Biên phòng - Đại tướng Mác Chi Tô, Phó Tổng cục trưởng Cục Cảnh sát quốc gia Campuchia cho biết: “Bọn tội phạm ma túy lợi dụng địa bàn của chúng tôi để làm bàn đạp đưa ma túy đi nơi khác”. Campuchia đã bắt được nhiều tội phạm ma túy là công dân 17 quốc gia khác nhau. Câu chuyện trên đã cho thấy, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn của đất nước Chùa Tháp là rất phức tạp. Biên giới Việt Nam – Campuchia đã trở thành địa bàn để bọn tội phạm hình thành những đường dây “ngầm” đưa ma túy sang nước thứ ba.

Tội phạm “xinh đẹp”
Đầu năm 2018, trên các tờ báo và trang mạng xã hội của đất nước Campuchia tràn ngập hình ảnh một cô gái xinh đẹp là du khách đến từ Australia, nhưng lại bị bắt tại sân bay Phnom Penh vì hành vi mua bán và vận chuyển ma túy. Khi Cảnh sát Campuchia bật mở khóa va ly của du khách này trước sự chứng kiến của máy quay phim và nhiều người thì số tang vật khủng lộ diện: 7 gói bột trắng có trọng lượng 1,8kg, xác định là ma túy được tinh chế thành heroin. Du khách này là người Australia gốc Việt, tên Trần Thị Ve, 39 tuổi, đang cố tình đưa va ly ma túy lên máy bay để sang Hồng Kông trước khi bay về Australia.
Hiện nay, Campuchia đã bắt được rất nhiều tội phạm ma túy đến từ 17 nước. Từ câu chuyện trên cho thấy, đất nước Chùa Tháp đã trở thành địa bàn trung chuyển của các đường dây ma túy quốc tế. Ma túy xuất phát từ Tam giác vàng, được vận chuyển qua Campuchia để sang các nước thứ ba bằng đường hàng không. Đại tá Keo Sô Tha, Phó Giám đốc Công an tỉnh Svay Rieng cho rằng, ma túy được vận chuyển rất nhiều theo đường sông, đường bộ, khu vực giáp với biên giới Việt Nam - Campuchia. Đây thực sự là tảng băng chìm và trách nhiệm ngăn chặn, triệt phá được đặt lên vai lực lượng BĐBP.
Tổng trấn áp
Tại Hội nghị giao ban giữa 3 lực lượng (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an; Cục Chống ma túy, Tổng cục Cảnh sát quốc gia Campuchia) trong phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy năm 2018, được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào sáng 26-9, Đại tướng Mác Chi Tô, Phó Tổng cục trưởng Cục Cảnh sát quốc gia Campuchia dẫn đầu đoàn công tác bao gồm nhiều cán bộ cao cấp đã chia sẻ những thông tin giúp ngăn chặn, trừng trị đối tượng ma túy từ địa bàn Campuchia làm bàn đạp vào Việt Nam.
Trong lúc trình bày báo cáo dài gần 20 phút, Đại tá Lếc Van Lắc, Cục trưởng Cục Chống ma túy của Campuchia luôn dùng từ “trấn áp, tổng trấn áp tội phạm”, thay vì dùng từ bắt giữ. Điều đó xuất phát từ vấn nạn ma túy đã biến một bộ phận thanh thiếu niên của nước này trở thành những người tham gia vào đường dây buôn bán cái chết trắng.
Đại tá Lếc Van Lắc cho biết, thị trường ma túy ở Campuchia bao gồm các loại heroin, ketamin, mefomketamine được sản xuất, chế biến từ khu vực Tam giác vàng vào Campuchia qua tỉnh Rattanakiri theo đường biên giới, sau đó được đóng gói, gắn thương hiệu, vận chuyển sang các nước khác. Trong năm qua, Campuchia đã phát hiện và bắt giữ 4.399 vụ với 8.389 đối tượng, trong đó có 98 người Việt Nam, những đối tượng ở tận Nigieria, Brazil, Colombia cũng bị bắt tại Campuchia.
Việc bọn tội phạm ma túy ở Colombia có mặt tại Campuchia đã cho thấy, điều nguy hiểm đang thực sự cận kề. Colombia là nước sản xuất cocain hàng đầu thế giới với sản lượng ước tính 910 tấn/năm. Chỉ riêng trong năm 2017, cảnh sát nước này chỉ bắt giữ được 362 tấn. Các đế chế ngầm kiểm soát việc mua bán ma túy trên thế giới đều nằm ở Colombia.
Những bố già nổi tiếng nhất là Pablo Escobar. Trùm ma túy này từng tham gia tranh cử Tổng thống vào năm 1989. Pablo Escobar có thành tích từng kiểm soát hơn 90% lượng cocain trên thế giới, sau đó bị cảnh sát truy đuổi, bắn chết vào năm 1993.
Sau Pablo Escobar, những ông trùm mới nổi lại tàn bạo hơn. Năm 2017, Cảnh sát Colombia đã bắt giữ lượng ma túy có tang vật lên đến 12 tấn cocain. Chính phủ Colombia đã trao giải thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp được thông tin hoặc giết chết trùm ma túy mới nổi là Usuga.

Tội phạm rất nguy hiểm
Tại buổi giao ban lần đầu tiên giữa lực lượng Phòng chống tội phạm ma túy của Việt Nam với Campuchia, Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã báo cáo kết quả đấu tranh trong năm 2018: Các đơn vị BĐBP và Công an tuyến biên giới Campuchia đã bắt giữ 188kg ma túy các loại (trong đó, BĐBP bắt giữ 69 vụ/115 đối tượng, thu 90,28kg ma túy. Đại tá Nguyễn Địch Nam, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2018, số lượng heroin bị bắt giữ hơn 1 tấn và số tang vật này lớn hơn cả năm 2017 cộng lại. Hoạt động của tội phạm ma túy được các bên đánh giá là quy mô ngày càng lớn và nguy hiểm.
Đại tướng Mác Chi Tô, Phó Tổng cục trưởng Cục Cảnh sát quốc gia Campuchia cho biết, để trấn áp mạnh tay bọn tội phạm ma túy, nước này sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam trong mọi tình huống. Luật pháp ở Campuchia cho phép cảnh sát có quyền bắt giữ nghi phạm và tạm giữ 48 tiếng đồng hồ. Chỉ có thông tin bằng miệng và báo cáo miệng, không cần văn bản cảnh sát cũng có thể bắt giữ ngay.
Lê Văn Chương