Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 04:19 GMT+7

“Mạch sống” từ suối Cây Hồng

Biên phòng - Nằm giữa vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn, buôn Drang Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk là một trong số rất ít khu dân cư có “tuổi đời” gần nửa thế kỷ bám trụ nơi đại ngàn biên giới. Qua trò chuyện với các bậc cao niên trong buôn, có thể khẳng định, đây là “sản phẩm” của nếp sống du canh, du cư rất điển hình của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên: Nơi nào có điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước thuận lợi thì bà con tìm đến phát rẫy làm nương và dần hình thành nên cộng đồng dân cư nằm tách biệt với khu trung tâm xã. Buôn Drang Phôk xa xôi cách trở chính là ở điểm đó...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa nước cho nhân dân buôn Drang Phôk . Ảnh: Thái Kim Nga

“Sợi bạc” nơi đầu xanh

Hơn 20 năm về trước, tôi đã có dịp đến với Vườn quốc gia Yok Đôn. Ngày đó, nếu đi một vòng quanh “khu vườn” rộng hơn 115.000ha nằm trên địa bàn của 7 xã, 3 huyện biên giới này thì gần như không “chạm mặt” bất kỳ khu dân cư nào ngoài buôn Drang Phôk. Nói như thế để thấy buôn Drang Phôk “lẻ loi” như sợi tóc bạc (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) mọc giữa mái đầu xanh.

Không điện, không trường, không trạm y tế, đường giao thông trên thực tế cũng chỉ là những lối mòn bà con đi lại nên cuộc sống của mấy chục hộ gia đình người Ê Đê, Mơ Nông, Jrai trong buôn Drang Phôk cứ bình lặng qua ngày.

Buôn trưởng Y Cường (nguyên là chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk, BĐBP Đắk Lắk) bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó, bà con sống phụ thuộc vào những cánh rừng biên giới, hết mùa nương rẫy là đi săn bắn hái lượm, làm được cái gì ăn cái đó nên đói nghèo và lạc hậu lắm. Do xa trung tâm xã, chuyện học hành và y tế trong buôn đều phải nhờ cậy Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk, nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của bà con. Gặp những ca bệnh nặng, bộ đội và nhân dân gánh bộ người bệnh băng rừng ra huyện cấp cứu. Cũng may ngày mới hình thành buôn Drang Phôk đã có người Ê Đê, Mơ Nông và Jrai cùng nhau chung sống nên cũng tránh được nguy cơ hôn nhân cận huyết thống...”.

Nếp sống du canh du cư giữa Vườn quốc gia Yok Đôn mênh mông trên biên giới không chỉ gây ra những tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn hệ sinh thái đối với những cánh rừng đặc dụng mà còn kìm hãm sự phát triển qua nhiều thế hệ ở buôn Drang Phôk. Minh chứng rõ ràng nhất đó là sau gần nửa thế kỷ kể từ ngày “khai thiên lập địa”, buôn Drang Phôk chỉ vỏn vẹn 131 nóc nhà (trong đó tính cả 20% hộ gia đình từ nơi khác đến lập nghiệp sau này). Còn tỷ lệ hộ nghèo thì tăng, giảm thất thường, được mùa thì cả buôn no đủ, mất mùa thì tất cả vào rừng tìm “kế sinh nhai”.

“Chiếc chìa khóa” từ suối Cây Hồng

Để buôn Drang Phôk “chuyển mình” như ngày hôm nay, trước hết cần khẳng định đó chính là sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, những nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng như sự đồng hành sẻ chia của các ngành, đoàn thể đứng chân trên địa bàn, trong đó có Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk.

Sau khi đã ổn định quy hoạch dân cư, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được triển khai một cách đồng bộ, mở ra cơ hội phát triển dành cho buôn Drang Phôk. Về mặt đầu tư xã hội, một hệ thống giao thông được kết nối từ buôn Drang Phôk với các tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã trong khu vực. Mạng lưới điện quốc gia được kéo về tận đường làng ngõ xóm, bảo đảm 100% hộ gia đình có điện thắp sáng. Cơ sở giáo dục với lớp mẫu giáo và điểm trường tiểu học, đủ sức huy động 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường.

