Biên phòng - Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng (23/4/1959-23/4/2019), cũng là dịp đơn vị vinh dự được đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Nhân sự kiện quan trọng này, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) về vai trò quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong BĐBP trong suốt 60 năm qua và những định hướng lớn trong thời gian tới.
- Cơ quan, đơn vị nào cũng đều có lịch sử ra đời và phát triển của riêng mình. Truyền thống càng vẻ vang thì đó là nền tảng căn bản để tiếp tục có những bước phát triển vững chắc trong tương lai. Kể từ khi được thành lập, truyền thống xuyên suốt qua các thời kỳ của Cục Chính trị BĐBP - cơ quan có nhiệm vụ tiến hành CTĐ, CTCT trong BĐBP được thể hiện như thế nào, thưa Chính ủy?
- Cách đây hơn 60 năm, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3-3-1959, Chính phủ đã ra Nghị định số 100/TTg quyết định thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là BĐBP và ngày 23-4-1959, Bộ Công an ra Nghị định số 153/NĐ-CA quyết định thành lập các Cục trực thuộc Ban chỉ huy CANDVT Trung ương, trong đó có Cục Chính trị. Sự kiện này đã đánh dấu sự ra đời của cơ quan chuyên trách CTĐ, CTCT, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng chính trị - tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP.
Trong suốt 6 thập kỷ qua, Cục Chính trị luôn bám sát chức năng nhiệm vụ, thực tiễn tình hình trên các tuyến biên giới và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn để tham mưu, đề xuất; hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ CTĐ, CTCT trong BĐBP, góp phần quan trọng đảm bảo cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh; công tác xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Khi mới được thành lập, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng”, Cục Chính trị đã bắt tay triển khai nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động và hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong toàn lực lượng như: “Thi đua thực hiện lời dạy của Bác”, “Học tập quân và dân miền Nam anh hùng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Học tập lá cờ đầu Quang Chiểu”, “Noi gương liệt sĩ Trần Văn Thọ”, “Noi gương Đồn Roòn quyết hạ máy bay Mỹ bằng súng bộ binh”, “Thường trực 24 giờ quyết thắng giặc Mỹ”... Những biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng nhạy bén này đã khơi dậy khí thế, quyết tâm, ý chí và tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng.
Trong thời kỳ đổi mới, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, Cục Chính trị đã chủ động đề xuất lãnh đạo, chỉ huy các cấp tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chỉ thị, quyết định có tính chiến lược như: Quyết định số 16 ngày 22-2-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) “Về tổ chức Ngày Biên phòng”; Chỉ thị 15 ngày 28-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường chỉ đạo xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo”, Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 09-01-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Đặc biệt, những năm gần đây, hoạt động CTĐ, CTCT do Cục Chính trị thực hiện đã bám sát các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phòng chống các loại tội phạm; xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, Cục Chính trị đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất các nội dung biện pháp công tác tổ chức xây dựng Đảng, tham mưu cho Đảng ủy BĐBP xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”; ban hành Chỉ thị về lãnh đạo triển khai thực hiện Đề án tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo; Chỉ thị phân công đảng viên thuộc Đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới; triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87 của Quân ủy Trung ương.
Cùng với đó, Cục Chính trị đã phối hợp tham mưu và tham gia tổ chức thành công các chương trình giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”, giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, giao lưu công tác chính trị với lực lượng Công an Biên phòng Trung Quốc; tổ chức sơ kết, gặp mặt điển hình tiên tiến thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019. Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội như: “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em tới trường”, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Hãy làm sạch biển” cũng như tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP, 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân...
- Thực tiễn đã chứng minh vai trò quan trọng của CTĐ, CTCT trong xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Để tiếp tục phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, thời gian tới, Cục Chính trị cần có định hướng như thế nào đối với việc thực hiện nhiệm vụ CTĐ, CTCT, thưa Chính ủy?
- Có thể khẳng định rằng, truyền thống xuyên suốt qua các thời kỳ cách mạng của Cục Chính trị được thể hiện ngay trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ CTĐ, CTCT. Từ trước đến nay, mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn, trong thời chiến cũng như trong thời bình, Cục Chính trị luôn nắm chắc, phân tích kỹ tình hình, bám sát thực tiễn địa bàn biên giới, biển đảo để tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn CTĐ, CTCT sát, đúng, phù hợp, bảo đảm cho lực lượng CANDVT trước đây, BĐBP ngày nay luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Trong thời gian tới, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Cục Chính trị cần tiếp tục phát huy truyền thống, kế thừa những kinh nghiệm quý báu trong CTĐ, CTCT, đoàn kết thống nhất, vượt mọi khó khăn, thử thách; hiệp đồng chặt chẽ với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng BĐBP “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo tiếp tục gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Các thế lực thù địch tăng cường thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phi chính trị hóa quân đội, trong đó, BĐBP là một trong những mục tiêu để tấn công, lôi kéo, mua chuộc, tác động làm suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Trước thực trạng đó, Cục Chính trị cần tiếp tục tăng cường CTĐ, CTCT, thực hiện tốt chức năng tham mưu về CTĐ, CTCT; giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87-CT/QUTW ngày 08-7-2016 của Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong mọi tình huống, luôn giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với BĐBP.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật và chấp hành điều lệnh; nâng cao văn hóa ứng xử, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ BĐBP có đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, tư thế, lễ tiết, tác phong chính quy, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh.
Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng dư luận xã hội; đấu tranh sắc bén, phản bác kịp thời các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch; âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình”, tác động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, bọn phản động và các loại tội phạm, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng, kịp thời biểu dương, nhân rộng các mô hình, gương điển hình tiên tiến trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia...
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Cục Chính trị cần thường xuyên bám sát thực tiễn, chủ động, nhạy bén, kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả của CTĐ, CTTC trong các nhiệm vụ. Phải làm sao để chất lượng, hiệu quả CTĐ, CTCT trong toàn lực lượng không ngừng được nâng lên, tình hình chính trị tư tưởng ổn định, cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, đoàn kết thống nhất, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng đoàn kết nội bộ, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, thực hiện liêm, chính, kiệm, cần, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
- Thưa Chính ủy, để làm tốt những định hướng lớn nêu trên, trong thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ Cục Chính trị BĐBP cần phải làm gì?
- Truyền thống vẻ vang luôn là nền tảng để các thế hệ sau kế thừa, phát huy hướng đến tương lai. Đối với Cục Chính trị BĐBP, trải qua 60 năm chiến đấu, công tác, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã xây đắp nên truyền thống đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ rộng rãi, đề cao trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, của mỗi cá nhân trong từng hoạt động.
Thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ Cục Chính trị cần phát huy truyền thống quý báu đó vào thực tiễn hôm nay. Mỗi cá nhân cần xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, có tri thức toàn diện và chuyên sâu trong từng lĩnh vực công tác, xứng đáng là những người “truyền lửa”, tiếp thêm sức mạnh, ý chí, nghị lực, bản lĩnh cho cán bộ, chiến sĩ và đặc biệt là ý chí quyết tâm sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Muốn vậy, từng tập thể, cá nhân trong Cục Chính trị cần tự quán triệt và làm tốt một số vấn đề sau đây:
Một là, cần nắm vững chức năng, nhiệm vụ; nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CTĐ, CTCT trong phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn lực lượng cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các mặt hoạt động CTĐ, CTCT. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, có ý chí cao, trách nhiệm tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm cho toàn lực lượng hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và nhân dân giao phó.
Xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong cấp ủy, chỉ huy đến toàn cơ quan đơn vị. Luôn thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ là “Phải tư tưởng nhất trí, phải đoàn kết nhất trí, phải hành động nhất trí mới làm trọn nhiệm vụ của Đảng...”. Đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng gắn với thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng Cục Chính trị thực sự là một môi trường tốt để bộ đội rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, để mỗi cán bộ, nhân viên của Cục Chính trị thực sự là một tấm gương sáng, mỗi hoạt động của CTĐ, CTCT của Cục Chính trị phải thực sự là một “bài học mẫu” để các đơn vị trong toàn lực lượng học tập và noi theo.
Hai là, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc, nắm vững các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của trên; bám sát thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ công tác biên phòng, xây dựng lực lượng, xây dựng Đảng; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tham mưu đề xuất và hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở. Chủ động tham mưu, đề xuất cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP ban hành các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trong lực lượng BĐBP thực hiện tốt các nội dung CTĐ, CTCT. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới các chủ trương, giải pháp tăng cường công tác giáo dục chính trị, quản lý, định hướng tư tưởng; công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong BĐBP; các chủ trương, giải pháp xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đảm bảo để các cấp ủy, tổ chức Đảng trong BĐBP có đủ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, thực sự là hạt nhân lãnh đạo đảm bảo cho từng cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện đúng các quy trình, nguyên tắc CTĐ, CTCT; các quy định, quy chế lãnh đạo và tổ chức thực hiện các mặt công tác, nhất là công tác cán bộ. Tham mưu kịp thời cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, chương trình hành động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ công tác Biên phòng và xây dựng BĐBP, nhất là Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Chăm lo làm tốt công tác chính sách quân đội và hậu phương quân đội; xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh, hướng mọi hoạt động vào giáo dục, rèn luyện quần chúng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Trong triển khai thực hiện phải đảm bảo tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; xác định lộ trình thực hiện cụ thể, có quyết tâm cao; tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các khâu đột phá, làm chuyển biến các khâu yếu, mặt yếu, làm đến đâu chắc đến đó.
Ba là, tăng cường công tác nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của tuyến sau cho tuyến trước, xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo, các hoạt động, mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Bốn là, tập trung xây dựng Cục Chính trị vững mạnh toàn diện, nội bộ đoàn kết, thống nhất; cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao vai trò trách nhiệm, tâm huyết, tính tiên phong gương mẫu, thường xuyên đổi mới phương pháp, tác phong công tác, đổi mới cách nghĩ, cách làm. Thực hiện nói đi đôi với làm, cơ quan phải làm gương cho đơn vị: Cấp trên phải mẫu mực, làm gương cho cấp dưới học tập và noi theo. Tăng cường mối quan hệ hiệp đồng công tác, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của các cơ quan nghiệp vụ cấp trên. Tích cực, chủ động phát huy nội lực, quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, chiến sĩ, chú trọng xây dựng mối đoàn kết nội bộ trên tình thương yêu đồng chí, đồng đội, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí Chính ủy đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
P.V (thực hiện)