Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:16 GMT+7

Lý luận và thực tiễn về vai trò của BĐBP trong chủ trì duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu

Biên phòng - Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 (Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11-6-2019 của Quốc hội), dự kiến, dự án Luật Biên phòng Việt Nam (sau đây gọi là dự án Luật) sẽ được trình Quốc hội khóa XIV tiếp tục cho ý kiến và thông qua vào Kỳ họp thứ 10. Đến nay, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thảo luận, tranh luận góp phần hoàn thiện dự án Luật. 

Cán bộ BĐBP Cà Mau tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân địa phương. Ảnh: N. Tâm

Cơ bản các ý kiến đều được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự án Luật. Bên cạnh những ý kiến thống nhất cao về sự cần thiết ban hành; về tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự án Luật trong hệ thống pháp luật; tính khả thi, hiệu quả, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của dự án Luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính... thì vẫn còn một số ít ý kiến chưa đồng thuận cao với vai trò “chủ trì thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu” của BĐBP. Trong bài viết này, chúng tôi xin trao đổi, làm rõ một số vấn đề về lý luận và thực tiễn để xác định rõ trách nhiệm “chủ trì duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu” của BĐBP được quy định trong dự án Luật như sau:

Thống nhất nhận thức

Về mặt lý luận, nghiên cứu, thuật ngữ “an ninh, trật tự” gắn với địa bàn là khu vực biên giới và trách nhiệm của chủ thể là BĐBP cho thấy, việc xác định vai trò chủ trì duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu của lực lượng BĐBP trong dự án Luật là được dựa trên nền tảng cơ sở khoa học vững chắc.

Thứ nhất, về thuật ngữ “an ninh, trật tự”

Dưới góc độ khoa học quốc phòng, an ninh; “an ninh, trật tự” được xác định là thuật ngữ chính trị - pháp lý rút gọn, chứa đựng nội hàm của hai khái niệm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Thứ hai, an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu

Khu vực biên giới bao gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia; đây là địa bàn có tính đặc thù, có quy chế pháp lý điều chỉnh về các lĩnh vực xuất, nhập qua cửa khẩu và ra, vào, hoạt động tại đây (Nghị định số 34/ 2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 3-9-2015 về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam...). Do khu vực biên giới, cửa khẩu gắn liền với đường biên giới quốc gia; vì vậy, an ninh, trật tự khu vực biên giới, cửa khẩu có mối quan hệ, tác động qua lại với an ninh, trật tự của đất nước, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng rất lớn đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. An ninh, trật tự khu vực biên giới, cửa khẩu được giữ vững sẽ góp phần bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước và ngược lại...

Với tính chất đặc thù về địa bàn, nội dung an ninh quốc gia ở khu vực biên giới, cửa khẩu mà BĐBP phải giữ gìn bao gồm: An ninh chính trị trên địa bàn; chủ quyền lãnh thổ; an ninh dân tộc, tôn giáo; các lĩnh vực xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, đầu tư, mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới...; phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi làm phương hại đến an ninh quốc gia ở khu vực biên giới, cửa khẩu như: Xâm phạm an ninh lãnh thổ, làm hư hỏng, hủy hoại, xê dịch hoặc mất mốc quốc giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới, các biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, công trình biên giới; xâm canh, xâm cư, qua lại hai bên biên giới không đúng điểm quy định; phá hoại chính sách đoàn kết; phá rối an ninh...

Các hành vi xâm phạm trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu liên quan đến trách nhiệm của BĐBP bao gồm: Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại; cư trú, khai thác lâm thổ sản, thăm dò, khai thác khoáng sản, thủy sản trái phép; sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả, hộ chiếu, giấy tờ trái với quy định pháp luật Việt Nam; tổ chức, đưa, đón dẫn đường, chuyên chở người xuất nhập cảnh trái phép...

Thứ ba, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo chức năng, quyền hạn của BĐBP được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật.

