Biên phòng - Bất kỳ ai cũng có thể trải qua những giai đoạn chán nản, mất động lực làm việc. Điều này là bình thường bởi con người đâu phải là cái máy.
Tuy nhiên, nếu để tình trạng này kéo dài, bạn sẽ bị tụt hậu và có nguy cơ mất việc. Dưới đây là một vài lí do khiến bạn mất động lực làm việc và cách khắc phục, hãy cùng tham khảo nhé.
Không có cơ hội phát triển
Bạn cảm thấy không có cơ hội để phát triển bản thân trong công việc hiện tại: không thể thăng tiến, không tăng lương, cũng không có điều kiện để được đào tạo, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ. Sau một thời gian dài cống hiến trong công việc nhưng con đường tiến thân rơi vào ngõ cụt, bạn sẽ thấy chán nản. Điều đó là bình thường, bởi vì, ai trong chúng ta cũng mong muốn mình ngày càng tiến bộ, đạt được những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Trường hợp này bạn nên bình tĩnh xem xét lại. Nếu nguyên nhân là từ phía bạn, hãy nghĩ cách để cải thiện tình hình thay vì chán nản buông xuôi. Đặt ra các mục tiêu cho bản thân và kiểm tra chúng thường xuyên khi thực hiện, học thêm một kỹ năng mới nếu điều kiện cho phép để tăng cơ hội phát triển…
Ngược lại, nếu nguyên nhân là từ phía công ty, chẳng hạn bạn thấy quản lý của mình không đủ năng lực, thiếu tầm nhìn xa, bạn có thể cân nhắc chờ đợi sự thay đổi hoặc tìm công việc khác.
Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm ý nghĩa sâu sắc hơn trong công việc. Có những khía cạnh tích cực nào không? Công việc của bạn có đem lại niềm vui, lợi ích cho người khác?... Hãy nghĩ về điều đó để tự vực dậy tinh thần của bản thân.
Bạn không được tự chủ trong công việc
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, yếu tố khiến người lao động hài lòng hơn cả với công việc của mình, không hẳn là tiền lương hay địa vị, mà chính là sự tự chủ. Làm việc trong môi trường ngột ngạt, bị kiểm soát sát sao là nguyên nhân hàng đầu hủy hoại động lực của người lao động.
Do đó, nếu bạn thấy mình đang ở trong tình trạng thiếu sự tự chủ khiến nguồn cảm hứng với công việc bị ảnh hưởng, đừng vội tham khảo các tin đăng tuyển việc làm Đồng Nai mới nhất hay tìm việc ở nơi nào khác, hãy tìm cách để có sự độc lập hơn. Có thể người trưởng nhóm bạn có kiểu quản lý vi mô, thích săm soi công việc của các thành viên trong nhóm. Nếu điều kiện cho phép, bạn hãy tình nguyện tham gia một dự án cho phép bạn làm việc với các nhóm khác, hoặc đề nghị được làm việc từ xa. Bạn cũng có thể chủ động cập nhật diễn biến công việc của mình, tạo thêm niềm tin cho sếp, và thuyết phục sếp cho phép bạn quyền tự đưa ra quyết định trong một số lĩnh vực, kèm theo cam kết hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bạn suy nghĩ tiêu cực
Thực tế là có không ít yếu tố bên ngoài tác động đến cảm hứng làm việc của một người. Nhưng đôi khi, nguyên nhân chính xuất phát từ cách suy nghĩ và cảm nhận của bạn. Nếu bạn luôn nhìn thấy điểm tồi tệ trong mọi chuyện, bạn nghi ngờ năng lực bản thân hay quá cầu toàn, bạn sợ thất bại, luôn so sánh mình với người khác… thì chắc chắn bạn sẽ dễ dàng đánh mất động lực làm việc.
Trong trường hợp này, bạn cần áp dụng tư duy tích cực giúp bản thân tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong những gì bạn làm. Tập trung sự chú ý của bạn vào mặt tốt đẹp thay vì chỉ nghĩ đến những điều bạn không thích trong công việc của mình. Gặp gỡ những người lạc quan, và đọc những cuốn sách đem lại nguồn cảm hứng để phát triển bản thân và nghề nghiệp.
Bạn thấy mình bị đánh giá thấp
Khi bạn thấy rằng nỗ lực của mình không được công nhận hoặc đánh giá cao, bạn sẽ sớm mất cảm hứng làm việc. Thật khó để nhiệt tình cống hiến khi mà dường như không ai để ý đến những gì bạn đang làm. Đôi khi, nhiều nhà quản lý quên mất việc phải thường xuyên công nhận và khuyến khích nhân viên, ngay cả một câu “cảm ơn” đơn giản họ cũng không mấy khi nói ra với bạn.
Nguyên nhân có thể là do phong cách quản lý của sếp bạn. Ông/bà ấy ít thể hiện sự động viên, khen ngợi với tất cả hoặc hầu hết các nhân viên chứ không riêng gì với bạn. Nếu vậy thì không có vấn đề cá nhân ở đây. Vậy, bạn hãy tìm những cách khác để ghi nhận và tán dương sự tiến bộ của bản thân mình. Nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp đáng tin cậy hoặc người thân trong gia đình về những gì bạn đang làm. Chỉ cần chia sẻ thành tích của bạn với người khác, bạn cũng sẽ cảm thấy có động lực hơn để tiếp tục cố gắng.
Ngoài ra, bạn có thể khéo léo chờ cơ hội, chẳng hạn như trong các cuộc họp đánh giá hiệu suất, để trình bày với sếp những nỗ lực và thành quả của mình để xử lý những nhiệm vụ khó. Bằng cách đó, bạn sẽ được công nhận và ghi điểm trong mắt sếp.
Vấn đề giữa các cá nhân
Xung đột tại văn phòng giữa bạn và sếp hoặc đồng nghiệp có thể tạo nên căng thẳng, mất động lực làm việc.
Nếu bạn đang làm việc cùng các đồng nghiệp xấu tính… bạn chắc hẳn cảm thấy không còn hứng thú để đến công sở mỗi ngày, chứ đừng nói là nhiệt tình làm việc. Trong trường hợp đó, bạn có thể cân nhắc giải pháp đổi sang bộ phận khác, làm việc từ xa hoặc thậm chí là tìm một công việc mới.
Nhưng nếu sự việc chưa đến mức đó, nghĩa là bạn với đồng nghiệp có sự mâu thuẫn hay bất đồng ý kiến, nhưng bạn nhận thấy họ vẫn có những mặt tốt, bạn hãy tìm cách cải thiện tình hình. Không có điều gì mà không thay đổi theo thời gian, tình trạng các mối quan hệ cũng vậy. Cho nên chỉ cần bạn kiên nhẫn, giảm bớt “cái tôi” của bản thân và cố gắng làm tốt việc của mình thì mọi chuyện cuối cùng sẽ ổn, đồng thời động lực làm việc của bạn cũng sẽ được nâng cao hơn.
Kiều Giang