Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 24/09/2023 08:16 GMT+7

Mãi khắc ghi sự hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước

Biên phòng - Chiều trên Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, có những người trẻ rưng rưng thắp từng nén hương thơm lên hàng bia mộ. Họ nhận ra được giá trị của lịch sử, đau đớn trước những hy sinh, mất mát của dân tộc, cảm phục và biết ơn những người đã ngã xuống cho Tổ quốc hòa bình hôm nay.

Thế hệ trẻ bày tỏ sự tri ân đối với các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Tiêu Dao

Nước mắt phía triền đồi

Chiều trên Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), khói sương bảng lảng, trong vọng âm của sự hào hùng và đầy bi tráng, có rất nhiều người trẻ lặng lẽ đứng nhìn hàng bia mộ, nước mắt họ đã rơi.

Tùng, năm nay mới 28 tuổi lặng lẽ thắp nén hương lên từng ngôi mộ liệt sĩ giữa mênh mông Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Trong mắt Tùng ầng ậng những giọt nước mắt không kịp nhỏ xuống. Tùng thầm thì những lời rất nhỏ, thoảng như gió ru theo hàng phi lao réo rắt âm thanh của quê hương xứ sở.

“Lặng lẽ mà vĩ đại quá, những người nằm xuống nơi này đã hiến dâng tuổi trẻ và thân thể mình cho Tổ quốc, cho ngày đất nước thống nhất, cho hòa bình của cả dân tộc. Lịch sử đã khắc ghi tên họ của những người anh hùng ấy không chỉ trong sách vở, mà trong trí nhớ của nhiều người mãi mãi...!” - Tùng rưng rưng như thế không phải vì khói hương cay mắt, mà vì những hy sinh vĩ đại của biết bao người đã ngã xuống cho Tổ quốc, khi tuổi đời còn rất trẻ.

Điều khiến Tùng và nhóm bạn của mình thắt lòng, bởi phần lớn các liệt sĩ chỉ mới ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, nhiều người chưa có người yêu, có người chưa biết đến nụ hôn đầu. Đó là những anh bộ đội Cụ Hồ, những cô thanh niên xung phong tuổi đời đang phơi phới đã chia tay gia đình, người thân và bạn bè lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người đã không quay về mà mãi mãi nằm lại tại mảnh đất đầy cát trắng và gió Lào này.

Năm nào cũng vậy, dù ở Hà Nội, nhưng bạn Bùi Minh Ngọc (26 tuổi) vẫn cùng gia đình không quản ngại đường xa đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Bởi đó là nơi người ông của Ngọc đã hy sinh, vĩnh viễn gửi thân xác của mình, chiến đấu cho Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng. Minh Ngọc chia sẻ: “Với tôi, mỗi lần đến đây lại dâng trào nhiều cảm xúc, tôi luôn tự hào vì ông tôi, tự hào về những đồng đội của ông đã đặt Tổ quốc thiêng liêng lên trên lợi ích của bản thân. Chúng ta đang sống trong thời bình, nhưng để có một đất nước độc lập, tự do như bây giờ, đã có biết bao liệt sĩ đã ra đi không trở về, có vô vàn những người lính khi trở về mang trong mình những vết thương khắp cơ thể. Máu của các thương binh, liệt sĩ đã đổ xuống, tô thắm cho những trang sử hào hùng của dân tộc".

Phía bên kia hàng bia mộ, ánh mắt của Tùng cùng những bạn trẻ khác rưng rưng nhìn những hàng mộ thẳng đều tăm tắp, nổi bật giữa nền trời xanh thẳm, giữa màu lá của rừng thông bạt ngàn, ai nấy đều không giấu được sự xúc động. Sinh ra khi đất nước đã hòa bình, những người trẻ như Tùng hay nhóm bạn đi cùng chỉ có thể cảm nhận về thế hệ cha ông qua lăng kính của những chứng nhân lịch sử, những người đồng đội sinh tử một thời với các liệt sĩ, qua những trang thơ văn, qua lời hát hay những thước phim quá đỗi hào hùng...

