Biên phòng - Những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xác định nhiệm vụ phòng chống thiên tai (PCTT), ứng phó sự cố và cứu hộ, cứu nạn (CHCN) là nhiệm vụ chính trị, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của quân đội”, lực lượng Quân đội luôn tích cực, chủ động phát huy vai trò chủ lực, nòng cốt trong các sự cố thiên tai, bão lũ. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Ngô Quý Đức, Cục trưởng Cục CHCN, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam về vấn đề này.

- Trong thời gian qua, cán bộ, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương và các lực lượng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ PCTT, ứng phó sự cố, CHCN. Trung tướng có thể chia sẻ về kết quả đó?
- Thiên tai và biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia trong thế kỷ 21. Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu đã và đang làm cho các hình thái thiên tai ngày càng phức tạp, cực đoan, khó lường. Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng tiểm ẩn nhiều thảm họa, sự cố, tai nạn do con người gián tiếp hoặc trực tiếp gây nên.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, lực lượng vũ trang đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, luôn phát huy tốt vai trò là lực lượng chủ lực, nòng cốt trong phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả các vụ thiên tai như bão; áp thấp nhiệt đới; mưa gây lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; nắng nóng, hạn hán; triều cường, nước biển dâng; lốc xoáy; cháy rừng; sự cố cháy nổ; sập đổ công trình....
Quân đội, với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, quân đội luôn tích cực, chủ động phát huy vai trò là lực lượng chủ lực, nòng cốt trong PCTT, ứng phó sự cố, CHCN. Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tham gia với tinh thần trách nhiệm, hiệu quả cao nhất. Toàn quân đã quán triệt và chấp hành nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, xây dựng kế hoạch, dự kiến các phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, tổ chức luyện tập, phối hợp với các lực lượng khác sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ PCTT, sự cố, CHCN.
Các đơn vị quân đội đóng quân trên khắp các vùng, miền của Tổ quốc, từ rừng núi đến hải đảo nên việc huy động và cơ động lực lượng PCTT, sự cố, CHCN rất kịp thời. Mặt khác, các đơn vị quân đội được biên chế nhiều trang thiết bị, phương tiện hiện đại, vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, vừa có thể sử dụng trong PCTT, sự cố và CHCN. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn có tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, có sức chịu đựng trong các tình huống khó khăn, phức tạp; có ý thức tổ chức kỷ luật; được huấn luyện, rèn luyện cơ bản; đồng thời, quân đội có hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, công tác bảo đảm chặt chẽ từ Bộ Quốc phòng đến các đơn vị cơ sở. Đây là điều kiện rất quan trọng để quân đội thực hiện và phát huy được vai trò nòng cốt trên mặt trận PCTT và CHCN mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, giao phó.
- Vậy, theo Trung tướng, có được kết quả đó là do những nguyên nhân nào?
- Theo tôi, có được kết quả đó, trước hết, trên cơ sở quán triệt, nắm vững quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ PCTT, sự cố và CHCN; xác định đây là nhiệm vụ chính trị, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của quân đội”, từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khắc phục khó khăn, thậm chí rất phức tạp, hiểm nguy. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ luôn có mặt ở thời điểm quan trọng nhất, nơi khó khăn, phức tạp nhất; điều đó đã khẳng định vai trò của quân đội là lực lượng nòng cốt trong PCTT, sự cố, CHCN và là lực lượng có khả năng ứng cứu nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó thiên tai và CHCN, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động lực lượng, phương tiện tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng của thiên tai, sự cố đến nơi an toàn. Góp phần rất quan trọng trong giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, được Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

- Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, BĐBP đã triển khai hàng loạt các phương án, kế hoạch tổ chức, huấn luyện công tác ứng phó với các tình huống thiên tai, lụt bão, cháy nổ, cháy rừng... Trung tướng đánh giá như thế nào về vai trò của BĐBP đối với công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, CHCN?
- Thời gian qua, có thể nói, BĐBP đã phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trên tuyến ven biển và biên giới (những địa bàn trọng yếu của Tổ quốc), trong PCTT, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, rất kịp thời, có hiệu quả trong bất cứ tình huống nào, đặc biệt đã phối hợp với chính quyền các địa phương tuyến biển kêu gọi, thông báo, hướng dẫn cho hàng nghìn lượt người và các phương tiện hoạt động trên biển biết diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm để chủ động về bờ hoặc di chuyển, trú tránh an toàn.
Riêng với hướng biển, 5 năm qua, BĐBP đã huy động 7.118 cán bộ, chiến sĩ/896 phương tiện cứu thành công 688 vụ/3.619 người/282 phương tiện; hệ thống đài thông tin trực canh của BĐBP ven biển đã phối hợp tốt với Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam, Trung tâm thông tin Tổng cục Thủy sản, địa phương và các cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức phát các thông tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển cho 12.470.322 lượt người, 4.198.871 lượt phương tiện vào nơi tránh trú an toàn.
Hơn thế nữa, BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, kiên quyết không cho ra khơi (xuất bến) những phương tiện thiếu các thủ tục, giấy tờ và các trang thiết bị theo quy định; ban hành Quy chế phối hợp CHCN và cơ chế, chính sách đối với hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ngư dân, tàu cá trên biển và trong vùng nước cảng biển; tuyên truyền về việc xây dựng, phát huy xây dựng tổ đội đoàn kết, nghiệp đoàn nghề cá địa phương để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra, đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, góp phần giảm thiểu tai nạn trên biển và ngân sách Nhà nước.
Nhiều nơi, BĐBP không chỉ hướng dẫn nhân dân tránh trú bão, lũ, mà còn nhường nhà, nhường cơm, chia áo cho dân, giúp dân sơ tán, chằng chống, sửa chữa nhà cửa, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, tham gia chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn trong sạt lở đất, sập đổ công trình... Những nỗ lực đó đã giúp nhân dân hạn chế rất nhiều thiệt hại do thiên tai, sự cố, bão, lũ gây ra.
- Thiên tai, sự cố và tình hình bão, lũ diễn biến ngày càng phức tạp, theo Trung tướng, trong thời gian tới, Quân đội cần triển khai những nội dung, biện pháp gì để ứng phó?
- Thời gian tới, dự báo biến đổi khí hậu, thiên tai, sự cố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân. Để nâng cao hiệu quả phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai - ứng phó với biến đổi khí hậu, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là trên các địa bàn trọng điểm về thiên tai, sự cố. Đây là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu gây ra. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về phòng, chống thiên tai, sự cố - biến đổi khí hậu cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường”; Nghị định 30/2017/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn”; Nghị quyết 689-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố - CHCN đến năm 2020 và những năm tiếp theo”... Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững quan điểm, nguyên tắc, phương châm, yêu cầu cấp thiết đặt ra trong PCTT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quyết tâm, lòng dũng cảm trong thực hiện nhiệm vụ.
Hai là, chuẩn bị toàn diện, chu đáo về lực lượng, phương tiện, phương án phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống sự cố, thiên tai, biến đổi khí hậu. Với quan điểm “chủ động phòng, chống, trong đó phải lấy phòng là chính”, toàn quân tiếp tục củng cố, kiện toàn lực lượng tham gia PCTT, sự cố, tìm kiếm CHCN; coi trọng xây dựng lực lượng kiêm nhiệm tại chỗ bảo đảm đủ sức ứng phó với mọi tình huống sự cố, thiên tai, biến đổi khí hậu. Trên cơ sở kết quả đạt được và yêu cầu thực tiễn đặt ra, các đơn vị tăng cường xây dựng lực lượng kiêm nhiệm ở các cấp, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, nhất là ở các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm ứng phó tại chỗ, kịp thời, hiệu quả đối với mọi sự cố, thiên tai do biến đổi khí hậu ngay từ cơ sở. Đặc biệt, cần tiếp tục đầu tư xây dựng lực lượng chuyên trách đủ về số lượng, hợp lý có chuyên môn nghiệp vụ cao; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư mua sắm phương tiện, trang bị chuyên dùng hiện đại, đủ sức làm nòng cốt trong PCTT, sự cố, tìm kiếm CHCN...
Ba là, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và hợp tác quốc tế trong PCTT - ứng phó biến đổi khí hậu. Hiện nay, đã bước vào mùa mưa, bão, các cơ quan, đơn vị bám sát chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng và hướng dẫn của cơ quan chức năng. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nơi đóng quân tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình địa bàn; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động quy hoạch, điều chỉnh, bố trí lại dân cư, công trình vượt lũ, chống ngập; xây dựng phương án bảo vệ an toàn cho hồ, đập thủy lợi, thủy điện; sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; xây dựng phương án huy động nguồn lực, cơ chế trao đổi thông tin, quy chế phối hợp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”. Cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế hoạt động trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, tìm kiếm, cứu nạn. Trong đó, chú trọng hợp tác quốc tế về lĩnh vực đào tạo huấn luyện, diễn tập, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về quản lý, phòng ngừa, xử lý thiên tai, sự cố; đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị CHCN phù hợp với điều kiện của đất nước.
- Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!
Mai Vân