Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 08:15 GMT+7

Màu gốm mộc vùi mình trong củi lửa

Biên phòng - Dẫu đã qua cái thời hưng thịnh, xứ gốm miệt biển gắn liền với văn hóa Sa Huỳnh này đã thu nhỏ lại, nhưng nghề cũ vẫn níu tay người. Non 10 hộ dân làm gốm bây giờ vẫn giữ được nghề và gợi lại hồn cốt thủa nào.

Người làm gốm ở Phổ Khánh sử dụng máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Tiêu Dao

Gốm “gọi” người về

Dùng mảnh tre chuốt phẳng mặt gốm chưa nung, anh Lê Phương Nam là thợ gốm trẻ tuổi, cũng là chủ một cơ sở gốm đang ăn nên làm ra ở xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi nở nụ cười nhọc nhằn nhưng viên mãn. Anh Nam bảo: “Gốm gọi tôi về!”. Chỉ thế thôi cũng đủ thấy sức hút của gốm với anh thợ trẻ tuổi này nhiều đến nhường nào.

Khoảng chừng 300 năm trước, gốm Phổ Khánh được rất nhiều nơi ưa chuộng. Làng gốm lúc nào cũng đỏ lửa, huỳnh huỵch tiếng người nhào đất, rộn ràng tiếng củi lửa lò nung, xôn xao tiếng bán mua trao đổi, rầm rập tiếng chân người vận chuyển hàng. Gốm Phổ Khánh được ra lò từ hai làng chính chuyên sản xuất đồ gốm là Trung Sơn và Vĩnh An. Thay vì các loại gốm láng men mịn, với hoa văn màu sắc sặc sỡ bắt mắt thì gốm Phổ Khánh lại có nét đặc trưng riêng.

Điểm đặc biệt của gốm Sa Huỳnh phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng và nguồn nguyên liệu được lấy ngay tại nơi cư dân Sa Huỳnh cư trú. Đó là các loại hình chum, nồi, bình, bát đĩa... với phong cách chế tác đồ gốm độc đáo, thể hiện văn hóa của các cư dân vùng duyên hải Việt Nam từ hậu kỳ đá mới đến thời đại sắt sớm. Nhưng tất cả vẫn là gốm mộc, không láng men như các loại gốm ở nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng khác trên khắp cả nước.

Sự độc đáo ấy cũng từng một thời trầy trật, bởi quy luật của thị trường, khi mà những sản phẩm gốm sứ trong nước được trau chuốt hơn, đẹp hơn và đa dạng hơn, cùng với đó là cơn bão của đồ gốm sứ giá rẻ từ Trung Quốc ùa về chiếm lĩnh thị trường, khiến cho gốm mộc Phổ Khánh rơi vào thời kỳ lận đận. Hơn chục năm trở về trước, nhiều lò gốm mộc ở Phổ Khánh đã chẳng còn đỏ lửa, người làm gốm ở hai làng ứa nước mắt khi những sản phẩm làm ra không ai mua mà lòng buồn hiu hắt.

Gốm làm ra, cuối cùng chỉ được tiêu thụ rất ít ở trong vùng, sức mua cũng chẳng đáng kể. Nhiều người đã nghĩ, có lẽ, gốm mộc chẳng còn đất sống nữa. Đất bỏ khuôn, người bỏ gốm, củi lửa bỏ lò nung, những vệt đường sẽ thôi tiếng chân vào ra chọn gốm. Viễn cảnh biến mất một làng nghề mấy trăm năm tuổi cứ dồn nén, ầng ậng trong mắt nhìn của những người thợ, của những người yêu gốm mộc.

Trong tí tách lửa lò nung, anh Lê Phương Nam (30 tuổi) chủ nhân của lò gốm hiếm hoi còn đỏ lửa ở Trung Sơn vẫn đau đáu với nỗi niềm chấn hưng lại làng nghề. Nam vốn học chuyên ngành công nghệ thông tin, từng có một công việc ổn định ở thành phố Hồ Chí Minh với mức lương kha khá, có thể sống ổn định ở chốn phố thị phồn hoa. Nhưng cách đây 5 năm, anh rời đô thị lớn nhất nước, về quê “cắm đầu” cho lò gốm của cha mình.