Trên lĩnh vực kinh tế, bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi giúp bà con kết hợp phát triển trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình hỗ trợ sinh kế khác cũng được triển khai một cách bài bản, hiệu quả. Đặc biệt, năm 2007, con đập thủy lợi suối Cây Hồng chính thức được triển khai, cùng với đó là hệ thống kênh mương nội đồng, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho cánh đồng hơn 30ha lúa nước.

Ông Y Tê, Bí thư Chi bộ buôn Drang Phôk bồi hồi nhớ lại: “Lúc bấy giờ, lực lượng của huyện, xã và BĐBP được huy động xuống giúp bà con làm thủy lợi đã tạo nên ngày hội đoàn kết thực sự trong buôn. Việc đưa 30ha đất trũng thấp vào canh tác lúa nước 2 vụ không chỉ làm thay đổi tư duy sản xuất, giúp bà con từng bước tiếp cận sâu hơn các công đoạn kỹ thuật, bảo đảm nguồn lương thực tại chỗ, mà còn tạo ra cơ hội phát triển các loại cây trồng hàng hóa khác khi bà con chủ động được nguồn nước tưới tiêu. Năng suất lúa nước ở buôn Drang Phôk tuy không cao so với các vùng chuyên canh khác khi giao động từ 3-5 tấn/ha/vụ, song lại là một trời một vực nếu so sánh với cây lúa nương bà con canh tác truyền thống trước đây...”.

Cũng theo chia sẻ của Bí thư Chi bộ buôn Drang Phôk, hiện tại, đàn gia súc (trâu, bò) trong buôn đạt 500 con. Cùng với việc duy trì sản xuất 30ha lúa nước, hàng trăm ha diện tích trồng các loại cây hàng hóa như điều, sắn (mỳ) và các loại cây ăn quả khác, đã giúp cho đời sống của nhân dân nơi đây được cải thiện rõ nét. Buôn Drang Phôk hiện tại không còn hộ đói, hộ nghèo giảm sâu qua mỗi năm. Tương ứng với đó là số gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm trở lên xuất hiện ngày càng nhiều nơi tít tận vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn.

Phòng khám quân dân y kết hợp vừa chăm sóc sức khỏe, vừa là điểm cắt tóc hằng ngày cho người dân buôn Drang Phôk. Ảnh: Thái Kim Nga

Trong sự “chuyển mình” vươn lên của buôn Drang Phôk không thể không ghi nhận vai trò của Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk - những người lính đã đồng hành với bà con từ những ngày còn du cư trong rừng. Quản lý xã biên giới Krông Na với 9 thôn, buôn, song có thể nói, buôn Drang Phôk là địa bàn ghi đậm dấu ấn của người lính mang quân hàm xanh bên dòng Sê Rê Pôk lịch sử. Sau quãng thời gian dài bám trụ cùng với các cấp, các ngành xóa bỏ “vùng trắng” về giáo dục, y tế, văn hóa, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk tiếp tục khẳng định mình trong vai trò đồng hành và kiến tạo.

Một trong những điểm nhấn cần phải kể đến đó là “chiến dịch” đưa bà con... xuống ruộng, với hàng ngàn ngày công (có tăng cường lực lượng từ Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk) để làm thủy lợi, xây dựng mô hình trình diễn canh tác lúa nước, kết hợp tuyên truyền hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con những năm đầu cây lúa nước chưa thực sự “bén rễ” nơi đất làng.

Bí thư Chi bộ Y Tê ví von: “BĐBP giống như con suối Cây Hồng hiền hòa chảy bên buôn Drang Phôk vậy đó. Đó là mạch nguồn mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Nếu không có suối Cây Hồng thì làm sao có được cánh đồng lúa xanh tươi giữa mùa khô Tây Nguyên khắc nghiệt như thế này. Và, nếu không có BĐBP thì chắc chắn con đường thoát nghèo của buôn làng mình sẽ rất dài và gập ghềnh chông gai hơn rất nhiều...”.

Vâng, vẫn còn nhiều điều để nói về người lính Biên phòng nơi vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn - những hình ảnh diễn ra mỗi ngày và luôn đầy ắp tình người như mô hình quân dân y kết hợp, “Con nuôi đồn Biên phòng”, hay đơn giản là dấu ấn của những đảng viên đồn Biên phòng được phân công giúp đỡ hộ gia đình nghèo. Gần nửa thế kỷ đi qua, những “ngôi sao xanh” bên dòng Sê Rê Pôk vẫn tỏa sáng mang niềm vui đến với mọi nhà.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO