Biên phòng - Từ nhiều năm nay, quảng cáo trái phép đã trở thành vấn nạn của các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý, nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, các hành vi quảng cáo trái phép ngày càng biến tướng và tràn lan hơn gây bức xúc trong dư luận.

Tại các đô thị lớn, ở bất kể con phố, hẻm nhỏ dễ dàng bắt gặp nhan nhản những tờ quảng cáo, rao vặt được dán chi chít từ các trụ điện, cột đèn chiếu sáng, trạm xe buýt cho đến các cây xanh, bờ tường công sở, nhà dân... Nội dung của những mẫu rao vặt, quảng cáo không đơn thuần chỉ là những lời chào mời các dịch vụ thuê nhà, bán đất, thông hút hầm cầu, mà còn liên quan các hoạt động cho vay tài chính, tín dụng đen, lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” hay kêu gọi đầu tư tiền ảo...
Người dân không khỏi bức xúc khi tường nhà vừa mới sơn sửa xong, vài ba hôm sau là “rác” quảng cáo dán đầy. Cột điện, cây xanh, ghế đá công cộng cũng bị xịt sơn, bôi bẩn bởi đủ loại quảng cáo. Mới gỡ hôm nay thì sáng mai lại bị dán tiếp.
Mặc dù chính quyền các thành phố đã không ít lần ra quân dẹp quảng cáo trái phép nhưng cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, hành vi này vẫn tái diễn, len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống của cư dân đô thị. Cho dù đã có nhiều đầu số điện thoại liên quan đến quảng cáo rao vặt trái phép bị nhà cung cấp cắt dịch vụ, song dường như chưa đủ sức răn đe.
Đáng lo ngại là quảng cáo rao vặt trái phép không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, mà các nội dung quảng cáo biến tướng liên quan đến hoạt động cờ bạc, cho vay tài chính, tín dụng đen là một trong những phương thức thủ đoạn của tội phạm tiếp cận, lôi kéo, lừa đảo người dân, gây mất an ninh trật tự và hệ lụy cho xã hội.
Theo nhiều nhà quản lý, quảng cáo rao vặt trái phép tràn lan bởi loại hình quảng cáo này vừa siêu rẻ, siêu nhanh lại không phải lo mất thuế phí, tiền thuê địa điểm, bảng, biển. Trong khi mức xử phạt hành chính hành vi quảng cáo trái phép chưa đủ sức răn đe (phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng) nên vì lợi nhuận và dễ dàng thu nhập bất chính, các đối tượng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi trái pháp luật.
Mặt khác, cơ quan chức năng mới xử lý được người trực tiếp thực hiện hành vi vẽ, dán quảng cáo trái phép mà chưa nghiêm trị được đối tượng thuê người khác vẽ, dán quảng cáo và đối tượng trung gian làm dịch vụ in ấn quảng cáo.
Rõ ràng, dẹp nạn quảng cáo, rao vặt trái phép cần có những giải pháp quyết liệt với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.
Đã đến lúc các cấp, các ngành cần tăng cường việc giám sát chặt chẽ các hoạt động quảng cáo ngoài trời bằng các quy định, quy chuẩn cụ thể. Trong đó, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm quảng cáo, rao vặt trái phép; đồng thời tăng cường tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về Luật Quảng cáo, nếp sống văn minh để ngăn ngừa các vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo.
Nhiều chuyên gia kiến nghị, Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa quảng cáo theo hướng tăng chế tài xử phạt mạnh tay hơn nữa đối với các hành vi gây mất mỹ quan đô thị, nhất là hành vi quảng cáo những hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Đồng thời, các địa phương sớm ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời theo hướng văn minh, hiện đại, đưa hoạt động quảng cáo đi vào nền nếp, lành mạnh, không để xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Để ngăn chặn và xử lý tận gốc vấn nạn quảng cáo trái phép, song song với các biện pháp hành chính, sự chung tay của người dân trong phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tiếp tay cho quảng cáo trái phép chính là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Hoàng Lâm