Biên phòng - Đó là chủ đề Chương trình chính luận nghệ thuật, do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và UBND tỉnh Khánh Hòa dày công chuẩn bị, dàn dựng. Chương trình được tổ chức để nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các vùng biển, đảo từ đầu nhiệm kỳ đến nay; đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đảm bảo dịch vụ hậu cần nghề cá ở Trường Sa
Vùng biển tỉnh Khánh Hòa nằm trong 5 ngư trường khai thác thủy sản lớn nhất nước ta, trong đó có huyện đảo Trường Sa. Địa phương này còn là trung tâm du lịch biển, đảo đẳng cấp quốc tế. Chương trình nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương” là sự khái quát thực tiễn về thực hiện những nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 qua những câu chuyện, hình ảnh sinh động từ cuộc sống biển, đảo, khắc họa người dân và doanh nghiệp đã đi tiên phong khai thác dầu khí, khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy, du lịch, vận tải biển...
Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển chiến lược kinh tế biển bền vững nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp và các tổ chức đầu tư nguồn vốn vừa khai thác, kinh doanh, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong đó, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”.
Cùng với đó, ngày 13/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2023/NĐ-CP về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. Sau đó, vào ngày 12/8/2023, Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa đã ra mắt.
“Đây là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập, giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa trực tiếp quản lý, để huy động nguồn lực từ người dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp... trong và ngoài nước nhằm bổ sung nguồn lực phục vụ phát triển nghề cá, đầu tư các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ. Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận” - ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nêu nhiệm vụ xây dựng huyện đảo Trường Sa: “Tỉnh Khánh Hòa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là có huyện đảo Trường Sa. Theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội ban hành ngày 16/6/2022 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Trường Sa cần có chiến lược đầu tư bài bản, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản”.
Phát triển kinh tế biển xanh
Chính phủ Việt Nam đã cam kết với cộng đồng thế giới, bắt đầu chuyển đổi sang phát triển kinh tế biển xanh, bao gồm khai thác dầu khí, vận tải biển, khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, du lịch, công nghiệp, đô thị...
Trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển, Chính phủ đã có những chính sách cụ thể để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Chẳng hạn, cho ngư dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để đóng tàu lớn đủ sức vươn ra vùng biển xa khai thác thủy sản, hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, tiền dầu... “Nhờ Nhà nước hỗ trợ, tàu chúng tôi thường xuyên ở lại khai thác ở vùng biển Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) và Trường Sa. Mỗi chuyến biển ở lại liên tục 2 - 3 tháng mới vào bờ mua thêm dầu, lương thực, thực phẩm đi biển tiếp” - thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Trai, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm nghề câu mực khơi, chia sẻ.
Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản đang suy giảm, Chính phủ đã có chủ trương giảm số tàu thuyền khai thác ở vùng biển gần bờ, tăng số lượng tàu lớn đánh bắt xa bờ. Đồng thời đẩy mạnh chương trình chuyển đổi nuôi biển, đặc biệt ưu tiên nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, nuôi xa bờ theo hướng công nghiệp. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đẩy mạnh nuôi biển ở cấp độ cao hơn là đòn bẩy để cơ cấu lại ngành thủy sản, phù hợp với tiềm năng và lợi thế vùng biển, đảo của nước ta. Đây là một ngành thủy sản phát triển bền vững, có thể phát huy song hành với đội tàu lớn xa bờ. Chính quyền các địa phương có biển cần thực hiện quyết liệt chiến lược phát triển ngành thủy sản bền vững không chỉ cho hôm nay, mà cho con cháu chúng ta mai sau”.
Hiện nay, ở các trung tâm nuôi trồng thủy sản trên biển lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang... đang chuyển đổi nuôi trồng thủy sản bằng lồng gỗ, tre chuyển sang làm bằng lồng nhựa HDPE, có độ bề vững cao. Tỉnh Khánh Hòa đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ chuyển đổi 100% lồng bè nuôi truyền thống sang nuôi lồng nhựa HDPE. Một số doanh nghiệp đang đầu tư vốn lớn để nuôi trồng quy mô công nghiệp, sản lượng đạt hàng nghìn tấn/năm.
“Ngành thủy sản Việt Nam đang chuyển từ nghề nuôi trồng trên biển quy mô nhỏ sang quy mô nuôi trồng lớn hơn, chuyên nghiệp cao. Đây là một bước chuyển rất khó khăn và yêu cầu rất nhiều nỗ lực từ mọi phía, trước hết từ phía ngư dân, doanh nghiệp. Nhà nước đưa ra được những chính sách thích hợp và cần có thời gian để chuyển dịch nguồn vốn sang nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, là điều cực kỳ quan trọng” - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam đưa ra vấn đề thời sự.
VOV đã phủ sóng toàn bộ vùng biển Việt Nam
“Tháng 6/2023, khánh thành đưa vào hoạt động Đài Phát sóng Nam Trung Bộ (Đài Tiếng nói Việt Nam) đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, với công suất phát mạnh phủ sóng Đài Tiếng nói Việt Nam ra toàn bộ vùng biển xa nhất của nước ta. Đặc biệt, ngư dân trên biển, dân và quân huyện đảo Trường Sa, các nhà giàn... đều bắt được sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi có bão tố xảy ra, mọi người nắm được thông tin dự báo thời tiết từ sớm, từ xa, chủ động phòng tránh hiệu quả” - Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc VOV thông tin.
Lệ Giang