Biên phòng - “Em lên với Măng Đen nơi lắm mưa nhiều gió, mang theo nắng đồng bằng...”. Câu hát “Tình ca Măng Đen” của nhạc sĩ Ngọc Tường như lời mời gọi du khách khi đến với vùng đất được ví như “tiểu Đà Lạt” của Tây Nguyên. Giữa tiết trời se lạnh đêm cuối năm, được đắm chìm trong tiếng thì thầm của miền hoang sơ thăm thẳm, thưởng thức những món ăn dân dã bên ché rượu cần nồng nàn hương núi, du khách sẽ cảm nhận được nét đẹp Măng Đen...
Từ TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum xuôi theo quốc lộ 24 khoảng hơn 50km là đến Măng Đen, điểm nối giữa 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum nằm trên trục giao thông Đông-Tây Trường Sơn. Nói “xuôi” nhưng thực chất lại là ngược, bởi ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, Măng Đen cứ lừng lững giữa trời. Tiết trời quanh năm se lạnh, dao động từ 14 đến 25 độ C, lại được che phủ bởi hơn 4.000ha rừng thông đan xen giữa những cánh rừng già, giúp cho du khách nhanh chóng thích nghi với khí hậu mà không cần phải điều chỉnh “đồng hồ sinh học”.
Măng Đen - cái tên làm xao xuyến lòng người, thực chất chỉ là cái thôn nhỏ của người dân tộc thiểu số Mơ Nâm thuộc xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái phong phú, đa dạng với những cảnh đẹp hoang sơ, điều kiện khí hậu thời tiết ôn hòa, mát mẻ, phù hợp phát triển du lịch nên vùng đất này đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Bên cạnh sự ưu ái của tự nhiên, “tiểu Đà Lạt” của Tây Nguyên còn có lợi thế nhờ bảo tồn được những cánh rừng nguyên sinh, rất đa dạng sinh học. Và đó là điểm khác biệt để tạo nên một Măng Đen vừa xa lại vừa gần (xa con đường, nhưng gần gũi với thiên nhiên).
Chị Nguyễn Thị Hạnh, một du khách đến từ tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đã nghe rất nhiều về Măng Đen, nhưng đây là lần đầu tiên tôi cùng gia đình được trực tiếp trải nghiệm. Vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng trong tiết trời se se lạnh, không ồn ào mà cũng chẳng thấy cô liêu khiến cho mọi người cảm thấy vô cùng thích thú. Măng Đen thực sự hấp dẫn từ những lời mời gọi thiết tha của núi rừng và chắc chắn tôi sẽ còn quay lại đây rất nhiều lần...”.
Cũng giống như điều kiện tự nhiên, cư dân của Măng Đen khá đa dạng với nhiều dân tộc anh em chung sống từ xa xưa như Xê Đăng, Mơ Nâm, Ka Dong, Hre, Kinh... Tuy có những điểm tương đồng, nhưng mỗi dân tộc vẫn có những sắc màu văn hóa riêng biệt, hội tụ trong một không gian đậm chất sử thi Tây Nguyên với bến nước, nhà rông, dập dìu trong tiếng cồng, tiếng chiêng mùa lễ hội rất phù hợp để phát triển du lịch văn hóa truyền thống.
Theo báo cáo của UBND huyện Kon Plông, năm 2015, Măng Đen đón hơn 20.000 khách du lịch trong và ngoài tỉnh, thì năm 2019, số này tăng lên gần 40 lần du khách đến từ khắp mọi miền đất nước. Doanh thu từ du lịch tăng vọt, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động tạo chỗ.
Tuy nhiên, biểu đồ tăng trưởng này chắc chắn sẽ tiếp tục được cải thiện khi Măng Đen đang tập trung kêu gọi đầu tư, thu hút sự quan tâm của các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp có năng lực tài chính mạnh, với việc tạo ra cơ chế thông thoáng về quỹ đất và giá thuê đất phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn cao cấp... Cùng với đó, địa phương chú trọng phát triển hệ thống lưu trú theo hình thức có nhà cho thuê (homestay), khai thác hiệu quả các khu du lịch và điểm du lịch, đặc biệt là tại một số làng dân tộc thiểu số.
Với những lợi thế của một “tiểu Đà Lạt” nơi vùng Bắc Tây Nguyên, dễ hiểu khi Măng Đen trở thành “đầu tàu” kinh tế của huyện Kon Plông nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung. Nếu chỉ quan sát trong một không gian hẹp, trải nghiệm những dịch vụ du lịch chất lượng mà Măng Đen đang có, chắc chắn không ai có thể hình dung Kon Plông vẫn là một trong 62 huyện nghèo của cả nước và đang được thụ hưởng chính sách ưu tiêu đầu tư của Chính phủ.
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Kon Plông không ngừng được nâng cấp, hoàn thiện, đặc biệt là đường giao thông. Điều này không chỉ giúp cho địa phương phát huy tối đa những lợi thế về du lịch với định hướng phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng song song với du lịch văn hóa cộng đồng, mà còn bảo tồn, phát huy giá trị của vùng sinh thái quốc gia Măng Đen, từ đó khai thác có hiệu quả những nguồn lợi tự nhiên như sâm Ngọc Linh, cà phê xứ lạnh, rượu sim Măng Đen...
Đến với Măng Đen, du khách còn được ghé thăm tượng đức mẹ Maria và công trình kiến trúc nhà thờ Măng Đen với những giai thoại về sự hiển linh, hay thăm chùa Khánh Lâm với 18 vị La Hán đủ sắc thái khác nhau, trầm mặc và trang nghiêm. Trong những năm gần đây, du lịch văn hóa tâm linh đang ngày càng phát triển, có sức hấp dẫn du khách, trở thành điểm nhấn quan trọng trong tổng thể du lịch sinh thái Măng Đen. Lợi thế đó được đặt trong cảnh sắc thiên nhiên, với những tuyệt tác của núi rừng như thác Pa Sỹ được hình thành từ 2 con suối lớn nhất Măng Đen, chụm lại thành một dòng.
Tại đây, sau khi chinh phục gần 200 bậc thang để chiêm ngưỡng thác Pa Sỹ mềm mại như mái tóc cô sơn nữ, được thưởng thức những món ẩm thực đậm chất núi rừng, hay nhâm nhi ly cà phê trong tiết se se lạnh, dõi mắt ngắm nhìn những ngôi nhà sàn thấp thoáng trong sương khói lam chiều, du khách tiếp tục đắm chìm trong không gian vừa mơ, vừa thực với vườn tượng gỗ được chế tác từ bàn tay của các nghệ nhân bản địa.
Măng Đen với bản tình ca của núi rừng, đắm chìm trong từng “nốt nhạc” hoang sơ làm xao xuyến tâm hồn du khách. Khi cảnh sắc thiên nhiên hòa vào những nét đẹp kiến trúc hiện đại, sự tín ngưỡng tâm linh, gắn chặt văn hóa cộng đồng đồng hành cùng những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chắc chắn Măng Đen sẽ còn “bay cao” hơn nữa trên “bản đồ” du lịch Việt Nam.
Thái Vân - Cẩm Xuyên