Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:38 GMT+7

Mai này còn tiếng đàn Gơrưna

Biên phòng - Giữa tĩnh mịch đêm khuya, mỗi khi thanh âm của đàn Gơrưna vang lên, cảm giác như mang hơi thở từ cuộc sống và tiếng lòng của người Cơ Tu, càng làm khung cảnh nơi đại ngàn Trường Sơn thêm vẻ yên bình, hạnh phúc.

76bw_9a
Ông Bh’ling Argưnl truyền dạy Gơrưna cho lớp trẻ dân tộc Cơ Tu. Ảnh: Nguyễn Văn Gia Phúc

Gơrưna có cấu tạo là một ống tre còn nguyên hai mắc (hai đầu kín), một đầu được khoét một lỗ nhỏ với 2 chức năng để âm thanh thoát ra ngoài và là nơi bỏ (cất) que tre dùng để đánh đàn khi không chơi đàn nữa. Tùy vào cách chọn ống tre (khoảng 0,5m, đường kính khoảng 0,1m). Thân đàn được vạt một lớp dày gần đến ruột lóng ống tre, chiều ngang khoảng 5cm, chiều dài gần chạm hai đầu lóng. Hai bên có hai sợi tre nhỏ cũng lấy từ thân ống làm dây đàn. Hai đầu của hai dây đàn là con đội (con nem), nâng hai sợi dây đàn lên (trầm, bổng). 

Tùy thuộc vào nghệ nhân tạo ra và chơi nó mà đàn có tông cao, thấp khác nhau. Muốn có tông cao, người ta chỉ cần xê dịch con đội về phía hai đầu lóng, hai sợi dây đàn sẽ căng lên. Muốn có tông thấp thì người ta chỉ cần xê dịch con đội lùi xa phía hai đầu lóng, hai sợi dây đàn sẽ giãn ra. Khoảng cách giữa hai sợi dây theo chiều dài là lưỡi gà làm bằng lá nón trên rừng để phát ra âm thanh.

Đàn Gơrưna đơn giản vậy nhưng đòi hỏi người tạo ra nó phải khéo tay và có năng khiếu âm nhạc thì mới có Gơrưna hay và đàn mới có được tiếng trong trẻo, đúng âm lượng, chinh phục được người nghe. Một trong những nét độc đáo của đàn Gơrưna, chỉ dùng cho một người chơi, nó luôn được dựng đứng để giữ âm lại trong ruột đàn. Đàn ông Cơ Tu một tay nắm thân đàn theo chiều dọc, tay kia dùng một que tre nhỏ lớn hơn chiếc đũa để gõ vào dây đàn và làm cho nó dao động, rung lên và chuyền đến lưỡi gà, phát thành tiếng nhạc độc đáo nghe thật da diết. Muốn tạo ra những âm thanh khác nhau, hai ngón tay người chơi phải di chuyển vị trí gảy đàn trên dây đàn. 

Trong những lúc làm nương rẫy, đàn ông Cơ Tu cần một thứ âm thanh để xua đuổi mệt nhọc để khỏe khoắn và thoải mái tinh thần. Người chơi dùng một que tre nhỏ lớn hơn chiếc đũa để gõ vào dây đàn và ngón tay cái kia vẫn gảy đàn âm thanh của đàn Gơrưna lại được cất lên không những làm vui tai, mà còn xua đuổi được chim chóc ăn lúa. Gơrưna còn được người Cơ Tu gọi là đàn đuổi chim. 

Trong những đêm mưa rừng Trường Sơn lạnh giá, người làng ngồi quây quần bên bếp lửa hồng của Gươl làng (ngôi nhà làng truyền thống), lúc này đàn ông Cơ Tu lại gảy đàn Gơrưna như vơi đi nỗi nhớ. những người già Cơ Tu lớn tuổi lại kể về cây đàn Gơrưna. Theo họ, đàn Gơrưna có khả năng diễn tả ngôn ngữ của người Cơ Tu, thay họ nói lên tình cảm trong lòng. Người Cơ Tu không nhớ đàn Gơrưna có từ bao giờ, nhưng tâm khảm lại bồi hồi khi thoáng nghe, cảm giác như mình đang đi giữa núi rừng. 

Sự hiện diện của cây đàn Gơrưna, chính là giấc mơ của của người Cơ Tu, nhưng có tấm lòng rộng mở, phóng khoáng mang theo những niềm mơ ước đơn sơ rằng ai cũng được nghe tiếng đàn Gơrưna, nghe những âm hưởng nơi đại ngàn Trường Sơn mà Gơrưna như tiếng lòng của người Cơ Tu luôn có mặt trong mọi hoạt động văn hóa cộng đồng của cộng đồng và nó có thể đánh đệm cho hát dân ca (ba’boóch) hoặc hát lý (bh’noóch) của đồng bào Cơ Tu nơi đây.

Theo quan niệm của người Cơ Tu, Gơrưna đơn giản là vậy, nhưng chơi đàn không được tùy tiện mà phải theo một quy định đặc biệt. Người chơi đàn Gơrưna phải là người đàn ông Cơ Tu lớn tuổi đứng đắn, tốt bụng, sống có đạo đức, già làng được bà con trong làng yêu mến, quí trọng. Trẻ em, phụ nữ và con gái Cơ Tu chưa chồng không được chơi đàn Gơrưna.

Những năm gần đây, trước nhiều luồng văn hóa hiện đại len lỏi vào đời sống âm nhạc của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, giới trẻ ngày càng bị cuốn hút bởi âm thanh phát ra từ những nhạc cụ điện tử... khiến Gơrưna ngày càng mất dần vai trò của mình trong đời sống của người Cơ Tu. Tin tưởng rằng, đàn Gơrưna sẽ mãi ngân vang, bay xa trong đời sống đương đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguyễn Văn Gia Phúc

Bình luận

ZALO