Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 04:57 GMT+7

Lực lượng nòng cốt trong thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”

Biên phòng - Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động đang hỗ trợ hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn biên giới có điều kiện để tiếp tục đến trường học tập. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Đoàn Ngọc Báu, Trưởng ban Thanh niên BĐBP để làm rõ hơn vai trò, vị trí của cán bộ, đoàn viên, thanh niên BĐBP trong thực hiện chương trình.

5a011361455714c368001da4
Thiếu tá Đoàn Ngọc Báu. Ảnh: Viết Lam

PV: Đề nghị đồng chí cho biết, trải qua quá trình thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã để lại những dấu ấn nào?

Thiếu tá Đoàn Ngọc Báu: Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động với ý nghĩa nhân văn, thiết thực đã trở thành một hoạt động thường xuyên tại các đơn vị BĐBP. Tính đến hết năm học 2016 - 2017, các tập thể, cá nhân trong toàn lực lượng BĐBP đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ trên 2.802 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn biên giới, trong đó, 87 học sinh trên biên giới nước Lào, 91 học sinh trên biên giới Campuchia. Với sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, đã có 32 em tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, 7 em thi đậu vào các trường đại học và cao đẳng.

Mỗi em học sinh được BĐBP đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” đều nhận được số tiền 500 nghìn đồng/tháng, được cán bộ, chiến sĩ tại các đơn vị cơ sở quan tâm chăm lo cuộc sống, chỉ dạy học tập. Điều đó đã giúp các em có điều kiện vươn lên học tập tốt hơn. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân ở khu vực biên giới, tạo nguồn cán bộ cho cơ sở.

Chương trình “Nâng bước em tới trường” của BĐBP cũng góp phần san sẻ những khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc xây dựng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tăng cường tình đoàn kết quân dân; tác động tích cực đến việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng biên giới lòng dân. Việc cán bộ, chiến sĩ BĐBP Việt Nam nhận đỡ đầu các em học sinh khó khăn ở địa bàn biên giới đối diện thuộc các nước Lào và Campuchia đã góp phần thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. 

Với những kết quả đã đạt được, Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã nhận được sự đánh giá cao của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương. Quan trọng hơn, đã có nhiều đơn vị như Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam... cùng đồng hành với BĐBP trong việc thực hiện chương trình.

PV: Lực lượng đoàn viên, thanh niên trong BĐBP có vai trò, vị trí như thế nào trong thực hiện chương trình?

Thiếu tá Đoàn Ngọc Báu: Địa bàn cán bộ, chiến sĩ BĐBP làm nhiệm vụ chủ yếu là rừng núi hiểm trở, bờ biển, hải đảo, nơi cuộc sống, trình độ dân trí của người dân còn nhiều hạn chế. Trước đây, có nhiều em phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Từ thực tế công tác, năm 2012, cán bộ, đoàn viên, thanh niên ở một số đơn vị cơ sở thuộc BĐBP các tỉnh: Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Lai Châu đã có sáng kiến thành lập quỹ để hằng tháng giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Một thời gian sau khi triển khai, chương trình đã có tác động tích cực đến công tác giáo dục trên địa bàn, cách làm hay nhanh chóng trở thành một phong trào lan tỏa đến nhiều đơn vị trong toàn lực lượng. Đặc biệt, năm 2015, Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã được Bộ Tư lệnh BĐBP phát động trong toàn lực lượng với những nội dung, yêu cầu, chỉ tiêu rõ ràng. Ngay từ khi phát động, Bộ Tư lệnh BĐBP đã xác định cán bộ, đoàn viên, thanh niên tại các đơn vị sẽ là lực lượng nòng cốt, trực tiếp để thực hiện chương trình.  

Với sự chỉ huy, chỉ đạo sâu sát của cấp trên, nhận thức sâu sắc ý nghĩa chương trình mang lại, cán bộ, đoàn viên, thanh niên các đơn vị đã thật sự vào cuộc. Các tổ chức Đoàn đã phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương khảo sát, nhận đỡ đầu các em đúng với yêu cầu chương trình đặt ra. Khi nhận đỡ đầu học sinh khó khăn, cán bộ, đoàn viên, thanh niên ở các đơn vị chủ động tạo nguồn kinh phí hỗ trợ hằng tháng cho các em. Thường xuyên trực tiếp chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần, trau dồi phẩm chất đạo đức, kiến thức để các em phát triển toàn diện.

Đến nay, cán bộ, đoàn viên ở một số đơn vị như BĐBP: Cao Bằng, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Gia Lai... đang thực hiện chương trình rất hiệu quả. Đáng chú ý, xuất hiện nhiều đoàn viên, thanh niên ngoài trách nhiệm chung với đơn vị, còn nhận đỡ đầu riêng một số em học sinh. Cụ thể như Thượng úy Giàng A Trú, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, BĐBP Lào Cai đã tham mưu cho đơn vị đỡ đầu 17 em, trực tiếp chăm lo cho 2 em sinh hoạt, học tập ở đơn vị; Thượng úy Lê Văn Cường, Đội trưởng Đội Tổng hợp đảm bảo, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức, BĐBP Long An trực tiếp giảng dạy lớp học tình thương cho 22 em.  

b5zw_14b
Cán bộ Đồn Biên phòng Lai Hòa, BĐBP Sóc Trăng đưa học sinh qua các kênh rạch đến lớp. Ảnh: Nguyễn Long

PV: Để Chương trình “Nâng bước em tới trường” phát triển sâu rộng, bền vững thì cán bộ, đoàn viên, thanh niên cần tiếp tục làm gì?

Thiếu tá Đoàn Ngọc Báu: Trước hết, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo tổ chức Đoàn, đoàn viên, thanh niên xác định được vai trò, vị trí của mình trong quá trình thực hiện chương trình. Quá trình tổ chức thực hiện, tổ chức Đoàn tại các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhà trường khảo sát, lựa chọn đối tượng đỡ đầu phù hợp. Không ngừng thực hiện lối sống lành mạnh, tiết kiệm gương mẫu. Trong quá trình dạy bảo các em học tập, cần phối hợp với nhà trường để có sự định hướng nghề nghiệp về lâu dài đúng với khả năng, trình độ của mỗi em. Tích cực vận động các nguồn lực xã hội chung tay thực hiện chương trình một cách thiết thực, hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Viết Lam

Bình luận

ZALO