Biên phòng - Cô nữ sinh Vàng Thị Chá cùng 2 người em của mình đã trải qua những cung bậc cảm xúc rất khác nhau. Đã có lúc, cuộc đời của chị em Chá rơi vào cảnh cùng cực nhất, đói khổ nhất, thế rồi, hạnh phúc đã thực sự mỉm cười khi những người lính Biên phòng dang rộng vòng tay đón nhận 3 chị em làm con nuôi, đưa về đơn vị nuôi dưỡng, chăm sóc.

Tôi nhớ mãi lần đầu tiên gặp chị em Chá tại Đồn Biên phòng Phó Bảng, BĐBP Hà Giang năm 2017. Lúc đó là cuối giờ chiều, các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đang chơi bóng chuyền ở sân đồn. Chị em Chá ngồi ngoài sân vừa cổ vũ, vừa nhổ tóc sâu cho một người lính. Tới bữa ăn, những người lính thay phiên nhau lấy đồ ăn cho 3 cô bé, trò chuyện vui vẻ, cử chỉ thân tình như người trong gia đình.
Tôi cứ nghĩ 3 cô bé là con của một cán bộ trong đơn vị lên thăm bố. Hỏi ra mới biết, đó là Vàng Thị Chá (sinh năm 2004) và em gái Vàng Thị Sáu (sinh năm 2007), Vàng Thị Chở (sinh năm 2009), người dân tộc Mông, ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, được Đồn Biên phòng Phó Bảng nuôi dưỡng từ năm 2016, trước khi Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”.
Chuyện Đồn Biên phòng Phó Bảng nhận nuôi chị em Chá khởi nguồn từ tình thương và trách nhiệm của người lính nơi phên dậu Tổ quốc. Khi rà soát, nắm tình hình địa bàn, những người lính thấy hoàn cảnh của 3 cô bé người Mông ở Sà Phìn quá đáng thương. Năm 2014, sau nhiều ngày chống chọi với bệnh tật, anh Vàng Mí Na, bố của Chá kiệt sức, từ giã cõi đời. Chị em Chá mồ côi bố từ đó. Chưa kịp nguôi nỗi đau mất cha, chị em Chá nhận thêm một cú sốc tâm lý nữa khi người mẹ bỏ đi đâu không ai rõ. Khi đó, Chá mới 10 tuổi, một mình phải chăm sóc cho 2 em. Lúc đó, bác ruột của Chá đã đón 3 chị em về ở cùng bà nội. Gia cảnh người bác quá nghèo, lại đông con nên không thể lo cho chị em Chá cuộc sống no đủ. Hằng ngày, chị em Chá phải lên nương phụ giúp gia đình bác để sinh sống. Việc học hành của 3 chị em cũng bị bỏ dở giữa chừng. “Không được đi học, nhớ cha, nhớ mẹ, chúng cháu buồn và tủi thân lắm. Cháu nghĩ rằng, cơ hội tới trường của 3 chị em cháu sẽ không còn nữa” - Chá kể.
“Không có các bố nuôi ở đồn Biên phòng, thì bây giờ, 3 chị em cháu chắc sẽ rất khó khăn, thiếu thốn và có thể sẽ không được đến trường học tập. Các em của cháu mong muốn sau này làm cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ. Còn cháu, ước mơ sau này được làm bác sĩ để chữa bệnh cứu mọi người" - Chá chia sẻ.
Những người lính Đồn Biên phòng Phó Bảng thấu hiểu và thương cảm đã dành nhiều thời gian và công sức thuyết phục bà nội và bác của Chá cho phép đơn vị đón 3 chị em về đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng. Chá chia sẻ: “Cháu còn nhớ rất rõ hôm 3 chị em được các bác, các chú Đồn Biên phòng Phó Bảng đến nói chuyện với bà nội để xin nhận nuôi 3 chị em cháu. Chúng cháu xúc động lắm, bà nội và 2 bác còn đưa chúng cháu về tận đồn. Từ đó, chúng cháu coi đồn Biên phòng như nhà của mình, được các bác, các chú chăm sóc, dạy dỗ, dành nhiều tình yêu thương và coi chúng cháu như con. Chúng cháu yêu quý các bác, các chú như bố của mình”.
Cuộc đời của chị em Chá thực sự bước sang trang mới khi dọn về ở với những người lính quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng Phó Bảng. Họ dành cho 3 cô con nuôi một phòng ở khép kín, sắm đầy đủ bàn ghế, giường tủ, đồ dùng học tập, quần áo, kẹp tóc, khăn quàng, mũ ấm... Những ngày đầu, chị em Chá còn bỡ ngỡ, chưa quen với cuộc sống ở đồn, những người lính đã phải chỉ dẫn cặn kẽ, để 3 cô con gái quen với nền nếp của đơn vị. Có đêm, vì nhớ nhà, cô con gái út khóc rấm rứt, cán bộ đơn vị phải ôm ấp, vỗ về, dỗ dành cả tiếng đồng hồ. Chá nhớ lại: “Các bố, các chú đã phải vất vả nhiều vì chúng cháu. Hằng ngày, các bố đưa, đón chúng cháu đến trường. Buổi chiều, chúng cháu được các bố dạy trồng rau, nuôi gà. Các bố còn dạy chúng cháu học bài, gấp chăn, màn sao cho vuông vắn, ăn ở gọn gàng và biết tự chăm sóc bản thân...”.
Bây giờ, Chá đã là cô nữ sinh lớp 11, Sáu học lớp 9, còn Chở từ một cô bé ốm nhom, giờ đã học lớp 7, lớn phổng lên, khỏe mạnh, hoạt bát. Dưới bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của những người lính, đến nay, chị em Chá trưởng thành hơn rất nhiều, tiến bộ về mọi mặt.
“Trước kia, chị em cháu nhút nhát lắm, ít nói chuyện với các bạn cùng lớp, kết quả học tập cũng không cao. Từ khi về ở trong đồn Biên phòng, nhờ các bố thân thiện, gần gũi, chúng cháu đã mạnh dạn, tự tin hơn. Có chuyện vui buồn gì, chúng cháu đều kể cho các bố. Các bố thương chúng cháu lắm, vì thế, hằng ngày, chúng cháu đều cố gắng, ngoan ngoãn, vâng lời các bố, học tập thật tốt. Bây giờ, các em cháu đã mạnh dạn phát biểu và vươn lên đạt kết quả học tập khá ở lớp. Bản thân cháu đã phấn đấu vươn lên thành học sinh giỏi. Năm học 2019-2020, cháu được đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi văn cấp huyện và cấp tỉnh. Chị em cháu luôn nhắc nhau cố gắng học thật giỏi để đền ơn các bố Biên phòng đã nuôi dưỡng” - Vàng Thị Chá xúc động chia sẻ.
Hôm nay, Chá đang trên đường xuống Hà Nội để dự Hội nghị tuyên dương các cháu học sinh, sinh viên tiêu biểu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức. Em là đại diện cho hàng nghìn học sinh khu vực biên giới đã và đang được BĐBP đỡ đầu, nuôi dưỡng được tuyên dương lần này. Dõi theo mỗi bước trưởng thành của Chá, tôi tin rằng, với sự nỗ lực của bản thân và sự chăm lo của những người lính trong mái ấm thân thương mang tên Đồn Biên phòng Phó Bảng, Chá và các em của mình sẽ có nền tảng vững chắc, xây dựng cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.
Thu Hằng