Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 06:05 GMT+7

“Mảng tối” trong xuất siêu

Biên phòng - Theo Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay ước đạt 206,51 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước; cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Nhìn tổng thể kết quả xuất khẩu và xuất siêu của Việt Nam, các chuyên gia khẳng định đây là thành tích rất ấn tượng. Tuy nhiên, nhìn vào từng con số cụ thể còn nhiều vấn đề đáng quan ngại. Bởi, xuất siêu hoàn toàn thuộc về khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kể cả dầu thô, với 11,21 tỷ USD, trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 9,92 tỷ USD.

Việt Nam bắt đầu có xuất siêu từ năm 2012 với 284 triệu USD. Từ đó đến nay, xuất siêu liên tiếp tạo lập những mốc son mới. Đặc biệt năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 281,5 tỷ USD, tạo ra con số xuất siêu kỷ lục là 19,1 tỷ USD.

Thành tích xuất siêu đã đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.

Nhưng ngay từ năm 2020, nhiều chuyên gia đã chỉ ra những “mảng tối” trong bức tranh sáng của ngành công thương khi khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu 34,6 tỷ USD, thì ở chiều ngược lại, khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu tới 15,5 tỷ USD.

Con số này phản ánh đúng thực trạng khu vực FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhiều năm qua. Nếu như năm 2012, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI mới chỉ chiếm 63,1%, thì đến 4 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng này đã tăng lên 75,2%.

Đáng chú ý, ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, doanh nghiệp FDI luôn chiếm ưu thế như: điện thoại và linh kiện (chiếm 99,1%); điện tử, máy tính (chiếm 98%)... Ngay cả mặt hàng giày dép, những tưởng lợi thế thuộc về doanh nghiệp Việt Nam, thì khu vực doanh nghiệp FDI cũng chiếm 81,9%.

Điều này cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI. Mặt khác, phản ánh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất hạn chế, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Những doanh nghiệp nội địa vẫn chưa cho thấy tiềm lực đủ mạnh để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, sự phụ thuộc ngày càng lớn của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài khiến nền kinh tế càng dễ tổn thương trước các cú sốc như đại dịch Covid-19, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đặc biệt, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu do ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.

Thế nên, trong 85 thị trường chủ yếu, Việt Nam ở vị thế nhập siêu với 30 thị trường, trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm lên tới 16,3 tỷ USD.

Mặc dù, Bộ Công thương lý giải, khu vực doanh nghiệp trong nước gia tăng nhập khẩu máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất thời hậu Covid-19. Nhưng nhìn từ hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp FDI đang chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, quan điểm của các chuyên gia kinh tế là cần thay đổi cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp trong nước.

Xây dựng nền kinh tế tự chủ cần dựa vào năng lực nội địa và lực lượng kinh tế trong nước, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Quan trọng nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ và chủ động tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây chính là tiềm năng để doanh nghiệp nội có thể bứt phá, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xuất khẩu, trở thành yếu tố dẫn dắt nền kinh tế, bảo đảm sự tự chủ của kinh tế Việt Nam.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO