Biên phòng - Khác với hoa mai vàng Nam Bộ nở vào dịp Tết Nguyên đán, mai vàng Yên Tử nở rộ vào tiết Thanh minh – tháng 3 âm lịch hằng năm. Nguồn gốc của loại cây quý này đến nay còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, mùa mai vàng nở rực rỡ trên núi Yên Tử đã trở thành cảnh quan huy hoàng mà bất cứ ai cũng muốn chiêm ngưỡng, thưởng lãm.
Tương truyền vào thế kỷ XIII, sau khi Đức vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và lên núi Yên Tử tu hành, ngài đã cùng các phật tử trồng một cây mai vàng. Sau hàng thế kỷ, những cây mai trên núi Yên Tử đã được các phật tử phân nhánh và trồng thêm, trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn. Có những cây cao hơn 15m, thân gân guốc, đường kính tới 60-70cm, sinh trưởng mạnh mẽ trên các vách đá cheo leo. Có những cây mai nằm ở những địa thế hiểm trở chỉ có thể đã được phát tán và sinh trưởng theo cách tự nhiên. Rừng mai vàng Yên Tử đã trở thành biểu tượng của tinh thần nhập thế trong Thiền phái Trúc Lâm. Ở đó, con người có thể nương tựa và dựa vào thiên nhiên để tìm được sự an nhiên trong tâm hồn.
Vài năm gần đây, xuất phát từ các đề án kích cầu du lịch khả thi, các doanh nghiệp làm du lịch Quảng Ninh đều đặn tổ chức các triển lãm cây và hoa mai vàng Yên Tử vào dịp loại hoa này nở rộ trong tiết Thanh minh. So sánh hoa mai vàng Yên Tử với hoa anh đào Nhật Bản, một số hãng du lịch có ý tưởng tạo ra sự ghép nối văn hóa truyền thống giữa tư tưởng của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và văn hóa Nhật Bản. Họ đã cất công mang hoa anh đào từ Nhật Bản sang để triển lãm bên cạnh mai vàng Yên Tử tại Hạ Long. Như vậy, từ một huyền thoại về loại hoa do Phật hoàng đích thân trồng trên đỉnh núi thiêng, hoa mai vàng YênTử đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, sứ giả của du lịch văn hóa tâm linh của miền Đông Bắc.
Cây mai Yên Tử khác với nhiều loài mai vàng phổ thông, mức độ phân bố hoa nhiều hơn trên một cành. Hoa có mùi thơm nhẹ nhàng, thanh khiết. Đặc biệt, cũng sắc vàng, nhưng mai vàng Yên Tử có màu vàng sáng, hơi ngả sang màu vàng lục non, bông hoa to với 5 cánh xòe rộng, lộc cây và lá mới nhú màu xanh chứ không đỏ. Đặc biệt, cây hợp với khí lạnh và sương mù. Trời càng lạnh, hoa càng tỏa hương nồng. Ngày cuối xuân Yên Tử, cả rừng hoa nở rộ. Nhìn xa như tấm áo cà sa vàng rực phủ lên non thiêng, mang vẻ đẹp huyền hoặc của chốn tâm linh gắn với Thiền phái Trúc Lâm.
Hiện nay, rừng mai vàng Yên Tử đã là rừng tự nhiên được bảo vệ. Từng cây mai vàng là cây di sản của khu di tích lịch sử tâm linh Yên Tử. Vì vậy, người trồng cây cảnh ngày càng mê loại mai này. Họ cũng đã biến việc gây giống, chiết cành, trồng cây thành một nghề chơi kỳ công. Đặc tính của những cây mai vàng Yên Tử trên núi rừng chỉ nở rộ từ cuối tháng Giêng cho đến tháng 3 âm lịch, cho nên người trồng mai chỉ cần dựa vào đó, vặt lá, chăm bón cây để hoa ra đúng mùa, đúng màu sắc tự nhiên. Mai vàng nở hoa chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi thời tiết nhiệt đới ẩm, gió mùa. Người trồng mai vàng Yên Tử phải quan sát thời tiết từng năm để quyết định thời kỳ bứt lá chính xác.
Say mê với mai vàng Yên Tử, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Mạnh Chuyên, ở thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh nói: “Đến cả Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông còn phải cúi đầu trước vẻ đẹp của mai vàng nơi đây. Tôi cho rằng điểm khác biệt nhất chính là mai Yên Tử có cả hương và sắc. Màu vàng của hoa là vàng “hoàng bào” chứ không phải vàng thau. Đi dọc trên dãy núi Yên Tử này, ở đâu có đền chùa, am tháp của nhà Trần là đều có loài mai vàng quý hiếm này sinh sống. Chính vì thế mà với tôi mai vàng Yên Tử còn có một giá trị tâm linh hiếm có...”.
Hiện nay, rất nhiều hộ dân ở xung quanh ngoại vi núi Yên Tử đều say mê trồng mai vàng. Tết hằng năm qua đi, các hộ dân tiếp tục trồng lại những cây mai vàng đã nở hết hoa và ươm tiếp những hạt cây để giữ nguồn gen quý của Việt Nam. Người dân đã góp phần bảo tồn cây một cách rất tự nhiên. Chính họ cũng sẽ có vai trò chính trong việc bảo tồn rừng mai quý có giá trị về kinh tế cũng như đời sống tâm linh nơi đất Phật, làm đẹp cảnh quan vùng non thiêng.
Cùng với rất nhiều loại cây di sản trên núi Yên Tử như xích tùng, thông, trúc, thanh mai, mai vàng Yên Tử, loại thực vật tự nhiên đặc hữu của vùng khí hậu Đông Bắc chỉ có ở Yên Tử xứng đáng được bảo tồn, gìn giữ.
Mùa xuân, cây mai vàng Yên Tử nở rộ khoe sắc, tỏa hương thơm dịu và đầu cành cằn cỗi bật lên những chồi lộc xanh là điềm báo bình an, hạnh phúc, sự sinh sôi bất diệt của tự nhiên và sợi dây nối của truyền thống, lịch sử mãi mãi còn đến tương lai.
Thúy Hằng - Xuân Quảng