Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 29/05/2023 10:02 GMT+7

Mang bình yên đến với bản làng

Biên phòng - Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu đã xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa những người lính mang quân hàm xanh với bà con ở khu vực biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Pa Tần, BĐBP Lai Châu tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho người dân trên địa bàn đơn vị phụ trách. Ảnh: Tiến Đoàn

Đến Đồn Biên phòng Pa Tần, BĐBP Lai Châu những ngày cuối tháng 6, chúng tôi gặp vợ chồng chị Vàng Thị Mái, ở bản Pho 1, xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ đang cùng chồng và con ríu rít hỏi chuyện vui vẻ với cán bộ, chiến sĩ của đơn vị. Tôi thấy hai vợ chồng chị khệ nệ xách buồng chuối quả đang lốm đốm chín gửi biếu anh em trong đơn vị.

Cảm động trước tình cảm của gia đình chị Mái, Trung tá Nguyễn Tiến Đoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Tần đã vui vẻ nhận. Anh cho biết: Trước đây, gia đình vợ chồng chị Vàng Thị Mái và anh Giàng A Sính nghèo lắm, tài sản không có gì đáng giá, nhà thì đông con. Chồng chị tối ngày say xỉn, mọi việc nương rẫy dồn lên đôi vai gầy của vợ. Đã thế, mỗi khi say khướt, anh Sính lại hay gây sự, trút những trận đòn lên thân thể gầy mòn của vợ và 3 đứa con thơ dại. Đồ đạc trong nhà cũng bị chồng chị đập hết. Cả 3 người con gái của chị Vàng Thị Mái phải bỏ học giữa chừng. Cháu lớn nhất mới 12 tuổi, ngày ngày theo mẹ lao động, cháu thứ hai ở nhà trông cháu thứ ba để mẹ đi làm nương, hoàn cảnh rất đáng thương.

Với tinh thần “mưa dầm thấm lâu”, thời gian qua, cán bộ Đồn Biên phòng Pa Tần đã vận động “cải lương” được anh Giàng A Sính. Giờ đây, anh Sính lại là người chồng biết thương vợ, thương con, chịu khó lao động. Anh còn bảo sẽ bù đắp những vất vả mà vợ con mình đã chịu đựng suốt thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Pa Tần đã tích cực, chủ động tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình. Mô hình “5 không, 3 sạch” đã được cán bộ, chiến sĩ đơn vị áp dụng phổ biến tại các bản làng của xã. Nội dung “5 không” là: Không đói nghèo; không vi phạm pháp luật; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. Nội dung “3 sạch” là sạch nhà; sạch bếp; sạch ngõ. Nhờ đó, tại xã biên giới Pa Tần, mô hình câu lạc bộ “5 không, 3 sạch” ở các bản làng bước đầu đã đem lại hiệu quả trong tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.

Khi chúng tôi hỏi chị Mái về “kỳ tích” chồng chị đã thay đổi như vậy, chị cười bẽn lẽn, ánh mắt đong đầy yêu thương hướng về người chồng. Chị tâm sự: Tất cả là nhờ các chú Biên phòng. Các chú đã kiên trì thuyết phục, chỉ ra cái sai, cái không tốt khi người đàn ông là trụ cột của gia đình, là chỗ dựa của vợ con lại làm khổ vợ con như vậy. Cứ thế, sau nhiều ngày tháng, chồng tôi đã dần thay đổi, chú tâm vào nương rẫy, không đánh vợ, mắng con. Đặc biệt, đã từ bỏ thói quen hay uống rượu say.

Theo Trung tá Nguyễn Tiến Đoàn: Hằng tháng, đơn vị thường xuyên duy trì nghiêm túc, hiệu quả “Ngày pháp luật” với những hình thức, phương pháp tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhóm dân tộc với những thôn, bản cụ thể. Đến nay, trên địa bàn đơn vị phụ trách, nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của lực lượng Biên phòng và Hội Phụ nữ các cấp, các bản vùng cao biên giới đã giảm thiểu đáng kể tình trạng bạo lực gia đình. Các gia đình có con trong độ tuổi đi học đều cho các cháu đến trường.

Gần giống với hoàn cảnh của chị Mái, tại bản Chang Hỏng 2, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, nói đến gia đình chị Chẻo San Mẩy, ai cũng biết đó là gia đình nghèo nhất xã. Nhà chị nghèo không chỉ do đông con, mà do chồng chị (anh Chẻo Lao Lủ) nghiện ngập gần chục năm qua. Đã thế, khi lên cơn nghiện, chồng chị còn đấm đá vợ con để moi tiền mua thuốc hút. Mọi khoản chi tiêu trong gia đình dồn hết lên vai người vợ bé nhỏ và hiền lành này.

Để có tiền mua thuốc phiện, anh Chẻo Lao Lủ đã bán trâu, bán lợn..., đến cái chảo nấu cám lợn cũng đem bán. Trong khi đó, gia đình chị cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Chị phải đi làm thuê cho các gia đình khác trong bản, trong xã để xin ít gạo về nấu cơm cho các con ăn, đời sống vô cùng cực khổ.

Cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh của chị Chẻo San Mẩy, cán bộ Đồn Biên phòng Huổi Luông đã phối hợp cùng Hội Phụ nữ BĐBP Lai Châu, Trưởng bản và các chị em trong Chi hội Phụ nữ bản Chang Hỏng 2 tìm cách giúp chồng chị cai nghiện. Ròng rã hơn nửa năm trời kiên trì vận động, thuyết phục, trò chuyện, khuyên bảo, cuối cùng thì anh Chẻo Lao Lủ cũng nghe theo cán bộ Biên phòng, cai nghiện thành công.

Từ tấm gương quyết cai nghiện thành công của anh Chẻo Lao Lủ, rất nhiều gia đình có người nghiện ma túy đã tìm thấy niềm vui khi chồng họ cũng làm được như anh Chẻo Lao Lủ. Đặc biệt, vai trò của Đại úy Phan Thành Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Huổi Luông là rất quan trọng. Anh Chẻo Lao Lủ tâm sự: “Anh Nam chính là người đã mang lại ấm êm, hạnh phúc cho gia đình tôi”.

Những năm trước, Huổi Luông là một trong những điểm “nóng”, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác dân vận trên địa bàn... Với phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, những cán bộ của Đồn Biên phòng Huổi Luông đã không ngại khó, ngại khổ thường xuyên thâm nhập địa bàn để nghiên cứu, nắm bắt tình hình thực tế, gần dân, hiểu dân hơn. Nhờ đó, đồng bào dần tin yêu cán bộ Biên phòng vì sự gần gũi, chân tình và tinh thần lăn xả giúp dân trước những khó khăn.

Trung tá Sỹ Kiều Oanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP Lai Châu cho biết: “Để mang lại hạnh phúc, bình yên cho gia đình chị Mái - anh Sính, chị Mẩy - anh Lủ, hằng tháng, chúng tôi phối hợp với các đồn Biên phòng tổ chức về các bản để sinh hoạt, tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình. Những trường hợp xảy ra mâu thuẫn vợ chồng đều được các thành viên câu lạc bộ tới giúp đỡ, hòa giải. Ngoài ra, chị em còn được phổ biến các kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình; chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình; hỗ trợ kinh phí phát triển kinh tế gia đình...”.

Hoàng Vân

Bình luận

ZALO