Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

“Mắt thần” trên biển đảo Cù Lao Xanh

Biên phòng - Đến với đảo Cù Lao Xanh (xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), hầu như ai cũng tìm đến tham quan và khám phá ngọn hải đăng trên đảo. Đây là một trong 30 ngọn hải đăng lớn nhất Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, ngọn hải đăng vẫn sừng sững giữa biển trời Cù Lao Xanh, như đôi “mắt thần” trên biển, định hướng cho tàu thuyền ra vào hoạt động và xác định vị trí của mình trong vùng biển từ Bình Định, Phú Yên.

7uvk_23a
Ngọn hải đăng sừng sững giữa đảo Cù Lao Xanh.  Ảnh: Thanh Thuận

Từ bến tàu Hàm Tử, thành phố Quy Nhơn, sau khoảng 2 giờ đồng hồ trên con tàu gỗ của ngư dân lênh đênh trên biển, tôi đã đến được đảo Cù Lao Xanh. Ấn tượng đầu tiên mà nơi đây mang đến cho tôi là từ rất nhiều những tảng đá kích thước lớn tự nhiên xếp chồng lên nhau rất đẹp mắt bên sóng gió đại dương. Và sự thanh sạch, trong lành, không khói bụi của một nơi cách xa đất liền. Cù Lao Xanh thuộc xã đảo Nhơn Châu cách thành phố biển Quy Nhơn khoảng 24km. Đảo nhỏ xinh, chỉ rộng chừng 3,5km2, hoang sơ nhưng quyến rũ. Do địa thế nằm án ngữ giữa hai cửa vịnh Quy Nhơn và Xuân Đài nên đảo Cù Lao Xanh còn có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phòng thủ bờ biển.

Lần đầu đặt chân đến đảo, du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên, thích thú trước vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình của đảo. Hòn đảo hiện ra với những dãy núi uốn quanh xanh ngút ngàn, những rặng đá kỳ vĩ trước muôn trùng sóng biển, nước biển trong vắt, lộ rõ những rạn san hô màu sắc sặc sỡ; các món hải sản tươi rói... Với những “đặc sản” được thiên nhiên ưu đãi, Cù Lao Xanh là điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa thích khám phá du lịch thiên nhiên kỳ thú.

Đặc biệt, đến với Cù Lao Xanh, nhiều người cũng không khỏi thích thú khi được giới thiệu, tham quan và khám phá ngọn hải đăng hơn trăm năm tuổi. Lịch sử còn ghi, năm 1890, từ sự kiện một chiếc tàu thủy bị chìm vì đâm phải đá ngầm thuộc khu vực biển Quy Nhơn, người Pháp đã quyết định xây dựng ở Cù Lao Xanh một ngọn hải đăng, đặt tên là Plogam Bir. Mục đích của người Pháp xây dựng ngọn đèn biển ở Cù Lao Xanh là để hướng dẫn tàu, thuyền ra, vào cảng Quy Nhơn được thuận tiện, an toàn. Thế rồi, theo lệnh của Tòa Khâm sứ Pháp, tất cả quan lại các tổng, huyện đã thực hiện việc bắt dân các xã (mỗi xã 5 người) ra Thanh Châu làm phu xây dựng hải đăng Plogam Bir. 

Hải đăng được đặt trên đỉnh núi cao nhất đảo 119m tính từ mực nước biển. Hải đăng Cù Lao Xanh là một sự hòa quyện tuyệt diệu giữa hai phong cách kiến trúc Ðông - Tây; vừa mang “hơi thở” của trường phái kiến trúc Gothic, vừa có dáng dấp kiến trúc phương Ðông. Hải đăng gồm 4 bộ phận, phân bố hài hòa: Chân tháp có 32 bậc thang bằng gạch vồ; thân tháp hình trụ, cao 19m; bên trong có một cầu thang lượn hình xoắn ốc 58 bậc và đèn pha chiếu sáng 27 hải lý (gần 50km). Toàn bộ kiến trúc hải đăng được xây bằng đá tảng lớn, tường dày hơn 1m. Đây là một trong những ngọn hải đăng được xây dựng sớm và hiện đại nhất ở Việt Nam

