Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:28 GMT+7

Luồng sinh khí mới

Biên phòng - Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi là Chương trình NTM) và Chương trình MTQG giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững (sau đây gọi là Chương trình Giảm nghèo) giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, việc tiếp tục thực hiện 2 chương trình này rất đúng đắn, thể hiện chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta.

Theo Chính phủ, Chương trình NTM giai đoạn 2016 - 2020 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử; bộ mặt của nông thôn thay đổi nhanh chóng, kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực, nhiều mô hình sản xuất nâng cao đời sống, thu nhập của người dân...

Số xã đạt tiêu chuẩn NTM vượt 12,4% so với yêu cầu của Quốc hội, về đích trước gần 2 năm so với mục tiêu đề ra. Nhiều tỉnh, thành phố có 100% xã đạt tiêu chuẩn NTM. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58,1% xuống còn 2,7% và không ít người dân tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Tuy nhiên, qua giám sát, Quốc hội nhận thấy, nhiều vùng nông thôn phát triển chưa thực sự bền vững; năng suất, hiệu quả lao động còn thấp; cơ cấu kinh tế, lao động nông nghiệp chuyển dịch còn chậm; thu nhập, đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn...

Cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển khi còn 187 xã chưa có đường ô tô; 6.357 thôn, bản là đường đất, đường tạm, 31 xã chưa có điện; 3.400 thôn bản chưa có đường điện hạ thế, 11,4% người dân tộc thiểu số chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Để bảo đảm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn hiện chiếm 63,2% dân số cả nước, trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đề xuất địa bàn đầu tư của Chương trình Giảm nghèo trải rộng trên 70 huyện nghèo và 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Chương trình NTM sẽ thực hiện tại 594 đơn vị cấp huyện và khoảng 6.516 xã (1.359 xã đạt dưới 18 tiêu chí; 5.157 xã đã đạt chuẩn NTM).

Mục tiêu đến năm 2025, trên 80% số xã trong toàn quốc đạt chuẩn NTM (trong đó, 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); 50% huyện, thị xã đạt chuẩn NTM (trong đó, trên 20% được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu)... Đặc biệt, có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM.

Vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn là tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình NTM dự kiến lên tới 2.600.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 39.632 tỷ đồng; cộng với khoảng 20.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.

Nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn tác động tiêu cực lớn đến kinh tế - xã hội, tăng chi ngân sách cho các chương trình MTQG thực sự nan giải, việc huy động nguồn lực từ tín dụng, đóng góp của doanh nghiệp và cộng đồng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, việc thực hiện Chương trình NTM và Chương trình Giảm nghèo phải tương thích với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 bằng cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, đối tượng hỗ trợ.

Để các Chương trình MTQG mang lại luồng sinh khí mới cho nông thôn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, cần nhận diện rõ những rào cản để đầu tư phù hợp, đồng thời bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có ưu tiên đầu tư, tập trung vào số hộ nghèo, hộ cận nghèo, để tránh dàn trải, lãng phí như giai đoạn trước.

Với quan điểm: “Xây dựng NTM là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng, nông dân là chủ thể”, các chương trình MTQG cần thiết kế, thể chế hóa an sinh xã hội song hành với giảm nghèo, đưa ra các khung chính sách để các địa phương có cơ sở thực hiện theo chỉ tiêu phù hợp với điều kiện khả năng, nguồn lực tại chỗ.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO