Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:21 GMT+7

Malaysia: Cuộc đổi ngôi lịch sử

Biên phòng - Với kết quả được công bố ngay rạng sáng 10-5, giờ Hà Nội, dù số phiếu chưa được kiểm hết nhưng Liên minh Hy vọng (Pakatan Harapan) của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đã giành đủ 113 ghế tại Hạ viện qua đó có quyền thành lập chính phủ mới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Malaysia kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1957, một liên minh đối lập mới giành chiến thắng trong bầu cử.

myca6zje0s-75791_20036079342075541353_anh_1
Người dân Malaysia đi bỏ phiếu bầu cử ngày 9-5. Ảnh: Reuters

Chiến thắng lịch sử

Ngày 9-5, cử tri Malaysia đã tham gia cuộc bầu cử lần thứ 14 của nước này để chọn ra một chính phủ mới. Tham gia cuộc bầu cử lần này có 3 lực lượng chính, gồm liên minh cầm quyền Mặt trận Quốc gia (BN - Barisan Nasional) của Thủ tướng Najib Razak và liên minh đối lập Liên minh Hy vọng (PH - Pakatan Harapan) của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad và đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS). Các đảng phái sẽ cạnh tranh 222 ghế trong Hạ viện để giành quyền thành lập chính phủ.

Kể từ khi Malaysia độc lập năm 1967 cho đến nay, liên minh BN với nòng cốt là đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) liên tục là lực lượng lãnh đạo đất nước, bởi UMNO gần như là sự lựa chọn đầu tiên và duy nhất về mặt sắc tộc cho những người Malaysia bản địa, đặc biệt là người dân ở nông thôn. Phe đối lập, dù giành được nhiều hay ít ghế, nhưng chưa bao giờ bước lên đỉnh quyền lực tại Malaysia. 

Theo các kết quả kiểm phiếu trực tuyến được công bố trên các phương tiện truyền thông Malaysia, trong cuộc bầu cử Hạ viện nước này ngày 9-5, liên minh đối lập đã giành được 118 trên tổng số 222 ghế, vượt mức 112 phiếu cần thiết để thành lập chính phủ. Trong khi đó, liên minh BN chỉ giành được 75 ghế, kém xa con số của họ ở kỳ bầu cử lần trước. Trong khi đó, PAS chỉ giành được 17 ghế. Các đảng phái khác giành được số ghế còn lại.

Với kết quả này, Liên minh Hy vọng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 9-5. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Malaysia kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1957, một liên minh đối lập mới giành chiến thắng trong bầu cử. Chiến thắng của Liên minh Hy vọng cũng đánh dấu kết thúc hơn 60 năm cầm quyền của liên minh Mặt trận quốc gia.

Ngay sau khi kết quả được Ủy ban Bầu cử Malaysia xác nhận, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tổ chức họp báo và tuyên bố thắng lợi. Phát biểu trước giới báo chí, ông Mahathir Mohamad hy vọng, chính phủ mới có thể được thành lập ngay trong ngày 10-5 và Thủ tướng có thể làm lễ tuyên thệ cùng ngày. Trước đây, ông Mahathir Mohamad cũng đã từng có 22 năm làm người đứng đầu chính phủ Malaysia và ông cũng là người gắn bó thời gian dài với Liên minh cầm quyền Mặt trận quốc gia trước khi bất ngờ quay trở lại chính trường với tư cách người đứng đầu liên minh đối lập.

Dấu ấn Mahathir

Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, mặc dù ở tuổi 92 và là thủ tướng có thời gian tại vị 22 năm, dài nhất lịch sử Malaysia (1981-2003) nhưng ông Mahathir Mohamad vẫn tuyên bố đảm nhận vai trò ứng viên tranh cử thủ tướng cho đảng đối lập. Sự xuất hiện của ông đã trở thành nhân tố mới có khả năng thay đổi “cuộc chơi” trên chính trường Malaysia, khiến cuộc bầu cử trở nên khó đoán định. 

fi6hdb4cuq-75791_8309081091403758900_anh_bai_chinh
Ông Mahathir Mohamad tại buổi họp báo sau khi có kết quả bầu cử. Ảnh: Reuters

Dưới sự lãnh đạo trước đây của ông, bộ mặt đất nước Malaysia đã có những thay đổi to lớn và căn bản. Từ hệ thống giao thông, nền công nghiệp ôtô nội địa, đến những công trình xây dựng như Tháp đôi, thủ đô hành chính Putrajaya…, tất cả đều mang đậm dấu ấn nhà lãnh đạo Mahathir. Trong suốt thời gian vận động tranh cửa vừa qua, ông liên tục xuất hiện, thông qua cả mạng xã hội và diễn thuyết trước đám đông để trình bày quan điểm về nhiều vấn đề mà Malaysia đang phải đối mặt và người dân đang quan tâm.

Nếu trở thành Thủ tướng mới của Malaysia, ở tuổi 92, ông Mahathir Mohamad sẽ là một trong những nguyên thủ quốc gia có tuổi cao nhất thế giới. Việc ông Mahathir Mohamad lên nắm quyền đang đặt ra dấu hỏi lớn về tương lai trước mắt của cựu Thủ tướng Najib.

Ông Najib Razak gia nhập chính trường từ lúc 23 tuổi. Ông làm bộ trưởng dưới thời ông Mahathir và được nhìn nhận rộng rãi là đã vươn lên trong Đảng Tổ chức Quốc gia Malaysia Thống nhất (UMNO), đảng chính trong liên minh BN, là nhờ vào sự bảo trợ của ông Mahathir. Tuy nhiên, danh tiếng của ông Najib bị hủy hoại sau bê bối tham nhũng ở Quỹ đầu tư 1MDB Malaysia, trong đó 2,6 tỷ USD đã bị biển thủ từ quỹ mà ông giám sát. 681 triệu USD bị cáo buộc là chảy vào tài khoản cá nhân của ông Najib.

Đó là lý do vì sao, trong các cuộc vận động tranh cử, ông Mahathir tuyên bố sẽ bắt ông Najib phải đối mặt với công lý liên quan tới những cáo buộc thất thoát hàng tỷ USD trong Quỹ đầu tư 1MDB. Dù vậy trong buổi họp báo sau khi đắc cử, ông Mahathir nói: "Chúng tôi không tìm cách trả thù. Chúng tôi muốn khôi phục luật pháp". Đây cũng chính là nguyện vọng của người dân Malaysia khi quyết định gửi gắm lá phiếu cho Liên minh Hy vọng.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO