể mẹ cũng phải gác lại”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO