Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Mạ nuôi của lính Biên phòng

Biên phòng - Ngôi nhà bà Trần Thị Xưng (sinh năm 1953, trú tại khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) ở cạnh sông Sê Pôn. Cùng với chủ nhân, ngôi nhà 3 gian đã trải qua bao mưa nắng, bão lụt. Trên bức tường xỉn màu ở mặt tiền, nếu nhìn kỹ sẽ thấy những vết hằn do bùn để lại phía gần mái. Đó là vết lụt hằng năm “kẻ” lên đấy minh chứng cho thiên nhiên khắc nghiệt của xứ này. Ít ai biết rằng, ngôi nhà này là nơi lưu dấu của nhiều thế hệ BĐBP Quảng Trị khi cắm chốt trên biên giới.

Bà Trần Thị Xưng là người dành tình cảm đặc biệt đối với những người lính Biên phòng. Ảnh: Xuân Thế

“Mạ ơi, hôm nay ăn gì?”

Khi chúng tôi ghé thăm, bà Xưng đang ở bếp chuẩn bị bữa cơm tối. Thấy có khách lạ, bà vội chạy vào thay chiếc áo, gọi với ông Trần Văn Ưu, chồng bà chuẩn bị ấm nước chè. Người phụ nữ gầy ốm, đi chân đất này chính là “mạ nuôi” (mẹ nuôi), như cách nói của nhiều chiến sĩ Biên phòng một thời khó khăn, gian khổ ở biên giới Việt – Lào.

Trong cuộc trò chuyện, bà Xưng nhớ lại những ngày tháng hơn 25 năm trước, khi khu vực biên giới đang còn phức tạp, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo đời sống còn khó khăn. Bà Xưng cho biết: “Tôi nuôi bộ đội cắm chốt từ năm 1994, đến năm 2002 thì vơi dần. Từ căn nhà này, nhiều chiến sĩ đã gắn bó nhiều năm trước khi chuyển đi nơi khác”. Bà cho hay, sau trận lụt, nước sông Sê Pôn lên cao đã cuốn trôi lán trại của các chiến sĩ ở cột mốc R2. Nước lũ rút, bà Xưng thấy bộ đội quá vất vả nên ngỏ ý: “Các con về ở với mạ, mạ nấu cho mà ăn”. Sau cái câu nói ấy, tình thương của một người mẹ đối với bộ đội thực sự gắn kết, tạo “tiền đề” để lớp người này đi, lớp sau tới trong ngôi nhà đơn sơ này. Từ đó, trong nhà bà Xưng lúc nào cũng có 4-5 chiến sĩ Biên phòng; có đợt cao điểm tăng cường phòng, chống buôn lậu qua biên giới sông Sê Pôn thì 7-8 người ở đây.

Với đồng lương ít ỏi, vừa trực chốt, tuần tra, vật lộn với tình trạng vượt biên, buôn lậu nên chuyện cơm nước của các chiến sĩ, bà Xưng lo toan hết. Thiếu tá Nguyễn Đức Chiến, nhân viên Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ thuộc Đồn Biên phòng Thanh cho biết: “Tôi ở nhà mạ Xưng từ năm 1997 đến năm 2002. Nhờ mạ bao bọc, chăm sóc mà anh em chúng tôi đỡ vất vả, tập trung vào nhiệm vụ tuần tra biên giới, phòng, chống buôn lậu. Rất nhiều anh em xem ngôi nhà này là nơi gắn kết yêu thương như chính mình sinh ra và lớn lên ở đây. Mạ Xưng sống vô tư, không tính chuyện hơn thiệt, giàu tình thương. Chúng tôi không thể nào quên những tháng ngày như thế”.

Trước đây, trong dịp lên kiểm tra các chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở Lao Bảo, Thượng tá Trần Tuấn Anh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị đã ghé thăm gia đình bà Xưng và nghe bà kể về những người con bộ đội năm xưa. Bà Xưng kể tên từng người đã được bà đùm bọc ở ngôi nhà này. Nào là Thỏ, Tâm, Tam, Thắng, Núi, Tiến, Hồng... Lâu lắm rồi không gặp, có người về hưu, có người chuyển công tác ở nơi xa... Bà dẫn chúng tôi ra sân và chỉ vào phòng tắm bên cạnh cái giếng và bảo: "Cái phòng tắm này là “thằng Tâm” xây đấy. Mới đó mà đã hơn 20 năm. Nhiều lần muốn đập bỏ, nhưng ông Ưu cứ bảo để vậy cho nhớ. Lúc nào anh em về thăm để mà nhớ”.