Khi lịch sử chạm tới trái tim người trẻ

Có người cho rằng, giới trẻ ngày nay không còn yêu thích lịch sử, hay đã lãng quên sự hy sinh của các thế hệ cha ông. Điều đó chưa hẳn đã đúng! Không quay lưng với lịch sử, giới trẻ Việt Nam vẫn có muôn vàn cách thể hiện tình yêu với quá khứ. Trên mạng xã hội, có một nhóm bạn trẻ như Lê Quyết Thắng, Nguyễn Quốc Anh và nhiều người khác đã làm được những công việc hết sức ý nghĩa, đó là phục dựng những bức ảnh liệt sĩ đã bị nhòe mờ, hoen ố hay biến dạng qua thời gian.

Lê Quyết Thắng (ngoài cùng, bên trái) và ê kíp của mình đã phục dựng hàng trăm bức ảnh chân dung các liệt sĩ. Ảnh: Tiêu Dao

Ê kíp của Thắng và Anh đã phục dựng hàng trăm bức ảnh chân dung các liệt sĩ miễn phí để gia đình, người thân các liệt sĩ được một chút an ủi. Những bức ảnh người ông, người cha, người anh đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc được nhiều gia đình gìn giữ như những kỷ vật đặc biệt nhất của gia đình. Thời gian đã khiến những bức ảnh ấy bị hỏng nên nhóm bạn trẻ của Thắng và Quốc Anh đã phục dựng, như muốn góp một phần nhỏ công sức của mình để tri ân tới các anh hùng, liệt sĩ.

Mỗi khi phục dựng xong, nhóm bạn trẻ của Thắng và Quốc Anh lại tìm về tận địa phương, nơi gia đình liệt sĩ đang thờ cúng để trao lại bức ảnh chân dung. Những người vợ đã ôm di ảnh ấy và khóc, những người mẹ dẫu mắt đã mờ, tay đã run vẫn rưng rưng ôm chặt di ảnh của đứa con trai mình, như ngày anh khoác ba lô lên đường chiến đấu. Những người con liệt sĩ có khi chưa từng một ngày được gặp cha mình đã không khỏi xúc động khi bức chân dung mang cha mình trở về với gia đình... Trong những khoảnh khắc ấy, những giọt nước mắt đã rơi nhưng đó là nước mắt của hạnh phúc, của niềm tin vào việc làm ý nghĩa của nhóm bạn trẻ. Việc làm ấy đã khiến nhiều người vô cùng cảm động và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn rất nhiều thông qua mạng xã hội.

Theo như Lê Quyết Thắng, Nguyễn Quốc Anh và nhiều bạn trẻ khác chia sẻ, xúc động nhất trong quá trình làm công việc phục chế ảnh là khi thấy một số chiến sĩ phải hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. “Hàng trăm tin nhắn của người nhà liệt sĩ đổ về, mong mỏi phục hồi tấm ảnh duy nhất mà các liệt sĩ để lại. Nhìn những bức chân dung liệt sĩ phai mờ theo thời gian, không còn nhìn rõ mặt, tôi quyết định phục chế miễn phí để tặng các gia đình thân nhân liệt sĩ. Nhiều liệt sĩ còn trẻ quá, đôi khi mới chỉ 18 tuổi nên mặt mũi vẫn còn nét ngây thơ. Điều đó khiến tôi cảm thấy chạnh lòng và suy nghĩ nhiều hơn về cuộc chiến này” - Lê Quyết Thắng bộc bạch.

Theo Thắng, phục chế ảnh liệt sĩ là công việc có tính chất cao cả vì cộng đồng. Do đó, cả nhóm cảm thấy vui vì việc làm của mình có ý nghĩa khi giúp làm “sống lại” hình ảnh về người thân đã mất cho nhiều gia đình anh hùng, liệt sĩ. Và trong trái tim những người trẻ tuổi, như Tùng, Ngọc, hay Thắng, Quốc Anh đều đã cháy lên ngọn lửa cống hiến cho Tổ quốc như những tấm gương anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh và họ cũng lan tỏa ngọn lửa ấy cho nhiều người khác nữa.

Tiêu Dao

Bình luận

ZALO