Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra những hệ lụy nặng nề cho xã hội

Biên phòng - Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam xuất hiện từ những năm 2000. Việt Nam đã triển khai các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi mang thai. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn gia tăng ở mức trầm trọng hơn. Các chuyên gia dân số cảnh báo nếu không được khắc phục, sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra những hệ lụy khó lường.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn tới thừa nam giới trong tương lai. Ảnh: Bích Nguyên

Mất cân bằng giới tính ở mức nghiêm trọng

Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này thông thường là 104 - 106 bé trai/100 bé gái. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của SRB chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ đích và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa đến sự ổn định dân số của một nước.

Theo một nghiên cứu năm 2019 tại Đại học Southampton (Vương quốc Anh) về tỷ số SRB trên toàn thế giới trong giai đoạn 1950 - 2017, Việt Nam nằm trong nhóm 12 nước dẫn đầu về mất cân bằng SRB. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉ số SRB của Việt Nam năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái). Điều đáng lưu tâm là có những khác biệt kinh tế-xã hội đáng kể liên quan tới SRB giữa các nhóm dân cư khác nhau ở Việt Nam. Cụ thể, việc lựa chọn giới tính để có con trai trong những nhóm dân cư có điều kiện kinh tế xã hội cao thường cao hơn so với nhóm dân cư có điều kiện kinh tế xã hội thấp. Tuy nhiên, hiện tại, có xu hướng tăng SRB ở tất cả các nhóm kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Từ năm 2009, SRB đã tăng lên trong các nhóm dân cư có điều kiện kinh tế, xã hội nghèo nhất, trong khi đó SRB vẫn ổn định ở các nhóm dân cư giàu hơn. Điều này cho thấy xu thế lựa chọn giới tính để có con trai hiện đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam.

Các chuyên gia dân số cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng tình trạng mất cân bằng SRB là tâm lý ưa thích con trai của người Việt Nam. Điều này xuất phát từ chế độ phụ hệ/ phong tục cư trú bên nội thường dẫn đến sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới trong gia đình, trong đó bao gồm tâm lý ưa thích con trai. Theo chế độ phụ hệ/ phong tục cư trú bên nội, những người con trai lớn trong gia đình thường có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già, thường ở cùng nhà với cha mẹ ruột và con trai thường thừa kế từ cha mẹ nhiều hơn so với con gái.

Nguyên nhân thứ 2 là việc tiếp cận kỹ thuật mới để lựa chọn giới tính gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Hầu hết người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ siêu âm, phá thai với mục đích lựa chọn giới tính với giá cả phải chăng. Mặc dù Chính phủ đã tăng cường khung pháp lý để giải quyết sự gia tăng mất cân bằng SRB (đã có các quy định cấm xác định giới tính thai nhi và tất cả các hình thức lựa chọn giới tính nhằm đưa SRB trở lại mức sinh học bình thường vào năm 2025), các ông bố, bà mẹ tương lai vẫn có thể dễ dàng có được thông tin về giới tính thai nhi. Do vậy, thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở giới - được thực hiện thông qua siêu âm kết hợp với phá thai - vẫn đang tiếp tục diễn ra ở Việt Nam.

Một yếu tố nữa là các chính sách dân số của Chính phủ và xu hướng mong muốn quy mô gia đình hai con hoặc ít hơn ở nhiều vùng ở Việt Nam. Cả ba yếu tố này tạo ra các điều kiện kinh tế, xã hội cho việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Những hệ lụy khó lường

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Khoa Công tác Xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam, giữa bất bình đẳng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta có mối quan hệ với nhau. Trong đó, sự bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng SRB, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới.

Thực tế, chính tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã làm trầm trọng thêm vấn để bất bình đẳng giới và cũng là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng tìm mọi cách sinh được con trai.

Theo Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, sự mất cân bằng giới tính khi sinh cao như hiện nay sẽ tác động tiêu cực với cơ cấu dân số trong tương lai theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi.

Hệ lụy là nước ta sẽ dư thừa số lượng nam thanh niên. Với chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, do dư thừa nam giới, thì hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân. Điều này dẫn tới cấu trúc gia đình vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị phá vỡ. Tỷ lệ người già neo đơn, không nơi nương tựa, cần sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng trong tương lai cũng sẽ tăng lên.

Năm 2019, tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 111,5 bé trai/100 bé gái). Ảnh: Hoàng Thảo

Nam giới muộn hoặc không kết hôn được sẽ có thể phải đối mặt với các rắc rối về tâm lý, tinh thần, tăng nguy cơ bệnh tật khi mà các nhu cầu tâm lý, tình cảm, sinh lý không được đáp ứng. Điều đó sẽ làm gia tăng các tệ nạn xã hội, đặc biệt là mại dâm nữ, nam; các nguy cơ về lây nhiễm HIV/AIDS; tội phạm, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và ngay cả nạn nhân là nam giới vì thế cũng gia tăng.

Dưới góc nhìn của sự phát triển bền vững, mất cân bằng SRB làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước, gây bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội. Bất bình đẳng giới sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề như: Phụ nữ không có được vị thế, người phụ nữ không có được tiếng nói, phụ nữ không phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển của xã hội nói chung.

Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt là tình trạng gia tăng các vụ bạo hành giới mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái, tăng cao nguy cơ các cặp vợ chồng ly hôn. Hậu quả của bạo lực giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khoẻ (thể chất, tinh thần) của người phụ nữ, đặc biệt là sức khoẻ sinh sản và tác động tiêu cực đến tâm lý của con cái…

Nhìn rộng hơn, mất cân bằng về tỷ số giới tính kéo theo những hệ lụy kinh tế và xã hội khác. Đó là sự thay đổi về cơ cấu ngành, nghề, môi trường làm việc… Nguy cơ thiếu nhân lực trong một số ngành, nghề vốn thích hợp với phụ nữ như giáo viên, y tá, may mặc

Ngọc Lan

Bình luận

ZALO