Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 08:11 GMT+7

Lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia: Hùng hậu và chuyên nghiệp

Biên phòng - Với đường biên giới trải dài cả trên đất liền và trên biển, lực lượng bảo vệ biên giới của Vương quốc Campuchia được chia thành 3 thành phần bao gồm: BĐBP, Cảnh sát bảo vệ biên giới (CSBVBG) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát Hoàng gia (Bộ Nội vụ, Campuchia) và Cảnh sát trực thuộc Tổng cục Di trú (Bộ Nội vụ Campuchia).

5b6d445e22f7c782f5001023
Đồn Biên phòng Phước Tân, BĐBP Tây Ninh phối hợp tổ chức tuần tra song phương với Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ biên giới 611, Ty Công an tỉnh Svay Rieng, Campuchia. Ảnh: Hồ Phúc

Lực lượng CSBVBG có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới song phương, cửa khẩu phụ; tuần tra, kiểm soát, duy trì bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực biên giới và công tác đối ngoại. Lực lượng CSBVBG được tổ chức dọc theo 3 cấp: Cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp cơ sở.

Cấp Trung ương (Tổng cục Cảnh sát Hoàng gia Campuchia) là cơ quan chỉ đạo cao nhất đối với lực lượng CSBVBG, trong đó, Cục trung tâm Cảnh sát Biên phòng đường bộ trực tiếp tham mưu cho Tổng cục Cảnh sát Hoàng gia chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với các Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ biên giới tại các tỉnh, thành biên giới.

Cấp tỉnh gồm Công an các tỉnh biên giới. Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ biên giới vừa chịu sự chỉ đạo về mặt nghiệp vụ của Cục trung tâm Cảnh sát Biên phòng đường bộ, vừa chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Công an tỉnh; có nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo các đồn Cảnh sát bảo vệ trên biên giới.

Cấp cơ sở gồm các đồn Công an Biên phòng. Các đồn này có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, làm thủ tục xuất nhập cảnh trên biên giới; tổ chức tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới; tham gia công tác đối ngoại biên phòng với các nước láng giềng.

Lực lượng Cảnh sát trực thuộc Tổng cục Di trú (Bộ Nội vụ Campuchia) có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh biên giới, duy trì bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực cửa khẩu quốc tế và thực hiện công tác đối ngoại. Lực lượng Cảnh sát trực thuộc Tổng cục Di trú được biên chế thành 2 Cục chuyên làm nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu trên biên giới đường biển và đường bộ.

Lực lượng BĐBP Campuchia có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, phối hợp với CSBVBG bảo vệ an ninh, trật tự trong khu vực biên giới, phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tham gia bảo vệ rừng. Lực lượng BĐBP Campuchia được phân thành 3 cấp: Cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cấp Trung ương gồm Cục Biên giới trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia, quản lý Nhà nước về biên giới, có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Tổng Tư lệnh để chỉ đạo về mặt nghiệp vụ trong công tác bảo vệ biên giới đối với Bộ Tư lệnh Lục quân và Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh biên giới.

Cấp tỉnh gồm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, biên chế thành các Tiểu đoàn bảo vệ biên giới, đứng chân ở trung tâm các tỉnh, thị xã, huyện biên giới; có nhiệm vụ chỉ đạo các Đại đội BĐBP tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc, đấu tranh ngăn chặn các  loại tội phạm và các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; tham gia công tác đối ngoại biên phòng với các nước láng giềng.

Cấp cơ sở gồm các Đại đội BĐBP có nhiệm vụ trực tiếp tuần tra, kiểm soát các dấu hiệu đường biên, mốc giới, phối hợp với các đồn CSBVBG duy trì bảo vệ an ninh trật tự trong khu vực biên giới.

Hiện nay, lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia được xây dựng với đội ngũ hùng hậu và chuyên nghiệp, trang bị vũ khí tốt và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Bên cạnh nhiệm vụ giữ vững an ninh biên giới, hoạt động đối ngoại biên phòng với các nước láng giềng cũng được lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia đẩy mạnh, góp phần, xây dựng khu vực biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, xã hội.

Hà Thu

Bình luận

ZALO