Hiện nay, hoàn cảnh của gia đình bà Xưng – ông Ưu hết sức khó khăn. Ảnh: Xuân Thế

Những năm đó, Lao Bảo được xem là điểm “nóng” của tình trạng buôn lậu. Và địa bàn khóm Duy Tân trở thành tâm điểm vì có nhiều bến đò để thẩm lậu hàng hóa. Chính vì nhà bà Xưng đùm bọc BĐBP khiến người dân không thích, thậm chí thù hằn. “Tôi có chiếc ghe nan bỏ dưới bến sông làm kế mưu sinh cũng bị các đối tượng buôn lậu chặt phá vì nuôi cán bộ, chiến sĩ chống buôn lậu. Không những thế, có những người còn dọa đốt cả nhà tôi”, bà Xưng tâm sự.

Nhà bà Xưng nằm sát sông Sê Pôn, thuộc vùng trũng nhất của Lao Bảo nên năm nào cũng hứng chịu lụt lội. Nhớ trận lụt năm 1996, nước cuốn trôi mọi thứ. Các chiến sĩ dọn dẹp bùn, có người mặt buồn rười rượi, hỏi: “Mạ ơi, hôm nay ăn gì?”. Bà Xưng lúc đó bảo: “Ăn gì để mạ lo. Cứ yên tâm”. Nói rồi, bà Xưng ra vườn chặt buồng chuối lùn do lụt làm ngã. Bà Xưng mua 5 lạng thịt mỡ kho với chuối. Đó là món ai cũng khen ngon. Bà Xưng kể: “7-8 năm nuôi bộ đội trong nhà, coi như con. Đứa này đi thì đứa khác đến. Có đứa ở lâu, đến khi đi thì nhớ quay quắt. Đến nỗi nhìn cái áo, chiếc mũ nó để lại cũng chảy nước mắt vì nhớ”...

Đền ơn mạ!

Căn nhà ấy ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm của nhiều cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Trong căn nhà có nhiều đường nứt do xuống cấp hiện có 2 người già và đôi vợ chồng trẻ sinh sống. Ông Ưu, bà Xưng giờ đã già. Thu nhập chỉ dựa vào mảnh vườn nhỏ, vài con bò. Người con duy nhất của ông bà đã lấy vợ, do dịch Covid-19 nên con dâu ông bà thất nghiệp. Con trai thì làm nghề lao động tự do, thu nhập không ổn định. “Mạ có nhiều bộ đội làm con nuôi, nhưng chỉ có một đứa con đẻ. Bươn ba nhiều nghề nhưng vẫn không đủ ăn, cuộc sống rất chật vật” - Bà Xưng rớm nước mắt kể.

Tuổi đã cao, sức đã yếu lại bệnh tật trong người nên ước muốn xây dựng căn nhà mới vẫn còn dang dở. Anh Trương Văn Tú, con trai bà Xưng dẫn chúng tôi ra vườn và kể về những trận lụt biên giới. “Những năm trở lại đây còn ít, chứ trước đây năm nào cũng lụt. Nhỏ thì nước ngập ngang cửa sổ, to thì nước lút chóp nhà. Cứ đến mùa lụt, trời mưa to, dài ngày là lo chuẩn bị đồ đạc để chạy lụt” - Anh Tú tâm sự. Bà Xưng là du kích trong thời kỳ từ năm 1972-1975. Hiện nay, bà bị bệnh khối u cuống mạch, một phần do di chứng của chất độc màu da cam. Trong chuyến kiểm tra các chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở Lao Bảo, cùng với Thượng tá Trần Tuấn Anh, Thiếu tá Hoàng Hữu Thiện, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cùng nhiều cán bộ Biên phòng đã đến trao quà của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho gia đình bà Xưng.

Trước những khó khăn của gia đình bà Xưng, Thượng tá Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ kêu gọi cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các nguồn lực xã hội trong và ngoài tỉnh để xây dựng cho bà ngôi nhà mới. “Năm xưa, mạ Xưng không tính hơn thiệt, chăm sóc bộ đội như con. Giai đoạn cực khổ, nghèo khó mà tấm lòng mạ luôn rộng mở. Giờ đây, mạ khó khăn, các con không thể ngó lơ. Phải vận động để xây mới ngôi nhà cho mạ. Làm được điều đó mới đền được ơn mạ” - Thượng tá Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Xuân Thế - Mã Sơn

Bình luận

ZALO