Như cái cách anh kể, khi gốm gọi anh về, anh chỉ có hai bàn tay và tình yêu với gốm. Nơi này, cha anh và người làng đã một đời với gốm, cùng ăn ngủ với đất, cùng tha thiết với khuôn đúc, cùng chuếnh choáng với bàn xoay. Anh về, với tâm thế muốn khôi phục lại làng gốm xưa.

Xuất thân từ đất gốm, chẳng khó khăn gì để anh bắt đầu lại từ đầu. Gốm, như chảy trong máu thịt, như bản năng của người nên nghề gốm xoay vần với anh ngày lại ngày. Từ anh chàng trắng trẻo làm việc văn phòng, anh trần mình với gốm, lúc nào cũng chân lấm, tay bùn. Khâu nào khó nhất trong quy trình làm gốm là anh đảm nhiệm. Và tất nhiên, lò gốm của anh cũng quy tụ những người làm gốm có tay nghề cao trong làng.

Người còn, nghề không mất

Từ gần 300 cơ sở làm gốm thời hưng thịnh, 2 làng gốm Trung Sơn và Vĩnh An của xã Phổ Khánh chỉ còn gần chục hộ làm nghề. Nhưng, đó là những hộ sản xuất bền vững, với đầu ra ổn định. Những lò gốm như lò của anh Nam là lớn nhất xứ này, với hàng nghìn sản phẩm mỗi ngày.

Đời sống người dân cũng ngày một khá hơn, nhiều người bắt đầu quay về với những mỹ vị dân gian. Thị trường gốm mộc bắt đầu quay trở lại với những đơn đặt hàng từ những nhà hàng cơm niêu, những khu resort mang đậm phong cách đồng quê, những quán ăn mang âm hưởng dân gian với những loại thực phẩm được chế biến trong những sản phẩm gốm như nồi đất, niêu cá, ấm trà, ấm sắc thuốc, khuôn đúc bánh xèo...

Trong xu thế “sống xanh”, những sản phẩm thủ công đang được nhiều người ưa chuộng hơn. Và gốm Phổ Khánh bắt đầu nhiều đơn đặt hàng hơn trước. Nhiều lao động trong lò gốm chỉ ước có được nhiều việc làm, mong gốm bán được nhiều sản phẩm và nhiều người biết tới gốm mộc Phổ Khánh hơn.

Làng nghề làm gốm ở Phổ Khánh nổi tiếng một thời dẫu ngày nay không còn hưng thịnh, nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng là do giữ được kỹ thuật làm nghề. Để có được sản phẩm như nồi, niêu, trách, trả, ấm... vừa thanh và chín đều, vừa đẹp lại vừa bền, người thợ phải thận trọng trong từng công đoạn.

Bà Nguyễn Thị Quang, người hơn 30 năm làm gốm bộc bạch, để làm gốm mộc tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự cũng lắm công phu. Trước hết, phải chọn đất sét vàng, đất sét xanh đem về phơi thật khô rồi đập, sàng lấy đất mịn, nhào nặn, tạo hình, chuốt, phơi khô rồi đem nung. Mỗi công đoạn đều phải đúng kỹ thuật, nguyên liệu đất sét phải biết pha trộn 2 đất xanh, 8 đất vàng rồi nhào nặn, chuốt đều, công phu tỉ mẩn mới tạo ra sản phẩm đẹp và bền. Muốn có sản phẩm đẹp phải chuốt cho thật đều.

Mỗi ngày, bà Quang nặn khoảng vài trăm sản phẩm, thu nhập vài trăm nghìn đồng. Với người dân quê, đây là mức thu nhập cao nhưng ở cái lò gốm này không phải ai cũng giỏi và thạo nghề như bà Quang cả. Có nhiều người chỉ thu nhập khoảng 60.000 đồng/ngày, nhưng nghề gốm vốn như ăn vào máu thịt, hằng ngày họ vẫn tới đây để làm.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh cho biết:“Để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống này, UBND xã Phổ Khánh đã đăng ký đây là sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Chính quyền địa phương vận động người dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; khuyến khích người dân duy trì sản xuất thủ công, đồng thời với sản xuất bằng máy để vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa gìn giữ nghiệp tổ”.

Tiêu Dao

Bình luận

ZALO