Việc quy định trách nhiệm của BĐBP “chủ trì duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu” trong dự án Luật là đảm bảo thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; cụ thể: Khoản 2, Điều 31, Luật Biên giới quốc gia, năm 2003, quy định: “Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật”; tại điểm c, Khoản 1, Điều 22, Luật An ninh quốc gia cũng xác định: “Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và khu vực biên giới trên biển”; trong Khoản 2, Điều 35, Luật Quốc phòng, năm 2018 cũng quy định Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ, quyền hạn: “...duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Tuy nhiên, vấn đề cần thống nhất nhận thức ở đây là trách nhiệm chủ trì duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu được thực hiện theo nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP chứ không phải tất cả các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu đều do BĐBP chủ trì. Chúng tôi cho rằng, đây là nhận thức cần phân tích, làm rõ để các chủ thể có cùng nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu có sự đồng thuận cao với quy định lực lượng BĐBP chủ trì đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP trong xử lý các hành vi xâm phạm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu được quy định tại Điều 9, Điều 32, Luật Tổ chức cơ quan Điều tra hình sự năm 2015; điểm đ, Khoản 1, Điều 24 và Điều 40, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; các lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính mà BĐBP có thẩm quyền, như: Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (Nghị định số 96/2020/NĐ-CP ngày 24-8-2020); an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013); Hàng hải (Nghị định số 142/2017/NĐ-CP ngày 11-12-2017); giao thông thủy nội địa (Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25-12-2015)...

Đối với các vụ việc hình sự, khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc phát hiện hành vi phạm tội đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì BĐBP tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và Điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Luôn hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó

Về mặt thực tiễn, lịch sử sự hình thành, phát triển của lực lượng BĐBP cho thấy, việc dự án Luật quy định BĐBP có vai trò “chủ trì thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu” đã được đúc rút, tổng kết một cách khoa học.

Thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP cho thấy, trong từng thời kỳ cách mạng của đất nước, tình hình trên các tuyến biên giới, vùng biển luôn đặt ra những vấn đề cấp thiết, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu; địa bàn còn nhiều khó khăn, gian khổ, chịu sự tác động của nhiều yếu tố cả bên ngoài và bên trong, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Khu vực biên giới chịu sự tác động của nhiều yếu tố, tình hình có liên quan đến an ninh, trật tự; nhất là: Lợi dụng vị trí địa lý thuận lợi của các cửa khẩu và chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, du lịch của Đảng và Nhà nước ta để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các đối tượng, tổ chức phản động lưu vong người Việt, phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc có nhiều diễn biến phức tạp; hoạt động lợi dụng vấn đề biên giới lãnh thổ để gây “điểm nóng” trên biên giới ở tuyến biên giới Tây Nam; các yếu tố tình hình liên quan đến an ninh phi truyền thống: Tội phạm xuyên biên giới, di cư tự do, dịch bệnh (điển hình là dịch Covid-19); tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy...

Những vấn đề trên có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định về chính trị, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tuy nhiên, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, lực lượng BĐBP vẫn luôn chủ động, chủ trì phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình an ninh chính trị địa bàn, tăng cường mọi biện pháp công tác, nắm chắc âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và bọn phản cách mạng. Trên cơ sở đó, dự báo chính xác khả năng, tình huống để tham mưu, đề xuất những giải pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chủ trì duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu, lực lượng BĐBP đã đúc rút nhiều kinh nghiệm, mô hình hay, chương trình sáng tạo. Điển hình như kinh nghiệm xử lý lợi dụng vấn đề biên giới lãnh thổ gây “điểm nóng” trên biên giới với phương châm 8K: “Kiên quyết, kiên trì; khôn khéo; không khiêu khích; không mắc mưu khiêu khích; kiềm chế; không để lấn chiếm và không để xảy ra xung đột và đụng độ” để không tạo nên điểm nóng, giữ vững quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới. Các mô hình: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ tự quản an ninh, trật tự thôn, ấp”, “Hộ gia đình tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, “Kết nghĩa đồn Biên phòng”, “Điểm sáng văn hóa biên giới”. Các chương trình: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Giao lưu hữu nghị biên giới”, “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì những con tàu xa khơi”... đã góp phần giúp BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Có thể khẳng định, với trên 61 năm chiến đấu, xây dựng, phát triển và trưởng thành; với 28 năm gắn bó, trực thuộc Bộ Công an và trên 33 năm thuộc Bộ Quốc phòng, với tên gọi đầu tiên là Công an nhân dân vũ trang (theo Nghị định 100-TTg ngày 3-3-1959 của Chính phủ). Với tên gọi khác nhau, dù thuộc Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng thì chức năng, nhiệm vụ của BĐBP cơ bản không thay đổi. Trong đó, BĐBP luôn được xác định là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Lý luận và thực tiễn đã chứng minh, lực lượng BĐBP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu; được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, nhân dân và chính quyền địa phương nơi biên giới ghi nhận.

Tiến sĩ Trần Văn Hiếu

Bình luận

ZALO