Biên phòng - Biên cương giàu mạnh, biên giới vững vàng. Tư tưởng đó đã trở thành kim chỉ nam để cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Giang luôn đồng hành cùng với đồng bào các dân tộc biên giới, giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố hệ thống cơ sở chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.

Luồng sinh khí mới ở Tả Ván
Không hẹn mà gặp, trong những ngày lưu lại huyện Quản Bạ, chúng tôi gặp Thiếu tá Trừ Minh Tuấn, cán bộ Đồn Biên phòng Tùng Vài được tăng cường vào xã Tả Ván, giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã. Trọn một ngày cùng anh đi tới các thôn, bản của xã Tả Ván đủ để chúng tôi cảm nhận được những trăn trở cũng như tình cảm anh Tuấn dành cho đồng bào biên giới. Dường như mỗi câu nói, mỗi việc làm và suy nghĩ của anh đều hướng về người dân, cốt sao mang lại lợi ích lớn nhất cho đồng bào biên giới.
Nền tảng kinh tế của xã Tả Ván hoàn toàn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do đặc điểm địa lý, địa hình ở đây chủ yếu là núi đá, độ dốc cao, diện tích đất canh tác ít, khí hậu khắc nghiệt. Đi kèm theo đó, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng hạn chế khiến cho đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, từ năm 2008, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang đã xây dựng mô hình phát triển toàn diện xã Tả Ván. Ngoài việc tăng cường cán bộ cho xã Tả Ván, Bộ chỉ huy BĐBP Hà Giang chỉ đạo Đồn Biên phòng Tùng Vài giới thiệu đảng viên về sinh hoạt tại 3 chi bộ thôn, bản giáp biên.
Những người lính Biên phòng đã tham mưu cho chính quyền xã Tả Ván nhiều biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng-an ninh cũng như xây dựng các mô hình phát triển KT-XH. Thiếu tá Trừ Minh Tuấn cho biết: “Lợi thế chủ yếu để phát triển kinh tế của xã Tả Ván là cây dược liệu, chè cổ thụ và chăn nuôi ong, bò. Tận dụng lợi thế này, trong thời gian vừa qua, chính quyền xã đã vận động nhân dân vay vốn theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh Hà Giang để mở rộng chăn nuôi. Hiện, ngoài cây thảo quả, xã đặt mục tiêu phát triển diện tích trồng chè cổ thụ lên 20ha. Chúng tôi cũng tham mưu cho UBND xã xây dựng các mô hình tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản”.
Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của Tả Ván đã giảm từ hơn 86% năm 2008 xuống còn gần 59%, tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 98%. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông trong đầu tư nâng cấp, cải tạo, trong đó có tuyến đường từ UBND xã Tả Ván đến thôn biên giới Pao Mã Phìn dài 13,5 km và tuyến đường từ đồn Biên phòng Tùng Vài đến UBND xã Tả Ván dài 7,5 km đã được trải nhựa.
Những người lính Biên phòng còn phối hợp với chính quyền vận động nhân dân tận dụng đất đai tăng diện tích trồng ngô được 10 ha; khai hoang, cải tạo hơn 14ha ruộng bậc thang; xếp đá mở rộng được thêm hơn 33 ha nương. Hiện, tại 3 thôn biên giới của xã Tả Ván có 7 tổ tự quản đường biên, cột mốc với 97 hộ gia đình tham gia. Toàn xã xây dựng được 8 tổ tự quản an ninh trật tự. Đời sống nhân dân trong xã từng bước được cải thiện; vệ sinh, môi trường được đảm bảo; những hủ tục lạc hậu được xóa bỏ; năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã được nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Mỗi đồn Biên phòng giúp một thôn, bản biên giới
Khu vực biên giới tỉnh Hà Giang có 32 xã, 2 thị trấn biên giới; trong đó có 122 thôn giáp biên. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng biên giới. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên việc lao động sản xuất, phát triển kinh tế của người dân rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao, gần 53%. Với mục đích giúp đỡ người dân biên giới cải thiện cuộc sống, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang chủ trương xây dựng các mô hình giúp dân, trọng tâm là phát triển KT-XH.
Thượng tá Vàng Đình Chiến, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Giang cho biết: “Trên cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình địa bàn của 34 xã, thị trấn biên giới, chúng tôi lựa chọn mô hình phù hợp cho từng địa phương. Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phụ trách 1 mô hình tại xã Tả Ván, 12 đồn Biên phòng, mỗi đồn lựa chọn giúp đỡ một thôn biên giới. Việc làm này vừa thể hiện trách nhiệm của chúng tôi với chính quyền địa phương trong việc xây dựng và phát triển khu vực biên giới vững mạnh, vừa thể hiện sự tri ân đối với đồng bào các dân tộc đã sát cánh cùng BĐBP Hà Giang bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”.
Thực hiện chủ trương trên, các đồn Biên phòng đã phối hợp với địa phương vận động nhân dân tích cực sản xuất, phát triển cây dược liệu và cây trồng có giá trị cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng như cây chè, mận, lê, thảo quả, atiso và đẩy mạnh phát triển đàn dê, trâu, bò.
Trong vòng 10 năm qua, BĐBP Hà Giang đã tham gia xóa 171 nhà tạm; giúp 159 hộ thoát khỏi tình trạng đói; hỗ trợ gần 100 hộ con giống để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Ngoài ra, BĐBP Hà Giang đã kêu gọi các nhà hảo tâm tham gia dự án chia sẻ, hỗ trợ chăn nuôi giúp hơn 100 hộ/115 con trâu, dê, bò sinh sản (hiện số con giống trên đã tăng lên 40 con và chuyển cho một số hộ khác)....
Anh Giàng Khái Sính, thôn Lùng Khố, xã Tùng Vài một trong số những hộ được BĐBP Hà Giang giúp đỡ vui vẻ chia sẻ: “Năm ngoái tôi được BĐBP hỗ trợ một con bò. Vợ chồng tôi vui lắm. Các anh ấy còn đến nhà hướng dẫn tôi xây cái bể ủ cỏ cho bò ăn mùa lạnh, bảo cả cách chống rét cho bò nữa. Tôi thấy cái bụng BĐBP rất thương bà con”.
Ngoài ra, BĐBP Hà Giang đã tăng cường 34 cán bộ làm phó bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn biên giới. Các đồn Biên phòng phân công cấp ủy viên phụ trách và giới thiệu đảng viên dự sinh hoạt đảng ở các thôn, bản biên giới. Từ năm 2008 đến nay, BĐBP Hà Giang đã phối hợp với cấp ủy địa phương kiện toàn được 12 chi bộ thôn; bồi dưỡng, tạo nguồn, phát triển được 31 đảng viên mới; thành lập 12 chi hội phụ nữ, củng cố 12 tổ an ninh tự quản, 12 tổ hòa giải tại 12 thôn do các đồn Biên phòng nhận giúp đỡ.
Kết quả trên đã thể hiện phần nào tâm huyết và trách nhiệm của BĐBP Hà Giang với người dân biên giới. Qua đó, củng cố và thắt chặt tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sỹ với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới Quốc gia.
Nguyễn Bích