Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

Nhạc sĩ Xuân Đại:

“May mắn khi được đến nhiều vùng đất biên cương để sáng tác”

Biên phòng - Với người chiến sĩ Biên phòng, tháng Ba là tháng đặc biệt bởi có Ngày Truyền thống của BĐBP, đồng thời cũng là Ngày Biên phòng toàn dân (3-3). Là một nhạc sĩ mang quân hàm xanh, Trung tá Xuân Đại ý thức hơn ai hết sự thiêng liêng của những ngày tháng Ba. Anh đã viết ca khúc “Tháng Ba vui hội Biên phòng” như một lời nhắn gửi đến mọi người về tình nghĩa quân-dân hòa trong mùa xuân tươi mới những ngày tháng Ba, cùng nhau chung sức xây dựng biên cương giàu đẹp.

6vwp_24a
Nhạc sĩ Xuân Đại trong một chuyến đi thực tế lên biên giới. Ảnh: Thanh Thuận

Xuân Đại là một người lính nghĩa vụ nhập ngũ vào BĐBP Lai Châu năm 1995. Cũng trong năm đó, anh thi đỗ Trường Nghệ thuật Quân đội và được đơn vị tạo điều kiện cho đi học. Đó cũng là bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác ca khúc của Xuân Đại. Năm 1998, anh tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Quân đội rồi về làm Đội trưởng Đội tuyên truyền văn hóa BĐBP Lai Châu.

Sáng tác đầu tay “Khúc quân hành Thông tin 29” viết về những người lính Thông tin sau chuyến đi thực tế tại Quân khu 9 khi còn là sinh viên trường Nghệ thuật Quân đội đã tạo cho Xuân Đại vững tin hơn trong cuộc dấn thân trên con đường sáng tác âm nhạc đầy khó khăn, nhọc nhằn.

Từ năm 2010 đến nay, Xuân Đại công tác tại Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP với vai trò trợ lý văn hóa văn nghệ. Anh cho rằng mình thật may mắn khi được đặt chân đến nhiều vùng đất biên giới xa xôi của Tổ quốc, để từ đó, khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tác. Sự hùng vĩ, khoáng đạt của biên giới, biển, đảo, tình cảm chân thành, hồn hậu của đồng chí, đồng bào nơi phên giậu Tổ quốc đã mang lại cho anh nhiều cảm xúc để đi vào các sáng tác âm nhạc của anh một cách tự nhiên, dung dị nhất.

Vốn chung thủy với âm nhạc truyền thống cách mạng, những ca khúc của Xuân Đại chủ yếu viết về quê hương đất nước, con người Việt Nam, biên giới và người chiến sĩ BĐBP. Những sáng tác của anh vừa trữ tình sâu lắng, vừa khí thế hào hùng với giai điệu, tiết tấu hiện đại mà đong đầy sự thấu cảm, sẻ chia.

Hình tượng người chiến sĩ trong các ca khúc của anh hiện lên thật sinh động, giàu cảm xúc với những nghị lực can trường vượt lên gian khổ hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người lính, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, một số tác phẩm đã đạt huy chương trong các đợt hội diễn, liên hoan như: “Trên đường biên anh hát”, “Con sông quê đưa mẹ vào thơ”, “Khúc tình rừng”, “Bài ca chiến sĩ Biên phòng”, “Bên sông em đợi anh về”, “Rừng chiều”... Gần đây nhất là bài hát “Tháng Ba vui hội Biên phòng” đã được Ban tổ chức đợt vận động sáng tác ca khúc về biên giới, biển đảo và BĐBP trao giải Khuyến khích.

“Tháng Ba vui hội Biên phòng” là kết quả chuyến công tác của Xuân Đại trong vai trò trợ lý văn hóa văn nghệ Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP đưa các nhạc sĩ đi thực tế trong khuôn khổ đợt vận động sáng tác ca khúc về biên giới, biển đảo và BĐBP. Ca khúc ra đời từ ý thức, trách nhiệm của người chiến sĩ và sự thăng hoa của nghệ sĩ trước vẻ đẹp của thiên nhiên biên cương, của con người và của tình nghĩa quân-dân trong những ngày tháng Ba.