Ban đầu, đèn pha trên tháp hải đăng dùng bằng gas, chuyển động do một quả tạ cơ năng để tạo nên vòng xoay. Năm 1957, đèn được thay thế bằng bóng điện (công suất 1.000W). Phần trên là một thấu kính, ở giữa đặt một bóng đèn. Đến năm 1984, đèn lại được thay bằng hệ thống mô tơ từ trường và hệ thống bán dẫn để điều khiển mâm quay giữ tốc độ cố định. Chu kỳ của vòng quay là 12 giây, hệ quay là 3 tia sáng ngắn rồi đến 1 tia sáng dài, vì vậy, ở xa ta mới thấy đèn nhấp nháy.

Bên cạnh hải đăng Cù Lao Xanh là một công trình khá đặc sắc, là khu nhà của viên quan ba Pháp. Tòa nhà này gồm 2 tầng, có 16 phòng, được xây dựng bằng gạch vồ, tường dày tới gần nửa mét và nền móng xây bằng đá tảng rất kiên cố. Ðặc biệt, ở đây có một hệ thống dự trữ nước mưa không bao giờ cạn, vô cùng sạch. Từ tầng cao của hải đăng có thể bao quát tầm nhìn rộng lớn. Xét về mặt quân sự, vị trí này hết sức lợi hại. Về yếu tố thẩm mỹ, ai có dịp lên hải đăng Cù Lao Xanh một lần, không thể không ngây ngất trước cảnh sương sớm, bình minh trên biển, hay cảnh hoàng hôn đỏ ối lúc chiều tà... 

ibqn_23b
Khách du lịch thích thú ghi lại khoảnh khắc khi tham quan hải đăng Cù Lao Xanh. Ảnh: Thanh Thuận

Ngọn hải đăng sừng sững giữa biển trời Cù Lao Xanh là biểu tượng đẹp nhất cho tinh thần của người dân nơi đây quanh năm sống chung với biển khơi. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngọn hải đăng vẫn luôn sáng đèn, giúp định vị của tàu thuyền đánh bắt trên biển Bình Định và khu vực biển lân cận. Do đó, người ta còn ví hải đăng là đôi “mắt thần” của biển. Đêm đêm, từ bờ biển Quy Nhơn phóng tầm mắt ra khơi xa, du khách có thể thấy ngọn hải đăng như ẩn như hiện, mang nét huyền bí giữa hàng trăm đốm sáng lung linh tựa hoa đăng. 

Những năm gần đây, Cù Lao Xanh và hải đăng trên đảo đã trở thành một địa chỉ du lịch, một điểm đến cho những bạn trẻ ưa khám phá. Nếu có dịp tham quan ngọn hải đăng, đứng dưới chân ngọn hải đăng nhìn xuống, du khách có thể bao quát toàn bộ không gian Cù Lao Xanh đẹp như một bức tranh với màu xanh chủ đạo trải dài từ những ngọn dừa xanh biếc và làng chài yên bình nằm dọc theo bờ biển. Trong thinh không vang vọng tiếng phách cùng làn điệu bài chòi từ một góc xóm nào đó của làng chài Nhơn Châu như đưa du khách phiêu du trong cái mênh mang của biển trời xứ đảo. 

Chính từ những giá trị lịch sử và nghệ thuật kết hợp văn hóa cộng đồng đặc sắc của Nhơn Châu, hải đăng Cù Lao Xanh của Quy Nhơn, Bình Ðịnh đã trở thành biểu tượng đẹp của hải đăng Việt Nam.

Ngày 14-6-1992, Bưu chính Việt Nam đã phát hành bộ tem “Đèn biển” gồm 4 mẫu tem không tràn lề, với kích thước 24 x 43mm do họa sĩ Nguyễn Thị Sâm thiết kế, trong đó có hải đăng Cù Lao Xanh (Nhơn Châu, Quy Nhơn).

Vào ngày 22-11-2014, hải đăng Cù Lao Xanh đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam bình chọn là Top 5 ngọn hải đăng trên 100 tuổi nổi tiếng nhất.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO