Biên phòng - Nhằm giúp đỡ những trẻ em nghèo đang trong độ tuổi đến trường biết đọc, biết viết, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức, BĐBP Long An đã tổ chức lớp học xóa mù chữ tại khu phố 8, thị trấn Bến Lức. Lớp học mở ra như một sự đồng cảm, sẻ chia đối với những trẻ em có cuộc sống gia đình nay đây mai đó, để các em được biết đến con chữ, phép tính.

Thị trấn Bến Lức thuộc huyện Bến Lức (Long An) với những khu công nghiệp sầm uất, khang trang. Những năm qua, người dân từ khắp các địa phương trong cả nước về đây làm ăn, sinh sống rất đông đúc. Nhiều đứa trẻ phải theo bố mẹ về đây mưu sinh, cuộc sống khó khăn nên việc học hành của các em cũng bị dang dở. Trong quá trình tìm hiểu, nắm bắt địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức đã chứng kiến không ít cảnh những đứa trẻ đến tuổi đi học vẫn ở nhà chơi đùa, thậm chí có em hơn 13 tuổi rồi mà vẫn chưa biết chữ. Từ thực tế đó, đồn đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập lớp học tình thương, mang con chữ đến với những trẻ em nghèo.
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Chung Văn Hai, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức cho biết: “Những gia đình phải xa quê kiếm sống, cũng muốn cho con được đi học để biết chữ. Nhưng hằng ngày, cha mẹ phải đi làm từ sáng đến tối, nghĩ đến các khoản chi tiêu đã thấy nhọc lòng, huống chi chuyện cho con đi học. Vì vậy, năm 2012, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền thị trấn Bến Lức mở lớp dạy chữ cho các cháu. Lớp học ra đời được người dân trên địa bàn nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ rất nhiều. Đặc biệt, thấy được việc làm ý nghĩa của đơn vị, ông Nguyễn Văn Lới, chủ nhà trọ Nhân Duy (khu phố 8, thị trấn Bến Lức) đã dành một phòng trọ 15 mét vuông làm địa điểm để mở lớp học”.
Được biết, những người sống tạm trú trên địa bàn thị trấn Bến Lức đa số từ các tỉnh: Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Tây Ninh... về đây làm công nhân ở các khu công nghiệp, cuộc sống rất khó khăn, một số gia đình không có điều kiện cho con đi học ở các trường công lập. Giai đoạn đầu mở lớp học tình thương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức đã phối hợp với cán bộ địa phương đến từng nhà vận động các em tới lớp. Dần dần, lớp học đông lên. Nay đã có học sinh học ở 5 lớp của bậc tiểu học.
Trong suốt 5 năm qua, lớp học vẫn được tổ chức đều đặn vào các buổi tối ngày thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần, do Thượng úy Lê Văn Cường, Đội trưởng Đội Tổng hợp Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức trực tiếp phụ trách. Đến nay, hầu hết các em sống ở khu vực thị trấn Bến Lức nếu không theo học ở các trường công lập đều tìm đến lớp học xóa mù chữ của những người lính Biên phòng nơi đây. Thời điểm hiện tại, lớp học có tất cả 22 em đang theo học, với độ tuổi từ 6-15.
Thượng úy Lê Văn Cường tâm sự: “Đa số các em ở lớp học đều phải bươn chải kiếm sống từ nhỏ nên việc dạy học cho các em ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn vì phải tập cho các em thích nghi với môi trường mới. Ngoài dạy văn hóa, chúng tôi còn trang bị cho các em kỹ năng sống, giáo dục các em không sa vào các tệ nạn, góp phần phòng, chống trẻ em vi phạm pháp luật”.
Thượng úy Cường cũng chia sẻ thêm: “Các học sinh theo học ở đây ban ngày phải ở nhà trông em hay bán vé số hoặc phụ ở các quán cơm kiếm tiền giúp gia đình. Cũng vì thế mà lớp học không thể mở vào ban ngày, hầu hết các em chỉ có thể theo học vào buổi tối, sau một ngày tất bật mưu sinh. Bên cạnh đó, trong quá trình theo học, nhiều gia đình chuyển đi làm ăn nơi khác, bắt buộc các em phải đi theo bố mẹ, việc học của bọn trẻ lại bị dang dở. Với những trường hợp đó, anh em dù đã rất cố gắng nhưng cũng không có cách nào giữ các em ở lại”.

Đồng hành với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức giảng dạy tại lớp học tình thương suốt 5 năm qua là cô giáo Lê Thị Kim Ánh (sinh năm 1956), trú tại thị trấn Bến Lức, giáo viên tiểu học đã về hưu. Mặc dù đã rời xa bục giảng nhiều năm, nhưng bằng tình yêu thương dành cho học trò nghèo, người cựu giáo viên ấy vẫn hằng ngày tận tụy gieo mầm xanh tri thức ở lớp học tình thương. Cô Ánh tâm sự: “Tụi nhỏ là dân nhập cư, ba mẹ đi làm ở đâu thì ở đó. Nhiều nhà làm công nhân được một thời gian lại đi chỗ khác làm. Lớp học có lúc đang đông đúc, thì mấy đứa nhỏ phải đi theo gia đình nên vắng lắm. Nhưng vài hôm lại có mấy em khác đến học. Ban đầu, tôi cũng sợ tụi nhỏ đi hết, nhưng dạy cho mấy đứa biết chữ, ra đời không thua thiệt ai là bản thân mình thấy vui rồi”.
Trò chuyện với chúng tôi về việc được học tập tại lớp học “đặc biệt” này, em Hồ Thị Trang (sinh năm 2005), đang học lớp 3 tại đây vui vẻ nói: “Từ khi có lớp học tình thương của các chú BĐBP, con vui lắm, con được đến trường học cùng các bạn, đã biết đọc, biết viết. Học ở đây, các thầy cô giáo rất thương chúng con. Thầy cô dạy con biết yêu thương cha mẹ, tránh xa thói hư, tật xấu và biết tự bảo vệ bản thân”.
Đa số các em ở lớp học tình thương chỉ học đến lớp 5 rồi “lao” vội ra đời kiếm sống. Nhưng dù nhiều hay ít thì những năm tháng ngắn ngủi được đến trường học chữ và nhiều điều hay lẽ phải từ những người lính Biên phòng giàu lòng nhiệt huyết cũng sẽ giúp ích cho các em sau này, hướng các em đến những điều tốt đẹp hơn trên con đường mưu sinh nay đây mai đó...
Hồ Phúc