Trong 30 năm qua, ngày 3-3 không chỉ mang ý nghĩa là Ngày Truyền thống của BĐBP, mà đó còn là Ngày Biên phòng toàn dân, ngày toàn dân hướng về biên giới, hải đảo. Cứ mỗi độ tháng Ba về, trên khắp các nẻo đường biên cương của Tổ quốc, đâu đâu cũng rộn ràng các hoạt động hướng về Ngày Biên phòng toàn dân với một không khí sôi nổi và đoàn kết của quân dân hòa trong mùa xuân tươi mới.

Trung tá Xuân Đại cho biết: “Từng được đắm mình trong không gian hùng vĩ của núi rừng biên giới tháng Ba, trong không khí sôi nổi của quân và dân hướng về biên giới, hải đảo, tôi đã viết ca khúc “Tháng Ba vui hội Biên phòng” như một cách thể hiện tình yêu và lòng tự hào của mình đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới mà lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và đồng bào các dân tộc đã cống hiến. Đồng thời, đó cũng là một món quà mà tôi dành tặng cho đồng chí, đồng đội, đồng bào nhân dịp kỉ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP, 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân”.

Bài hát mở đầu với vẻ đẹp tinh khôi và khoáng đạt của thiên nhiên biên cương khi tháng Ba về. Từ lâu, vẻ đẹp nên thơ của núi rừng biên giới luôn khiến các nhạc sĩ rung động. Người lính Biên phòng cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, từ những điểm cao biên giới, nơi cột mốc hoa cương cũng là cơ hội để “thu vào tầm mắt” nhiều khoảnh khắc đẹp của núi rừng biên cương.

Những hình ảnh “biên cương nở muôn sắc hoa”, “mùa xuân reo ca”, “hoa theo nhịp bước tuần tra”,“hoa xuân ngát hương biên thùy”, “trùng trùng nước non”, “trời xuân rạng rỡ”, “biển trời lộng gió” đã lột tả được vẻ đẹp của biên giới những ngày xuân tháng Ba. Trong khung cảnh đó, màu xanh áo lính trở thành hình ảnh ẩn dụ của cái đẹp giữa muôn sắc cờ hoa và điệp trùng biên giới. Trên hết, điều tác giả muốn hướng đến chính là tình đoàn kết quân-dân bên nhau đã kết thành những đóa hoa xuân thơm ngát, là bức tranh đẹp nhất trên biên giới hôm nay.

Xúc động nhất trong bài hát là hình ảnh: “Linh thiêng, linh thiêng trống gọi nước non/Tiếng Bác Hồ là tiếng quê hương/Chúng tôi đứng đây mắt vẽ hình Tổ quốc/ Dệt mùa xuân bát ngát muôn phương”. Với cảm xúc của người chiến sĩ đã từng có những năm tháng trên biên giới, nhạc sĩ Xuân Đại hiểu hơn ai hết cảnh vật cũng như tâm tư của những người lính Biên phòng và đồng bào các dân tộc trong những ngày tháng Ba ý nghĩa. Trong tiếng trống rộn ràng của “Ngày hội non sông, Biên phòng toàn dân”, đồng bào các dân tộc với tình yêu thương, sự giúp đỡ, đùm bọc, như tiếp thêm sức mạnh để những người lính Biên phòng hết lòng với sự nghiệp bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Nói về bài hát này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận xét: “Đây là bài ca về người chiến sĩ Biên phòng và đồng bào các dân tộc trên biên giới trong không khí sôi nổi của Ngày hội Biên phòng toàn dân. Bài hát được viết cho tốp nam, nữ hát trên âm hưởng của dân gian, tiết tấu trẻ trung, nhịp nhanh, rộn ràng, khiến người nghe có cảm xúc gần gũi, thân quen. Tốp ca nam nữ có lúc hát hòa vào nhau, có lúc lại hát đối đáp, đã cho thấy tình quân-dân giữa người lính Biên phòng với bà con dân tộc rất sinh động. Hơn nữa, bài hát đã chuyển tải được không khí một ngày mới của lính Biên phòng rất sôi nổi, vui tươi mà hiện nay, chúng ta ít khi thấy”.

Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chia sẻ: “Ca khúc mang âm hưởng dân gian miền núi nhưng theo tiết tấu mới mẻ, mang tính cổ động, đại chúng, dễ đi vào lòng người. Ca khúc đã toát lên được không khí vui tươi, rộn rã tình quân-dân trong ngày hội của cả đất nước cùng chung sức bảo vệ biên giới Tổ quốc, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Tôi tin bài hát này sẽ được sử dụng nhiều trong các cuộc hội diễn, liên hoan và các dịp kỷ niệm của BĐBP”.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO