Biên phòng - Tháng 2 đến là lúc những cành hoa Piar Tang Arát (người vùng xuôi tỉnh Quảng Trị gọi là hoa lang rừng) khoe sắc vàng trên khắp đỉnh non cao - nơi người Vân Kiều sinh sống. Những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào Vân Kiều đã dần đủ đầy và ấm áp, đời sống kinh tế tiếp tục có bước phát triển bởi bản làng luôn nhận được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhất là sự chung tay, đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị.
Bản làng no ấm
Từ một xã miền núi khó khăn của huyện vùng cao Hướng Hóa, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, thu nhập và mức sống của người dân còn thấp, đến nay, cơ sở hạ tầng của xã Hướng Lập đã được đầu tư nâng cấp, đường giao thông nông thôn, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang. Bà con ai nấy đều rất phấn khởi trước sự “thay da đổi thịt” của bản làng.
Thôn Cù Bai có 128 hộ dân/598 nhân khẩu, trong đó, người dân tộc Vân Kiều chiếm hơn 96%. Trước đây, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, thôn đã có một con đường liên thôn, tuy nhiên, do mưa lũ nên con đường đã bị hư hỏng nhiều, có chỗ xe ô tô không thể vượt qua được mỗi khi trời mưa xuống. Thực hiện đột phá, đổi mới, Đảng ủy, UBND xã Hướng Lập đã huy động nguồn lực để làm đường vào thôn. Sau một thời gian thi công, đến nay, các loại phương tiện cơ giới đã đến với Cù Bai khá thuận tiện và đây cũng là thôn có nhiều chuyển biến nhất trong công tác xóa đói, giảm nghèo của xã Hướng Lập.
Ông Hồ Hoàng Thới, Trưởng thôn Cù Bai chia sẻ: “Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, nhất là sự chung tay hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập thông qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, thôn Cù Bai đã được đầu tư đường giao thông, trường học, điện lưới quốc gia, người dân được hỗ trợ các mô hình sản xuất như: Trồng và chăm sóc rừng, cây bời lời, nuôi dê sinh sản, lợn thuần giống địa phương... nên đời sống bà con đã khá hơn trước rất nhiều, có gia đình thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm”.
Đến nay, toàn xã có trên 90% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 80% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và 85% hộ dân có ti vi để xem các chương trình truyền hình. Nhiều năm liền, xã Hướng Lập đạt tỷ lệ 100% huy động trẻ đến trường đầu cấp.
Để phát triển kinh tế, người dân đã tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị cao. Từ chỗ chỉ biết phát nương trỉa hạt, chăn nuôi nhỏ lẻ thì nay, bà con đã chuyển sang trồng và chăm sóc rừng với tổng diện tích 6.500ha, trồng 58ha cây sắn nguyên liệu KM94, sản xuất 68ha ruộng lúa nước, 18ha cây nguyên liệu dược phẩm, chăn nuôi 2.400 con gia sức theo mô hình trang trại nhỏ...
Bà Hồ Thị Ven, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập cho biết: “Trước đây, xã Hướng Lập khó khăn lắm, nhưng nay được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước về chính sách vay vốn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, thâm canh cây lúa nước, cây dược liệu nên đời sống của bà con dân bản đã khá hơn. Xã không còn hộ đói, hộ nghèo và cận nghèo cũng giảm với tỷ lệ cao, nhiều gia đình mua được máy cày, ti vi, xe máy...”.
Tích cực chăm lo cho nhân dân
Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm địa bàn xã Hướng Lập, Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập đã tranh thủ sơ lược về địa bàn nơi đây.
Anh kể: “Hướng Lập là xã xa nhất trong các địa phương biên giới của tỉnh Quảng Trị nhưng lại là xã có truyền thống cách mạng. Trước đây, vùng đất này là “ngã ba” biên giới vì giáp với Lào, chính quyền Sài Gòn và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, Hướng Lập là đầu mối giao thông trọng yếu, chiến lược để Trung ương chọn làm bàn đạp đưa đường Trường Sơn “lật cách” sang phía Tây. Chính vì vậy, không ngày nào trên vùng đất Hướng Lập không có tiếng bom đạn kẻ thù rải xuống để ngăn chặn sự tiếp viện của quân ta vào chiến trường miền Nam. Làng bản bị cháy, nhiều người bị thương, bị hy sinh vì bom giặc ném xuống, song người dân Vân Kiều vẫn kiên cường cùng bộ đội xây dựng trận địa đánh trả máy bay Mỹ và lao động sản xuất với quyết tâm theo Đảng làm cách mạng”.
Nhận thức rõ điều này, cùng với làm tốt nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập luôn coi việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là bổn phận, trách nhiệm của mình. Năm 2022, đơn vị đã kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng công trình thư viện, phòng khám quân dân y kết hợp, nhà Tình nghĩa, thăm, tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... với số tiền 1,13 tỷ đồng; xây dựng một công trình “Ánh sáng vùng biên” trị giá 20 triệu đồng.
Trung tá Hồ Lê Luận cho biết thêm: “Trong dịp tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023, đơn vị đã tặng 20 suất quà, trị giá từ 200.000 đến 300.000 đồng/suất để thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn; tổ chức gói khoảng 150 cặp bánh chưng tặng bà con ăn Tết. Đơn vị còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ nhằm thắt chặt tình đoàn kết quân dân, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân...”.
Tuy vẫn còn đó những khó khăn, nhưng những người lính Biên phòng nơi đây vẫn giữ vững niềm lạc quan, tin tưởng, sẵn sàng vượt qua khó khăn, luôn vững tay súng canh giữ vùng biên nơi địa đầu của Tổ quốc. Và với đồng bào Vân Kiều ở Hướng Lập, các anh chính là những người mang mùa Xuân no ấm về với bản làng.
Nguyễn Thành Phú